16/02/2012 | 15:32:00

Dịch giả Thúy Toàn

Tháng 11/2010, tại điện Kremli, dịch giả Thúy Toàn là một trong số 12 người được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trực tiếp trao tặng Huân chương Hữu nghị, huân chương cao quý của nước Nga. Thông tin này là niềm vui lớn đối với các thế hệ dịch giả văn học tại Việt Nam và đặc biệt với dịch giả Thúy Toàn, người được mệnh danh là “người bắc cầu văn học Việt - Nga”.

Kể từ bản dịch đầu tiên là một mẩu truyện nhỏ dành cho trẻ em vào năm 1956, đến nay Thúy Toàn đã có hơn 50 năm gắn bó với công việc dịch, đặc biệt là các tác phẩm từ tiếng Nga. Ông đã in hơn 60 đầu sách, trong đó có khoảng 10 tập thơ, tổng cộng có hàng ngàn bài thơ Nga đến với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch Thúy Toàn, nhiều bài nổi tiếng như: “Tôi yêu em” (Puskin), “Đợi anh về” (Ximonop)... để lại ấn tượng sâu sắc trong nhiều thế hệ bạn đọc.

Ông là một trong những thế hệ người Việt Nam đầu tiên sang Liên Xô (cũ) học tập. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lenin ở Moscow (Nga). Mang một tâm hồn lãng mạn, dường như những vần thơ Nga đã hút hồn ông và trở thành niềm say mê đặc biệt, có người còn gọi tình yêu đó là “sở trường” của ông. Ông tâm sự: “Điều lớn nhất mà tôi được không phải là sự nổi tiếng. Hạnh phúc lớn nhất là tôi đã gắn bó với văn học Nga, tôi được làm công việc mình yêu thích và có khả năng. Văn học Nga như là một mối tình duy nhất mà trọn đời tôi theo đuổi. Tôi dịch thơ của Puskin, A. Blok, Exenhin, Ximonop, Lermontop... dịch cả truyện cổ tích, truyện thiếu nhi. Theo tôi không có tác phẩm lớn, tác phẩm nhỏ. Một mẩu truyện viết cho thiếu nhi hay thì cũng như một bài thơ hay của Puskin”.

Khi nói về mình ông luôn giữ thái độ khiêm nhường và giải thích: “Tôi chẳng qua chỉ là một trong hơn 300 dịch giả Việt Nam được bạn đọc biết đến. So với những dịch giả thế hệ trước, tôi chưa đóng góp được gì nhiều. Những người cùng thời cũng có nhiều người giỏi, nhiều người có ý chí tự học và hiểu biết uyên thâm. Lớp dịch giả trẻ cũng đã bắt đầu ghi dấu ấn với những tên tuổi được bạn đọc trong nước biết đến”.
Dịch giả Thúy Toàn cho rằng mình “gặp may” vì là một người trong thế hệ đầu tiên được Nhà nước gửi đi đào tạo ở nước ngoài, được học một cách bài bản từ những năm đất nước còn chiến tranh. Ông là một trong những dịch giả đầu tiên được nhận thẻ hội viên Hội Nhà văn, là dịch giả nhưng được thừa nhận như một người sáng tác, đó là niềm vinh dự.

Là người nhiều năm theo đuổi công việc dịch thuật, ông rất quan tâm đến công tác dịch thuật trong nước. Ông cho biết: “Có những quốc gia coi công việc dịch là một trong 4 mục tiêu quan trọng bên cạnh viết về lịch sử, viết cho trẻ em, viết cho đại chúng. Xác định tầm quan trọng của dịch thuật như vậy nên người ta có sự đầu tư rất tốt. Nếu chúng ta có định hướng, chúng ta có thể thành lập ra một hội đồng dịch giả gồm những chuyên gia có trình độ trong từng lĩnh vực. Hội đồng này sẽ là những người thực hiện công việc giới thiệu các tủ sách hay của văn học nước ngoài đến độc giả trong nước và kiểm định được các bản dịch trên thị trường”. Với ông, công việc dịch thuật ở một góc độ nào đó cũng quan trọng như công việc sáng tác. Người dịch phải yêu công việc, yêu văn chương, phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ. Đồng thời, người làm công việc dịch thuật phải am hiểu văn hóa, có thói quen làm việc cẩn trọng, chịu khó tra cứu.

Ông luôn tâm niệm, các tác phẩm văn học dịch sẽ là cầu nối lâu dài và bền vững giữa các nền văn hóa. Với riêng ông, muốn dịch thơ Nga hay thì giỏi tiếng Nga chưa đủ mà còn phải giỏi cả tiếng Việt. Với kinh nghiệm ấy, ông đã không ngừng tích lũy vốn tiếng Việt. Ông nói: “Có một bài thơ tôi dịch hai lần cách nhau hai năm mà câu từ đã khác. Điều đó cũng có nghĩa là không có bản dịch nào là hoàn hảo và tôi vẫn phải tích lũy thêm nữa”.

- Dịch giả Thúy Toàn tên thật là Hoàng Thúy Toàn, sinh năm 1938, đã tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Lenin tại Moscow (Nga) (1956 - 1961).
- Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Dịch thuật Văn học (Hội Nhà văn Việt Nam), Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây. Đã dịch và xuất bản các tác phẩm: Thơ trữ tình Puskin, thơ Lermontop, thơ Nezval, thơ A. Blok, Exenhin, Khúc ca về cuộc hành binh Igo, thơ Raxul Gamzatop…

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark