02/06/2019 | 11:15:00

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn: Khó nhất là phần nghị luận xã hội

Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2019-2020 tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Phan Huy Chú. (Ảnh: Đình Tùng/Vietnam+)

Sáng nay, gần 86.000 học sinh Hà Nội đã hoàn thành môn thi Ngữ văn, môn đầu tiên của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2019-2020.

Đề thi được đa số thí sinh nhận định là không quá khó. Các thí sinh cho biết làm khá tốt bài thi và có tâm lý thoải mái cho môn thi tiếp theo sẽ diễn ra chiều nay, môn Toán.

Rời điểm thi Trường Trung học phổ thông Việt Đức với nụ cười tươi tắn, thí sinh Trần Kỳ Anh, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, đánh giá đề thi Ngữ văn khá dễ. Thí sinh dễ dàng có thể “ăn điểm” ở hai câu đầu, thuộc phần một của đề thi, với hỏi về thể thơ của bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh và tìm hai bài thơ có cùng thể thơ này trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

Câu hỏi khó nhất trong đề thi là phần nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến: Phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình.

Thí sinh trường Trưng Vương cho biết em có thể đạt khoảng 7,5 đến 8 điểm ở bài thi môn Ngữ văn, hoàn thành chỉ tiêu đề ra cho môn thi này.

De thi vao lop 10 mon Ngu van: Kho nhat la phan nghi luan xa hoi hinh anh 1Thí sinh rời trường thi sau khi kết thúc môn Ngữ văn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng chung nhận định với Kỳ Anh, thí sinh Nguyễn Bảo Châu, Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền cho rằng đề thi năm nay “không khó như em tưởng tượng.” Bảo Châu cho biết, phần khó nhất của đề là nghị luận xã hội.

“Nếu viết về một vấn đề, hiện tượng trong xã hội thì chúng em dễ lấy dẫn chứng hơn, còn bàn luận về một ý kiến thì khó hơn. Tuy nhiên, em vẫn hoàn thành bài thi khá tốt và dự kiến được khoảng 7, 8 điểm,” Bảo Châu chia sẻ.

Hài lòng với bài làm môn Ngữ văn cũng là chia sẻ của thí sinh Nguyễn Ngân Hà, Trường Vinschool. Hồ hởi khi bước ra khỏi phòng thi, Ngân cho biết em làm rất tốt bài thi và gần như là trúng tủ. Hầu hết những câu hỏi thí sinh đều có thể trả lời được vì kiến thức đều trong chương trình cơ bản và đã được ôn tập.

Làm tốt môn thi đầu tiên, các thí sinh có tâm trạng khá thoải mái để bước vào môn thi thứ hai sẽ diễn ra vào buổi chiều, môn Toán, với hình thức thi tự luận, thời gian làm bài là 120 phút./.

Dưới đây là chi tiết đề thi môn Ngữ văn:

Phần 1 (7.0 điểm)

Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài này thi phẩm “Sang thu” sâu lắng.

1. Bài thơ Sang thu được sáng tác theo thể thơ nào? Ghi tên hai tác phẩm khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết theo thể thơ đó.

2. Trong khổ thơ đầu, tác giả đã đón nhận thu về với “hương ổi”, “gió se”, “sương chùng chình” bằng những giác quan nào? Cũng trong khổ thơ này, các từ “bỗng, và “hình như” giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ?

3. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ nhân hóa trong câu thơ “sương chùng chình qua ngõ”.

4. Khép lại bài thơ, Hữu Thỉnh viết:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng câu đứng tuổi”

Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp-phân tích-tổng hợp, em hãy làm rõ những cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả ở khổ thơ trên, trong đó có sử dựng câu bị động và câu có thành phần cảm thán (gạch dưới một câu bị động và một thành phần cảm thán)

Phần 2 (3.0) điểm

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Có người nói thành đạt là do gặp thời, có người lại cho là do hoàn cảnh bức bách, có người cho là do có điều kiện được học tập, có người lại cho là có tài năng trời cho. Các ý kiến đó mỗi ý chỉ nói tới một nguyên nhân, mà lại đều là nguyên nhân khách quan, họ quên mất nguyên nhân chủ quan của con người.

Thật vậy. Giặp thời tức là gặp may, có cơ hội, nhưng nếu chủ quan không chuẩn bị thì cơ hội cũng sẽ qua đi. Hoàn cảnh bức bách tức là hoàn cảnh khó khăn buộc phải khắc phục. Nhưng gặp hoàn cảnh ấy có người bi quan, thất vọng, chán nản, thối chí; có người lại gồng mình vượt qua.

(Nguyễn Hương, “Trò chuyện với bạn trẻ”, Ngữ văn 9, tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2018)

1. Xác định một phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn in nghiêng ở trên và chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết.

2. Theo tác giả, khi gặp “hoàn cảnh khóa khăn buộc phải khắc phục”, con người có những cách ứng xử nào?

3. Từ nội dung đoạn trích trên, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình.

PV (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark