27/09/2009 | 12:14:00

Đồ chơi Trung thu truyền thống đang quay trở lại

Trẻ em đang dần thích thú hơn với đồ chơi truyền thống. (Ảnh: minh họa/internet)

Chỉ còn chưa đầy chục ngày nữa là đến Tết Trung thu, các cửa hàng bày bán đồ chơi trung thu cho trẻ em cũng đã tràn ngập đường phố từ nhiều ngày nay.

Đồ chơi quay lại trên phố...

Ông Nghiêm Xuân Giao, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm đơn vị tổ chức chợ Trung thu truyền thống Hà Nội hàng năm cho biết: “Mấy năm trở lại đây chợ Trung Thu bắt đầu xuất hiện nhiều những đồ chơi truyền thống. Dân các tỉnh Nam Định, Hà Tây cũ, Hưng Yên đưa hàng về chợ bán khá đông”.

Vào chợ Trung Thu tổ chức ở phố Hàng Lược, Hàng Mã một buổi tối mới thấy, giữa một rừng đồ chơi với khoảng 200 hộ bán và hàng trăm chủng loại hàng thì đồ chơi truyền thống Việt Nam nằm lẻ loi ở đầu chợ, chỉ chiếm số lượng khiêm tốn và lượng khách hỏi mua cũng ít ỏi. Trong khi đó, đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc hiện bày bán la liệt tại Hà Nội và các tỉnh.

Vì vậy, thông tin do ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hàng Mã đưa ra khá ấn tượng với những ai quan tâm đến giá trị truyền thống đang có nguy cơ mai một, nhất là đối với những món quà mang lại niềm vui cho rất nhiều thế hệ trẻ nhỏ.

Vào ngày nghỉ, anh Nguyễn Chí Hải, trú tại tổ 21 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy tranh thủ đưa con đi mua quà trung thu. Tại cửa hàng bán đồ chơi truyền thống, cả hai bố con đều lựa mua một đầu sư tử giá 25.000 đồng và một đèn thỏ giá 15.000 đồng. Anh cho rằng: “Bây giờ nhiều đồ chơi hiện đại thỉnh thoảng phải mua cho cháu những đồ chơi truyền thống để chúng biết đồ chơi của thế hệ bố mẹ, ông bà như thế nào”.

Có nhiều lý do giải thích sự quay trở lại của đồ chơi Trung Thu truyền thống, cho dù còn chậm chạp, vì sau khi đồ chợi Trung Quốc ào sang, người ta đã quá quen thuộc với các loại vừa chơi, vừa có nhạc lại vừa chuyển động và dường như những đồ chơi này cũng bắt đầu có sự bão hòa.

Mặt khác, vài năm gần đây, thông tin về đồ chơi Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng đến trẻ nhỏ khiến cha mẹ, người thân phải dè chừng khi mua cho con, cho cháu. Hơn nữa, những thứ thuộc về cổ truyền đang dần mai một khiến nhiều người làm cha mẹ cũng nuối tiếc, muốn con mình hiểu về các đồ chơi truyền thống xưa kia. Chính vì vậy, vài ba năm nay thị hiếu chơi đồ chơi trung thu truyền thống đang có xu hướng quay trở lại.

Anh Trương Quốc Khánh, chủ quầy hàng đồ chơi truyền thống tại số 49 Hàng Lược thừa nhận, “Dân mình hiện đang có xu hướng quay lại chơi đồ chơi truyền thống. Hôm trước có khách hỏi mua đèn kéo quân bằng làm bằng giấy bồi thủ công, tôi giới thiệu đèn Trung Quốc nhưng họ không chịu”.

Hàng năm, gia đình anh tự làm đồ chơi Trung Thu bán cho khách trên cơ sở mày mò nghiên cứu mẫu mã, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Quầy hàng nhà anh treo bày đủ thứ loại, từ đèn lục lăng, hoa sen, đèn thỏ, cá, ông tiến sỹ giấy với nhiều kích cỡ khác nhau. Nếu năm trước, gia đình anh bán được vài trăm loại đồ chơi truyền thống thì năm nay anh làm trên 1.000 chiếc; riêng ông tiến sỹ giấy năm trước bán đắt hàng thì năm nay tăng lượng gấp đôi.

Tuy nhiên, như lời chị Ngô Khánh Ngọc, chủ cửa hàng đồ chơi truyền thống số nhà 51 Hàng Lược thì nhu cầu chơi đồ chơi truyền thống ở các tỉnh vẫn bán chạy hơn ở Hà Nội. Mỗi vụ Trung Thu, nhà chị bán buôn đi các tỉnh tới vài vạn đèn ông sao cùng các loại trống ếch, đèn thỏ, đầu sư tử.

...Và tìm vào các lễ hội văn hóa

Việc cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm các loại đồ chơi nội để có thể tồn tại và phát triển vẫn là một bài toán khó đặt ra với những nhà sản xuất. Song, trước khi các nhà sản xuất đồ chơi trong nước tìm ra được hướng đi cho mình thì những người làm văn hóa, những nghệ nhân gắn bó với nghề làm đồ chơi truyền thống đang gắng sức để phục dựng giá trị văn hóa của các đồ chơi, trò chơi dân gian thông qua các hội chợ triển lãm, lễ hội trung thu…

Có một thực tế là, khi nhiều lễ hội Trung Thu được các cơ quan ban ngành tổ chức thì việc hướng về giá trị truyền thống luôn được quan tâm hàng đầu để tâm hồn trẻ thơ hiểu về văn hóa dân tộc. Chính bởi thế, trong những lễ hội này, các em nhỏ luôn được hòa niềm vui với những đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn thỏ, đèn xếp làm bằng thủ công và ít nhiều đã để lại ấn tượng cho các em. Và người ta cũng không quên dạy các em nhỏ làm đồ chơi truyền thống, chơi đồ chơi dân gian để hướng tâm hồn các em hiểu về văn hóa dân tộc.

Tại Hà Nội, một số sự kiện trong mùa Trung thu năm nay được mọi người, nhất là các thiếu nhi chờ đón là chương trình "Trung thu 2009: sắc màu Việt – Nhật" (tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ 25-27/9); Hội chợ triển lãm các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống của Hà Nội (diễn ra tại thị xã Sơn Tây từ 27- 29/9), Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội (19/9-3/10)… Nét chung của những hoạt động này là giới thiệu và khôi phục cách làm các đồ chơi truyền thống; tổ chức cho trẻ em tham gia vào các trò chơi dân gian vốn đã bị mai một.

Trẻ em khi đến với các lễ hội này có thể tự làm đèn ông sao, ông sư, đèn cù, nặn tò he, tự vẽ cho mình một chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, tự làm con nghé ọ bằng lá cây hay thậm chí tự nhào bột nặn bánh nướng, bánh dẻo… dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Những trò chơi dân gian như ô ăn quan, đánh chắt đánh chuyền, nhảy dây, đánh khăng, pháo đất… tưởng chỉ còn trong tâm tưởng của những thế hệ trước, nay sẽ được “tái hiện” cùng với sự tham gia của các em nhỏ.

Đây không phải năm đầu tiên những sự kiện này được tổ chức mà đã trở thành hoạt động thường niên của Bảo tàng dân tộc học, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây vài ba năm gần đây. Nhớ lại mùa trung thu trước, khi thấy các em nhỏ say mê nặn tò he, cặm cụi tô tô vẽ vẽ chiếc mặt nạ giấy bồi nhem nhuốc và cất giữ chúng như một vật quý thì mới hiểu những đồ chơi nhập ngoại có thể hát, nói, phát nhạc, ánh sáng, màu sắc rực rỡ nhưng chưa hẳn đã có sức sống lâu bền như các thứ đồ chơi truyền thống giản đơn.

Những hoạt động văn hóa này cần được phát huy hơn nữa trong mỗi mùa Trung thu để thu hút thanh thiếu nhi gắn bó với các đồ chơi truyền thống, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng nhân cách và tâm hồn thế hệ trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark