16/09/2010 | 09:25:54

Đường kim mũi chỉ tạo hồn tranh thêu

(Nguồn: Internet)

Khôi phục và phát triển ngành nghề và làng nghề truyền thống để giải quyết nhiều việc làm tại chỗ đang được các cấp có thẩm quyền của Hà Nội quan tâm chỉ đạo.

Nằm ở cửa ngõ phía nam Thủ đô, huyện Thường Tín là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc, vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề” với 126 làng nghề thủ công rải rác khắp huyện, trong đó có 43 làng được công nhận làng nghề cấp thành phố như các làng thêu ở Thắng Lợi, Quất Động, làng sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái)... Các làng nghề đều có tuổi đời hàng trăm năm và được truyền qua nhiều đời.

Những sản phẩm thủ công của các làng nghề Thường Tín làm ra thường được bày bán ở những phố sầm uất nhất trong 36 phố phường Hà Nội...

Tại phố Hàng Gai, con phố bán hàng thêu thuộc loại sầm uất, chủ của các cửa hàng ở đây cho biết, hầu hết họ đều lấy hàng từ các làng nghề thủ công ngoại thành, cụ thể là ở các làng thêu Khoái Nội, Đào Xá, Bình Năng xã Thắng Lợi và làng Quất Động, xã Quất Động (huyện Thường Tín).

Ông Tổ nghề thêu

Tìm đường về làng Đào Xá, xã Thắng Lợi, một trong những nơi thờ ông Tổ nghề thêu đất Việt, chúng tôi được nghe ông Đỗ Văn Quyền, “tay kim” nổi tiếng ở Đào Xá kể cho hay về nơi đầu tiên được truyền nghề thêu này.

Theo sử sách ghi lại, đầu thế kỷ 17, vị quan Lê Công Hành, người làng Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín) được Vua Lê Thái Tông cử đi sứ Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông đã tìm cách học được nghề làm lọng và nghề thêu. Khi về nước, dù làm quan trong triều nhưng ông vẫn tranh thủ về quê dạy dân làng cách làm lọng và cách làm hàng thêu.

Đình Đào Xá là nơi ông mở lớp truyền nghề thêu cho người dân ở năm xã theo địa danh thời Nguyễn là Quất Động, Tam Xá (gồm các thôn Nguyên Xá, Bì Xá, Lưu Xá), Vũ Lăng (gồm các thôn Đào Xá, Khoái Nội, Khoái Cầu), Hướng Dương (gồm các thôn Hướng Xá, Hướng Dương) và Hương Giai. Vì thế sau khi mất, ông được tôn là Thành hoàng làng và được dân làng thờ tự tại chính nơi ông đã trực tiếp dạy dân nghề thêu này.

Cũng sau khi ông mất tại quê nhà ở thôn Hướng Xá (nay thuộc xã Quất Động), những học trò đã được ông truyền nghề thêu của năm xã này tôn ông là Ông tổ nghề thêu và lập đền thờ, đặt tên là đền Ngũ Xã. Ngày nay, những người dân thôn Đào Xá thường về thắp hương giỗ ông tại Đền vào ngày 4/6 âm lịch hàng năm; còn những thôn khác lại giỗ ông vào ngày 12/6 âm lịch hàng năm.

Ông được các triều Lê và Nguyễn phong chín đạo sắc. Đạo sắc sớm nhất còn giữ được là của vua Lê Thần Tông phong năm Đinh Sửu (1637) niên hiệu Dương Hòa thứ 3. Đạo sắc này và các đạo sắc khác còn lưu ở đình làng Đào Xá.

Giữ lấy nghề cổ truyền

Theo Nghệ nhân Đào Xuân Nguyên, Hội trưởng Hội nghề thêu Thường Tín, xã Thắng Lợi có 11 thôn thì có đến năm thôn được công nhận “Làng nghề thêu truyền thống." Trong đó, theo những gia phả còn lưu lại, Khoái Nội chính là nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân thêu tay vào loại có tiếng trong giới tranh thêu tay nghệ thuật và truyền thống này vẫn được tiếp nối đến ngày nay.

Chị Trương Thị Liên, 28 tuổi, vừa cắm cụi thêu ngay tại cửa hàng trưng bày sản phẩm tranh thêu HL Embroidery của vợ chồng chị, vừa kể về cái nghề đã “ăn vào máu thịt” này. Lúc mới năm tuổi chị đã biết cầm kim, thêm một tuổi nữa là biết xâu chỉ và “đi” những đường cơ bản.

Cứ thế, 7-8 tuổi đã thêu trên những chiếc khăn tay đơn giản và đến 12-13 tuổi thì một mình đã thêu hoàn chỉnh được một bức tranh theo mẫu. Nhưng đến khi lấy chồng mới thấm thía “cái nghề của nhà, nghề của làng”: “Con mới vài tháng tuổi nằm trong lòng mẹ đang thêu, ngước mắt lên nhìn thấy mặt mẹ cũng là nhìn thấy khung thêu," chị Liên tự hào tâm sự.

Nghệ nhân Quốc Sự, người đầu tiên trong làng Khoái Nội thêu tranh chân dung kể lại “cái nghề lâu ăn." Thông thường, một bức tranh thêu mẫu cũ, một người nếu thêu liên tục cũng phải mất nửa tháng, được trả công là 500.000 đồng. Nếu mẫu mới, phức tạp, làm mất hơn tháng thì được trả công trên một triệu đồng. Hiện nay gia đình ông thành lập một xưởng thêu có gần 30 người làm, cả dâu lẫn rể. Xưởng thêu của ông tự gia công khung, tự tay nhuộm chỉ nên giá thành cũng giảm được đôi chút so với những xưởng khác phải mua khung, mua chỉ.

Để giữ lấy nghề truyền đời này, xã Thắng Lợi đã thành lập một câu lạc bộ thêu do anh Vũ Văn Hải làm chủ nhiệm. Anh Hải cho biết, ngay tại cửa hàng HL Embroidery do anh làm chủ, mỗi tháng câu lạc bộ mở hai lớp dạy nghề miễn phí do các nghệ nhân trong xã giảng dạy cho mọi đối tượng ở địa phương; mỗi lớp khoảng 50 người, phần đông là lớp trẻ. Việc làm này đã giúp những người có tình yêu với nghề thêu tiếp cận được với nghề một cách ngắn nhất để làm ra những sản phẩm có tiếng trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Trên nền vải, chỉ với vài nét phác thảo bằng phấn mờ, bằng đường kim mũi chỉ, kỹ thuật phối màu điêu luyện, người dân xã Thắng Lợi đã tạo ra những bức tranh đặc sắc, màu sắc hài hòa, đường nét tinh tế, sinh động như có hồn. Mỗi bức tranh thêu thực sự là một tác phẩm nghệ thuật và mang cả những thông điệp, những “câu chuyện” rất chân thật về cuộc sống và tình người nơi miền quê dân dã này./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark