27/08/2010 | 16:15:00

Đặng Thái Sơn: Tôi được sinh ra đúng thời của mình

Trước đây, mẹ tôi từng là một giáo viên piano nghiêm khắc. Ít có học sinh nào mà không phải trải qua sự nghiêm khắc của bà. (Nguồn: TT&VH)

“Tôi nghĩ tính thời điểm cũng quan trọng… Nếu tôi tốt nghiệp muộn hơn, chắc tôi cũng chỉ đi buôn thôi, không nên cơm nên cháo gì,” Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn tâm sự.

Được gặp thầy là điều quan trọng

Câu hỏi: Việc được thầy Issac Katz phát hiện với việc đoạt giải Chopin 1980, điều nào đối với ông quan trọng hơn?

Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn:
Tôi nghĩ rằng lúc đó mà không có thầy Kat, tôi chẳng làm được điều gì hết. Mình mà có đi thi, cũng chỉ cầm “cái rọ không” về mà chẳng đoạt được giải thưởng nào.

Ông ấy đã làm cho tôi tin tưởng vào khả năng của mình, rằng tôi sẽ trở thành một nghệ sĩ biểu diễn tầm cỡ quốc tế. Dù lúc đó tôi chưa hoàn thiện nhưng cũng đã bộc lộ được tiềm năng.

Trước đây, mẹ tôi từng là một giáo viên piano nghiêm khắc. Ít có học sinh nào mà không phải trải qua sự nghiêm khắc của bà. Và trong giáo dục con cái, bà đã dạy tôi không được kiêu ngạo và phải khiêm tốn.

Tuy nhiên, có lúc tôi lại trở nên tự ti - điều này không tốt tí nào. Cho đến khi gặp ông Katz, tôi mới biết mình là ai. Tôi nghĩ cho dù không có Concours Chopin nhưng được sự hướng dẫn của thầy Katz, tôi vẫn có thể biểu diễn được ở tầm quốc tế và đoạt một giải khác. Do đó được gặp thầy với tôi là điều quan trọng hơn.

Tôi coi việc đoạt giải thưởng Chopin là một bước đệm cho sự nghiệp của mình sau này. Giải thưởng này đã đem lại một niềm tin lớn cho tôi. Không ai tin được là mình đã diễn đạt được cái nền văn hóa châu Á chuẩn như thế nào.

Cũng nhờ có giải thưởng ấy mà sau này Nhà nước đầu tư rất nhiều cho các em ra nước ngoài du học ngay từ trung cấp. Tôi rất chú ý đến chuyện này. Tôi nghĩ tính thời điểm cũng quan trọng. Nếu tôi sinh sớm hơn thời điểm đó vài năm, chắc cũng khó vì lúc này đất nước còn chiến tranh, kể cả có sự giúp đỡ của ông Katz, tôi cũng chẳng có cơ hội đi đâu cả.

Khi tôi tốt nghiệp năm 1975, đất nước cũng gần kết thúc chiến tranh và tôi đi là vừa đẹp. Còn muộn hơn thời điểm này, chắc tôi cũng chỉ đi buôn thôi, không nên cơm nên cháo gì.

Tập đàn trong những điều kiện khắc nghiệt nhất


Câu hỏi: Tết 1978, thời tiết tại Mátxcơva xuống tới âm 44 độ C, ông đã từng luyện tập trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt như vậy?


Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn:
Mọi người cứ nghĩ nhiệt độ như vậy cũng sẽ lạnh như ở Việt Nam nhưng thực ra ở bên đó, chỉ có ra ngoài trời mới lạnh còn vào nhà lại rất ấm, nên tôi có thể tập đàn một cách thoải mái. Tôi có cảm giác ở Việt Nam, mùa lạnh còn lạnh hơn cả ở Nga vì nhiệt độ trong nhà và bên ngoài gần như nhau.

Nhưng cách đây hơn chục năm, có lần tôi cũng phải luyện tập với điều kiện thời tiết rất khó khăn. Đó là vào năm 1998 khi ở Canada xảy ra vụ bão tuyết lớn nhất trong lịch sử. Lúc ấy, tuyết rơi chậm và còn đóng băng thành những viên đá lớn khi rơi xuống. Những viên đá tuyết làm cây cối gãy đổ xuống đường, còn các mái nhà thì bị thủng.

Toàn thành phố chìm trong bóng tối với một tuần không có điện. Mọi người phải di cư đi chỗ khác, hoặc chui vào các siêu thị để lánh nạn, nhưng tôi, vẫn ở nhà.

Vì lúc đó đã có lịch diễn và không thể hủy bỏ nên tôi quyết định ở lại để việc luyện tập của mình không bị gián đoạn. Một tuần không điện, không lò sưởi và rất lạnh nên tôi đã phải đeo găng tay để tập được đàn.

Song nghĩ lại, tôi thấy có lẽ những năm tháng đi sơ tán mới chính là khoảng thời gian phải học tập trong điều kiện khó khăn nhất. Vì lúc ấy, hầu như mọi sinh hoạt đều ở dưới hầm.

Môi trường ẩm thấp nên đàn hay bị xịt nốt. Rồi lại còn phải giữ gìn đàn cho chuột khỏi chạy vào khe của các pedal, cắn hỏng búa đàn và lớp dạ lót bên trong.

Ở nơi sơ tán, dân Hà Nội được người địa phương giúp đỡ tận tình về điều kiện ăn ở nhưng có những lúc họ không thích tiếng đàn vì sợ “tiếng đàn át tiếng bom,” ồn ào không nghe được thông báo có máy bay của địch đến để chạy xuống hầm trú ẩn.

Vậy là có kẻ xui trẻ con trèo lên đàn và “bậy” lên đó. Thành ra, có những hôm khi chúng tôi vừa mở nắp đàn lên, mùi xú uế bốc lên thật khủng khiếp. Một tay tập đàn, còn tay kia bịt mũi (cười).

Mỗi tiếng đàn tựa như một từ


Câu hỏi
: Theo ông, vì sao nhạc cổ điển lại khó hiểu với đám đông? Vì sao người Đức xếp âm nhạc có tầm tư tưởng chỉ đứng sau triết học?

Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn: Người Đức xếp âm nhạc đứng sau triết học có lẽ cũng vì tính trừu tượng trong âm nhạc. Khi nghe nhạc, không thể đòi hỏi người nghe phải hiểu cụ thể là âm nhạc đang nói gì vì mỗi người có sự tự do trong cảm nhận riêng của mình.

Điều đó thể hiện tính dân chủ cao trong âm nhạc. Và cũng vì âm nhạc không có ngôn ngữ cụ thể nên phần nào thể hiện được tính triết học ở đây.

Bình thường người ta luôn đòi hỏi người chơi đàn phải đem đến một tiếng đàn có chất hát. Tôi thì chia ra làm hai loại. Chất hát mới chỉ ở mức một, còn mức hai là tiếng đàn phải biết nói lên được. Hát là thuộc về cái đẹp. Đó là sự ngân nga, lên xuống trầm bổng. Nhưng khi “nói”, thì mỗi tiếng đàn tựa như một từ. Mà từ ở đây là triết và mình có thể triết theo cách mình muốn.

Tuy nhiên, xếp âm nhạc đứng sau triết học là với người Đức, còn không thể áp đặt điều này vào âm nhạc của Chopin được. Vì người Đức theo lý trí mà âm nhạc của Chopin là tình cảm./.

(Còn nữa)

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark