18/12/2012 | 10:52:00

Đền ông Thọ làng Giáp Nhị

Ở làng Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội có tục lệ trọng thọ khá độc đáo. Tại đây có Thọ ông Từ (đền ông Thọ), nơi tôn vinh, phụng thờ các bậc Tiên lão trong làng. Việc phụng thờ ở đền Ông Thọ đã đươc ổn định từ hàng trăm năm nay.

Đây là ngôi đền lợp ngói được xây dựng ở phía đông của làng trên nếp đất tốt có cây gạo lớn bên cạnh con sông Sét. Từ bấy giờ, các cụ phụ lão trong làng đã bàn định việc thờ phụng các bậc Tiên lão.

Các vị thọ 100 tuổi trở lên là Quốc lão thì được thờ tại chính đàn trong đền Ông Thọ. Các vị Hương lão thì phối thờ theo, có viết rõ tên, tuổi, tước, thụy. Các cụ thọ 80, 70 tuổi thì đặt bài vị ở hai bên tả và hữu. Còn ngày lễ tết thì lấy ngày 10 tháng 2 và tháng 8 (âm lịch) sửa theo nghi lễ, có soạn văn tế. Hàng năm vào ngày hội làng rằm tháng 2 (âm lịch) thì ngày 14 rước mã xuống lễ tại đền Ông Thọ.

Tiến sĩ, nhà văn Việt Nam Bùi Huy Bích (1744-1818) được các bô lão trong làng thỉnh viết bài văn để khắc vào bia đá dựng tại đền Ông Thọ:

Đền Ông Thọ, nơi thờ các bậc tiên lão trong làng. Phong tục của làng vốn từ xưa rất thuần hậu: Việc lấy cày cấy cần mẫn, siêng năng, văn học thì trọng, luôn luôn quý kính các cụ cao tuổi, đề cao, tôn trọng các vị chức tước, tính chất thuần phác, hay làm việc thiện. Có thể do chỗ được gần nơi kinh đô, hơn nữa các đời trước đây lại có nhiều bậc hiền khanh đại phu cho nên phong tục mới thành nếp quen như vậy.

Từ ngày tôi trưởng thành đến nay, đã thấy làng có nhiều người cao tuổi mà ngày càng nhiều hơn. Tôi lại được cùng các cụ chuyện trò, đàm đạo.

Rằng: các vị tiên lão thọ từ 100 tuổi trở lên thì thời kỳ đầu của nước ta, trong làng có ngài Cao Lệnh công thọ 104 tuổi làm quan Vệ ở Đồng Mụ.

Đến đầu thời Lê Trung Hưng thì có Bùi tướng công thọ 93 tuổi (cụ Bùi Bình Uyên)… Về sau có cụ họ Lê, hiệu Phúc Mỹ thọ 204 tuổi, con cháu thường gọi là cụ “Bạch Đầu Ông” (ông đầu bạc). Còn các cụ từ 70 trở ra thì không thể nào kể hết được!

Tôi cho rằng: Làng nên sắp xếp, cư xử theo tuổi tác. Những ai tuổi từ 50 trở lên thì được miễn làm việc chức sắc và chức dịch. Những vị thọ 70 thì người trong làng nên đến chúc mừng. Và hễ cứ có công to việc lớn thì nên hỏi han các cụ phụ lão rồi hãy làm là hơn hết. Như thể là trọng tuổi vậy.

Ngày nay, thật là diễm hạnh, các cụ cao tuổi càng nhiều…


Văn bia ghi việc các cụ làng Giáp Nhị dựng lên đền Ông Thọ tỏ rõ việc chú ý đến tuổi thọ với truyền thống trọng thọ của dân ta. Tiến sĩ danh nhân văn hóa Bùi Huy Bích vạch ra tư tưởng hạt nhân, cốt lõi là ở chỗ trọng đức, đề cao công đức của các bậc phụ huynh, các bậc trưởng lão trong làng. Họ là những người có trí tuệ và kinh nghiệm, có độ dày vốn sống. Tư tưởng trọng thọ trong thời đại ta, càng suy xét, càng đáng quý thay.

Đền Ông Thọ bị tàn phá trong chiến tranh, nay đã được xây dựng lại khang trang. Việc phụng thờ, tôn vinh các bậc tiền lão vẫn được duy trì theo nghi thức cổ truyền. Các cụ thọ 70 tuổi (cả nam và nữ) vẫn được khắc tên đặt hai bên bệ thờ trong đền Ông Thọ như xưa.

Ngày tế lễ hàng năm, nay do các cụ người cao tuổi trong làng phụ trách và các cụ cao tuổi trong làng, trong phường (kể cả các cụ đang làm ăn sinh sống ở nhiều nơi) đã về tham dự làm cho ngày này thực sự là ngày hội Trọng thọ của dân làng Giáp Nhị.

Một vinh dự là nhân ngày hội “Tuổi cao gương sáng Thủ đô 2006” trong chương trình lễ hội văn hóa “Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, cùng với rước Chiếu rời đô – Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là rước văn bia đền Ông Thọ từ làng Giáp Nhị. Tiếp đến lễ hội “Hà Thành xuân sắc” Đinh Hợi – 2007 do Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội tổ chức tại vườn hoa Vạn Xuân, đoàn rước của làng Giáp Nhị tham gia rước văn bia đền Ông Thọ.

Như vậy có thể nói là tục lệ tốt đẹp về trọng thọ, tôn kính các vị tiên lão, dân làng Giáp Nhị gìn giữ hàng trăm năm, nay càng được trân trọng. Ngôi đền Ông Thọ thờ phụng các Tiên lão của làng Giáp Nhị xứng đáng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark