26/11/2012 | 14:28:00

Đi tìm..."con gái Hàng Đào"

Những người nặng lòng với Hà Nội xưa dường như thường đi tìm kiếm những hình xưa, bóng cũ trong những trước tác của các cụ Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… Con gái Hàng Ngang, Hàng Đào… cũng theo thời gian, theo những biến chuyển của lịch sử và cuộc sống, hình bóng ấy cũng trở thành cố nhân...

Người Tràng An đi vào trong thơ ca cũng nhiều, mà ngay đến cả những thành ngữ, tục ngữ dân gian cũng lắm. “Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Các bậc tiền nhân đã đóng khung niềm yêu của mình đối với người đẹp Hà thành trong câu thơ nhỏ nhắn, giản dị mà chẳng cần giấu giếm đi cái chút kiêu hãnh, tự hào ấy.Khi diện kiến với ông lão "Hà thành gốc" trên con phố Hàng Đào già nua và cổ kính, tôi mới hiểu, không phải cứ những người sinh sống trên đất kinh kỳ, cũng đều “chui” vào câu ca ngợi khen ấy.

Tôi tìm gặp ông lão Hà thành gốc, ngụ tại số nhà 72 Hàng Đào, có tên Nguyễn Thái An. Ông kể... Thời Pháp thuộc, khu phố dài chưa đầy 400 mét này, vỏn vẹn gần 100 số nhà, có tên là phố Rue De la Soie, có nghĩa là phố tơ lụa. Lùi xa lại một chút, Hàng Đào là khu phố tập trung những ông quan về hưu, sống cuộc sống hưởng thụ an nhàn. Các quan bà mở cửa hàng buôn bán các thứ lụa là tại gia. Đầu thế kỷ XX, các thương gia Ấn Độ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển sầm uất của Hàng Đào.

“Cự phú vi thương”, Hàng Đào trở thành khu phố giàu có nhất Hà thành. Nghề buôn bán vải vóc, lụa là đã trở thành “thương hiệu” của cả khu phố. Ngay như cái tên Hàng Đào, cũng là đọc chệch từ chữ “điều” mà ra. Cả phố buôn bán vải vóc, tơ lụa, nhiễu điều… Cả phố rực lên sắc vải lụa màu đào, màu điều.

Tôi thắc mắc với ông Thái An, một khu phố toàn “con buôn”, thương gia như thế, thì quả là vô lý để mà con gái Hàng Đào có phẩm chất thanh lịch Tràng An. Ông Thái An chỉ cười. Rồi vẫn cái giọng rủ rỉ, nhẹ nhàng nhất mực từ tốn, ông lấy ngay cái câu chuyện nhà mình ra làm minh chứng…

Ông An bảo, khách của Hàng Đào không phải chỉ những người dân Bắc, hay ngót hai chục vạn dân Hà thành, mà nó trải rộng khắp trong Nam ngoài Bắc, sang cả Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh quốc… Con gái Hàng Đào nếu không đảm đang, tháo vát, một tay chẳng thể quán xuyến được cơ nghiệp. Tuyệt đại bộ phận, người dân Hàng Đào đều có thân thế cao sang, quý phái, đều xuất thân từ các gia đình quan lại.

Những khuôn phép, lễ nghi… của chính thể phong kiến, đã trở thành thước đo để rèn giũa con cháu mình. Con gái Hàng Đào được cha mẹ dạy cho từng lời ăn tiếng nói, từng bước đi, cử chỉ, công - dung - ngôn - hạnh. Ngay đến việc buôn bán, cũng có cái đạo của nghề.

Thường, sáng sáng, cụ thân sinh của ông Thái An bao giờ cũng dậy sớm trước nhất cả nhà. Cụ đi chợ, phần để mua được những thức hàng tươi ngon, về làm ăn sáng cho cả nhà, phần còn cho kịp giờ mở hàng buổi sớm. Khi tất cả gia đình đã có cái lót dạ, bà mới ra trông cửa hàng.

Thời bấy giờ, không chỉ riêng Hàng Đào, tất thảy những phố buôn bán tại đất kinh kỳ Kẻ Chợ, đều lấy chữ tâm làm trọng. Khách đến, bất kể sang hèn, nhất mực đều nhẹ nhàng từ tốn, đón tiếp niềm nở, ân cần. Đến giờ nấu ăn, cụ lại một tay cơm dẻo canh ngọt, không để món ăn nấu ra lạc khẩu vị của bất cứ ai. Tiếng là bận, nhưng việc dạy dỗ con cái học hành, rèn tính người ngay từ nhỏ, cụ cũng không hề sao lãng.

Một bận, có hai cha con ông khách từ quê lên ghé hàng Thái An. Ông khách nhìn chiếc áo rồi hỏi: “Cái áo này có tốt không hả bác?”. Bà cụ xem chừng khi đó còn đang mải việc, đáp: “Tốt hay không tốt, bác cứ xem đi. Nhà tôi không bán đắt cho nhà bác đâu!”. Rốt cuộc, ông khách vẫn mua chiếc áo đó. Nhưng, đến bữa trưa, bà cụ cứ thở vắn than dài. Cụ ân hận, đến độ bỏ cả bữa cơm trưa. Hỏi ra, cụ cứ áy náy về cái việc ban sáng: “Lẽ ra, lúc đấy mẹ phải bảo, cái áo đó thực ra không được tốt lắm.

Hình như mình chẳng bán đắt cho người ta…”. Khi bà cụ có con dâu, thời gian đầu, cụ vẫn trông cửa tiệm, cho cô con dâu ngồi cùng, cốt là để truyền nghề. Những người đến làm dâu Hàng Đào, dù là gốc Hàng Đào, hay từ phố khác đến, thì cũng vẫn phải học lại từ đầu, bởi mỗi nhà có một nề nếp gia phong riêng. Ngay như vợ của ông Thái An bây giờ, về làm dâu hiệu vải Thái An từ năm 1967, mất mấy tháng đầu bà không quen với những sự khắt khe, kỹ tính của mẹ chồng. Ngay đến tài nấu nướng từ thời con gái, bà nghĩ mình sẽ làm tốt khi về làm dâu. Nhưng rồi bà vẫn phải học cách nấu ăn của mẹ chồng, để ý khẩu vị của từng người, cho đến từng lời ăn, tiếng nói.

“Con gái Hàng Đào kỹ tính chứ không phải là khó tính. Nhưng lại rất mực tinh tế, luôn hồ hởi với mọi người. Hồ hởi thật lòng chứ không phải đãi bôi. Ngay đến trang phục thường ngày, các cô, các chị dù ngồi ở nhà trông coi cửa hàng, nhưng lúc nào cũng mặt hoa da phấn, quần áo đoan trang… Thế nhưng, đối với những người nghèo khó, lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ, chứ không bao giờ khinh rẻ.

Trước, gần cửa tiệm Thái An, mẹ tôi vẫn cho các bà buôn len cuộn, len đan, (thời bấy giờ gọi là len bàn chân) ngồi nhờ. Còn, sự cạnh tranh trong buôn bán thì chẳng bao giờ có, bởi mỗi nhà là một thương hiệu, mỗi nhà có một loại hàng riêng, không lẫn vào đâu được. Khách quen ăn mối, muốn mặt hàng nào thì cứ đến tiệm hàng đó mà mua về. Thời bấy giờ, buôn bán là buôn bán bằng tín nghĩa, chứ không phải kiểu buôn bán chụp giật bây giờ, anh ạ…”.

Phố vẫn Hàng Đào, có còn "con gái Hàng Đào"?

Con phố Hàng Đào cổ kính, bây giờ đã trẻ lại bởi những ngôi nhà cao tầng hiện đại, những cửa hiệu cửa kính, điện màu lấp lánh, những tấm biển hiệu bằng tiếng nước ngoài… Thảng hoặc, giữa những ngôi nhà hiện đại và giàu có, chợt bị tụt xuống một khoảng hõm của một mái nhà ngói liêu xiêu, hay một ngôi nhà tường sơn vàng, kiến trúc kiểu Pháp đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt. 400 mét phố Hàng Đào vẫn thế. Hơn một trăm số nhà chẵn lẻ chia đều cho hai bên vẫn thế. Phố hàng Đào bây giờ không còn là phố nghề nữa, mà nó trở thành phố buôn bán. Tất tật, mặt hàng nào cũng có: điện thoại di động, đồng hồ, vàng bạc đá quý, hàng nước, hàng ăn, hàng thịt chó…

Các chị bán hàng mặt vẫn hoa da phấn, quần áo thời trang, xinh đẹp như minh tinh màn bạc ngồi trước những cửa tiệm kính dày chừng 30 ly, bán hàng lưu niệm cho khách Tây. Ồn ào và xô bồ. Tiếng nhạc, tiếng còi xe, tiếng gọi điện thoại oang oang của người đi đường thành một thứ tạp âm không thể gọi thành tên!

Vẫn giọng nói của ông Thái An, nhưng bây giờ không còn rủ rỉ nữa, mà đã nhuốm vẻ chán chường, mệt mỏi: “Lớp trẻ bây giờ, tôi không thể hiểu được họ như thế nào nữa. Chúng tiêu tiền giỏi hơn kiếm tiền. Nói như thế, vì Hàng Đào là phố nghề, con cái được học hành văn hoá, nhưng vẫn phải học cái cách kiếm tiền, giữ tiền, và sử dụng đồng tiền… để duy trì, phát triển cái nghiệp của gia đình. Tất nhiên, bây giờ chúng không còn như thế hệ chúng tôi ngày xưa, suốt ngày cặm cụi giúp đỡ bố mẹ trông coi cửa hàng. Nhưng việc giữ nề nếp, gia phong thì lúc nào cũng phải trân trọng…”.

Ông Thái An lại thủng thẳng kể những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” về một bộ phận giới trẻ Hàng Ngang, Hàng Đào bây giờ: ăn chơi, sành điệu, chỉ giỏi tụ tập, tiêu tiền như rác, và thiếu sự cảm thông đối với đồng loại.. Cuối cùng, ông thở dài: "Lối sống bây giờ của nhiều người con gái sống ở Hàng Ngang, Hàng Đào nó đảo lộn hết cả rồi, anh ạ!".

Ông An cười buồn: “Người Hàng Đào gốc, còn sót lại là mấy. Kề bên nhà tôi, nhà cụ Đức Hoà, nhà ông Quảng Đại Lợi, nhà cụ Tín Nghĩa… đầu phố, cuối phố may ra được chục nhà vẫn còn ở lại. Hàng Đào bây giờ, toàn là những người mới đến. Trước, cả phố ai chẳng biết mặt nhau. Có chuyện gì thì cả phố đều biết. Nay, nhà nào biết nhà đấy. Hàng xóm kề bên tên gì, còn chịu nữa là… Ngay như cái phố nghề bán vải vóc, lụa là xưa kia của các cụ còn mất, huống chi là con người ?".

Vài năm nay, ông Thái An đã cho người ta thuê tầng 1 làm cửa hàng buôn bán. Cả nhà ông quần tụ trong 5 phòng còn lại của ngôi nhà 3 tầng xây dựng từ năm 1970. Ngày xưa nhà ông cao nhất phố, vẫn còn giữ nguyên vẹn kiểu dáng kiến trúc cũ, có cái giếng trời lồng lộng ở giữa khoảng sân. “Bây giờ, cho chúng tôi kinh doanh buôn bán chúng tôi không làm được, vì cái kiểu buôn bây giờ nó là buôn chụp giật, không phải kiểu buôn tín nghĩa như ngày xưa…”.

Căn phòng tôi ngồi với ông, cách con phố ầm ĩ và huyên náo ngoài kia chỉ vài ba mét, thế nhưng đó thực sự là một thế giới khác, trái ngược hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Bà vợ ông Thái An, bây giờ đã là bà ngoại, vẫn giữ phép tắc không ngồi chung chồng trong cuộc nói chuyện với khách, ý tứ ngồi ở phòng trong và giữ im lặng. Một lát, xuất hiện một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp cùng một đứa nhỏ bụ bẫm. Ông Thái An lại rủ rỉ: “Cô con gái đầu của nhà tôi. Cháu đi lấy chồng và ở mãi dưới Quán Thánh, nhưng cuối tuần nào cũng đưa cháu lên chơi với ông bà ngoại, vẫn quấn quýt với bố mẹ, vì lo bố mẹ già ở với nhau buồn…”.

Con gái ông Thái An xinh đẹp mặn mà, đằm thắm, với những nét duyên thầm và giọng nói nhẹ nhàng như gió thoảng. Cô là một người con gái Hàng Đào gốc… Cô gái tên là Nguyễn Ngân Hà, tốt nghiệp Thạc sỹ Kinh tế tại Bỉ. Ông chủ hiệu vải Thái An còn có có hai cô cháu gái, một là thủ khoa trường Đại học Dược, một là sinh viên học viện Ngân hàng.

Tôi chào ra về. Ông Thái An lại rủ rỉ: “Khách đến nhà chơi, chúng tôi không bao giờ phải để họ phải tháo giày, cởi dép. Chả lẽ, chỉ vì một vài hạt bụi, hay chỉ lo giữ nền nhà lát đá hoa sạch sẽ, mà bắt khách phải chổng mông tháo tháo buộc buộc dây giày hay sao? Nếu chỉ vì lo giữ cho cái nền nhà, thì cái lòng hiếu khách nó lại rẻ rúng đến thế sao? Đấy là một trong những điều mẹ tôi dạy, mà tôi đến giờ vẫn còn nằm lòng…”.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark