04/05/2010 | 16:06:00

Di tích Hoàng thành thời Lê đã bị san phẳng

Đoạn Hoàng thành vừa bị phá. (Ảnh: Internet).

"Di vật tìm thấy tại hiện trường xây dựng trên đường Hoàng Hoa Thám đoạn cắt đường Văn Cao, Hà Nội cho thấy đây chính là Hoàng thành (lớp tường thành thứ hai trong ba lớp tường thành) thời Lê. Đoạn thành này có phải Hoàng thành thời Lý Trần hay không còn phải nghiên cứu thêm, song là của Hoàng thành thời Lê thì chắc chắn," giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kết luận sơ bộ sau khi đến công trường vào chiều 29/4.

Vừa xuất lộ đã bị phá

Những hiện vật tìm thấy trên công trường xây dựng đường giao thông trên chỉ là những mảnh còn lại sau khi máy xúc đã cào, phá, và đổ đi khối lượng lớn tường thành. Các tầng văn hóa - cuốn sử để lại cần được các nhà khảo cổ nghiên cứu - cũng theo đó bị xúc đi theo. Một nền bê tông rộng cũng đã được đổ, như ngăn cản bất cứ nhà khảo cổ nào muốn thực hiện việc khai quật. Chỉ còn chút ít thành sót lại.

Phó giáo sư-tiến sĩ Vũ Văn Quân, Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) không khỏi ngậm ngùi: “Bao lâu chúng ta cứ tìm kiếm những đoạn thành đã mất. Trong khi đó, thành còn ngay đây thì lại không giữ gìn được.”

Giáo sư-tiến sĩ Tống Trung Tín nhận xét về những gì còn lại tại hiện trường: “Tầng đất đắp của thành rất rõ. Tầng đất đắp này gồm đất thịt và thỉnh thoảng lẫn gạch. Thành đắp đất thịt như vậy là kiểu thành xây dựng rất kỳ công. Trong lòng tường thành có những di vật có tính chất niên đại và phản ánh quá trình đắp lớp thành này. Nhìn sơ bộ, ta thấy chủ yếu là di vật thời Lê, một ít thời Trần, thời Lý và tiền Thăng Long nữa.”

Giáo sư Phan Huy Lê kết luận: “Theo bản đồ Hồng Đức thì đoạn thành bị phá này chắc chắn trăm phần trăm là của Hoàng thành. Đoạn thành này có phải là Hoàng thành Lý Trần chưa thì còn phải nghiên cứu thêm song việc nó là Hoàng thành thời Lê thì không cần phải bàn cãi gì nữa. Các di vật tìm thấy tại công trường là di vật thời Lê. Viên gạch tìm thấy chính là gạch vồ thời Lê. Ngoài ra còn có di vật thời trước nữa. Căn cứ theo nguyên tắc lấy di vật thời muộn nhất làm thời hiệu thì đây là thành thời Lê.”

Chính vì thế, theo giáo sư Lê, các thông tin từ đoạn thành nói trên có thể cung cấp nhiều cơ sở để nghiên cứu nhiều nghi vấn về Hoàng thành. Tuy thành đã bị phá tan hoang và gần như san phẳng nhưng nếu khai quật sâu hơn vẫn còn có thể tìm được các tầng văn hóa.

“Qua nhiều thăng trầm lịch sử, hầu hết các di tích trên bản đồ Hồng Đức đã vĩnh viễn mất đi, thì đoạn thành còn sót lại mang thêm nhiều ý nghĩa lịch sử. Đối với thế giới, chuyện một tòa thành được vẽ trên bản đồ 500 năm trước, lại sừng sững tồn tại giữa phố xá trung tâm thủ đô của một nước cũng là hiện tượng hy hữu,” Phó giáo sư-tiến sĩ Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) nói.

Bên cạnh đó, đoạn Hoàng thành này cũng có những giá trị riêng rất độc đáo.

“Một đoạn thành vừa là Hoàng thành, vừa là vòng loa thành, vừa kiêm chức năng giữa thành và đê là hiện tượng tương đối hiếm trên thế giới. Nếu có thể giữ được cũng là nét độc đáo của Thủ đô,” ông Tín khẳng định.

Hội Khoa học Lịch sử kiến nghị bảo tồn

Không chỉ riêng các nhà khoa học lo lắng cho di tích, rất nhiều hộ dân sống quanh di tích cũng đã lên tiếng cho sự sống còn của nó. Hơn 50 hộ dân đã cùng ký đơn kiến nghị gửi đến Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam yêu cầu các nhà khoa học vào cuộc để ngăn chặn việc phá di tích.

Bản thân Phó giáo sư-tiến sĩ Trịnh Sinh cũng đã lên tiếng trên báo chí cảnh báo về việc mất di tích ngay sau khi thi công làm phát lộ một vệt gốm dài với nhiều di vật.

Phó giáo sư-tiến sĩ Hán Văn Khẩn lo lắng: “Trước thềm kỷ niệm nghìn năm Thăng Long lại phá đi di tích liên quan trực tiếp đến nghìn năm thì thật đáng lo ngại. Nhất là khi tất cả đều cố gắng chu toàn cho đại lễ thì ngay tại Hà Nội, các cơ quan có trách nhiệm lại làm ngơ, hoặc không biết để đến nỗi mất di tích.”

Đánh giá trách nhiệm của đơn vị thi công và nhà quản lý, giáo sư Phan Huy Lê nói: “Về quyết định thực hiện xây dựng đoạn đường, chiểu theo Luật Di sản mà nói thì họ không vi phạm vì đoạn thành trên chưa được xếp hạng di tích. Hơn nữa, với nhà quản lý thì có thể họ cho rằng đây chỉ là đường giao thông.”

“Mặc dù vậy, sau khi đào lên, nhất là sau khi có nhà khoa học lên tiếng trên báo chí, phải dừng việc xây dựng ngay lập tức. Trong Luật Di sản có quy định nếu xây dựng lộ ra các hiện vật có khả năng là di tích, di vật thì việc thi công phải tạm dừng để các cơ quan chuyên môn kiểm tra. Nếu đúng đó là di tích, di vật thì công trình phải dừng lại,” giáo sư Lê phân tích.

Giáo sư Phan Huy Lê cũng đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương làm hồ sơ công nhận di sản cho các đoạn khác của Hoàng thành hiện còn tồn tại. Ông cũng đề nghị các nhà khảo cổ khẩn trương lập bản đồ quy hoạch khảo cổ học di tích. Điều này sẽ giúp các nhà quy hoạch rõ hơn vị trí của những di tích khảo cổ để có thái độ ứng xử đúng đắn về văn hóa cũng như đúng Luật Di sản.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết sẽ làm văn bản kiến nghị dừng thi công công trình để tổ chức khai quật nghiên cứu cũng như cứu lấy những đoạn hoàng thành còn lại./.

Kiều Trinh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark