12/02/2015 | 09:34:00

Đào từ miền ngược cũng có dịp "hội tụ" về Thủ đô khoe sắc

Đào rừng bày bán công khai trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, phố phường Hà Nội rực đỏ cờ hoa, xen lẫn là không khí nhộn nhịp người mua sắm Tết.

Có lẽ nét đặc trưng quen thuộc nhất của đất Hà thành khi mỗi độ Tết đến Xuân về là các vườn hoa và đường phố khoe sắc rực rỡ bởi sắc hoa đào.

Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường ngày càng mở rộng và đa dạng nên người chơi, cách chơi đào cũng muôn màu, muôn sắc. Không chỉ có đào từ các vườn truyền thống như Nhật Tân, mà đào từ miền ngược cũng có dịp "hội tụ" về Thủ đô khoe sắc.

Trên từng con đường chuyên bán đào như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Láng..., không ít loại đào mốc bản địa vùng cao, được ví như "hồn rừng lạc phố," làm nên phố đào đủ sắc màu giữa lòng Hà Nội.

Có đi mới biết, nghe mới hiểu, để chăm sóc một cây đào rừng đẹp bán Tết bà con đồng bào vùng cao phải vất vả đến nhường nào. Anh Vàng Tủa Chùa, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ: Bản ở trên sườn núi đá cao nên mỗi trận mưa lại cuốn theo đất đá xói mòn làm trơ các gốc đào sau nhiều năm chăm bón.

Để đào có đủ đất sống, cứ chừng vài tháng, cả nhà lại bốc đất đắp vào từng gốc cho đào. Câu chuyện đồng bào vùng cao vun vén cho từng gốc đào qua nhiều năm không chỉ mang ý nghĩa lưu giữ, bảo tồn loài cây bản địa mang đậm ân tình của người vùng cao trong những ngày Tết cổ truyền ấm áp của dân tộc, mà còn là loài cây hoa có giá trị sinh kế cao trong những ngày Tết đến, Xuân về.

“Năm nay cả nhà cũng có gần 30 gốc, bán cho thợ buôn chẳng được là bao nên bà con cùng thuê xe về tận dưới xuôi bán. Mỗi gốc trừ tiền vận chuyển và chi phí cũng để ra được hơn 1 triệu đồng. Tết này bán hết là đủ tiền mua sắm Tết cho cả nhà,” Vàng Tủa Chùa chia sẻ.

Theo các thương lái đào từ Lào Cai về Hà Nội, đào rừng tán rộng, thân dài nên mỗi xe chỉ chở được khoảng vài chục gốc, cành. Đào rừng là loại có dáng khỏe, gốc và thân sần sùi, nụ ít nhưng mập và cánh hoa nở có màu hồng nhạt. Loại này thường mọc tự nhiên trong rừng sâu, trên các vách đá gần suối, nên thường có một lớp rêu phủ, vì vậy rất được khách hàng ưa chuộng.

Khi đào chuyển về tới Hà Nội có thể lãi gấp 3-4 lần. Nếu gặp được khách chơi đào, giá một gốc đào rừng đẹp có thể lên tới cả chục triệu đồng. Nếu như năm ngoái, một cành đào rừng nhỏ chỉ có giá khoảng 300.000 đến 400.000 đồng, năm nay, nhiều chủ hét giá lên gấp 3 lần.

Mặc dù đắt là vậy nhưng người dân Thủ đô vẫn chuộng đào rừng. Chị Nguyễn Thị Vân, ngõ 81 Lạc Long Quân, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: đào rừng đẹp tự nhiên, trưng đào rừng như có chút không khí đất rừng vùng núi cao Tây Bắc trong những ngày Tết cổ truyền ấm áp của dân tộc, nên nhiều năm nay việc chơi đào rừng đã trở thành “mốt” với người dân Thủ đô.

Vì thế từ Tết Dương lịch, dân buôn đã ngược vùng núi Tây Bắc để “săn đào.”

Còn đối với đồng bào vùng cao bản địa ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu... đang ngày ngày vun trồng chăm sóc từng gốc đào quý để mỗi độ Tết đến, Xuân về lại có đào chuyển về xuôi len lỏi vào mọi phố phường Hà Nội, góp phần tô thắm hương sắc hoa rực rỡ trong những ngày Tết cổ truyền ấm áp của dân tộc./.

Nguyễn Thắng (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark