19/06/2013 | 22:04:00

“Gà thành phố” - thú cảnh đang hút hồn người nuôi Hà Nội

Bao giờ cũng thế, cứ mở cửa phòng làm việc là Phạm Tú Anh lại chạy lên thăm “căn phòng” của những chú gà cảnh. Với cậu thanh niên sinh năm 1987 này, việc dành khoảng hơn ba giờ đồng hồ, chia đều ba buổi mỗi ngày để chăm sóc các "em gà" Serama, từ việc cho ăn, vuốt ve, tắm rửa hoặc cho các "em" vận động là thú vui thường nhật.
 
 Hơn một năm nay, mốt chơi gà Serama đang "bùng nổ" trong cộng đồng chơi sinh vật cảnh ở đất Hà Thành. Họ đã thành lập Hội những người thích gà Serama Hà Nội để cùng nhau chia sẻ trải nghiệm chơi giống gà độc đáo có nguồn gốc từ Malaysia.
 
 “Say” gà
 
 Mặc khách ngồi thu lu một chỗ với ly cà phê, Tú Anh mải miết chải lông, vuốt ve những chú gà Serama có hình dáng kỳ lạ, ngực ưỡn thẳng về phía trước. “Ngôi nhà” của các “em gà” [theo cách gọi của Tú Anh-pv] rộng khoảng 7m2, nằm trong quán càphê ở ngõ 107 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.
 
 Tú Anh kể rằng, cuộc sống hiện tại của anh khó lòng rời xa những "em gà" Serama nhỏ bé. Là người thường xuyên ra Bắc vào Nam, mỗi lần đi dù chỉ vài tuần, anh đều xách theo hơn 40 "em gà" cùng hành trang của các "em" như thức ăn, lồng, hộp... lên tàu.
 
 “Trong suốt hành trình gần 2.000km, mình luôn phải cho chúng ăn và ủ ấm cho chúng. Nhìn chúng say tàu lù rù, chẳng ăn uống được nhiều suốt dọc đường thương lắm nhưng để chúng lại thì không đành. Ngoài bản thân mình trực tiếp chăm chúng thì không yên tâm giao cho ai cả,” Tú Anh chia sẻ.
 
 Không chỉ “xách” gà cưng đi dọc Tổ quốc mà làm việc ở đâu Tú Anh cũng nuôi vài "em" ở đó, ngay cả tại văn phòng riêng ở công ty anh cũng dành ra nửa mét vuông để nuôi gà.
 
 Khoe với Vietnam+ bộ sưu tập những quả trứng bé chỉ bằng nửa viên bi ve, Tú Anh hồ hởi: “Những quả trứng ‘lỗi’ của mấy em này còn nhỏ hơn cả quả trứng có kích thước bé nhất thế giới ghi trong kỷ lục Guiness đấy. Mỗi lần gà đẻ, mình đều giữ lại toàn bộ, cất riêng làm kỉ niệm.”
 
 Là một trong những thành viên đầu tiên của Hội những người thích gà Serama Hà Nội, Tú Anh cho biết cách đây khoảng một năm số lượng người chơi ở Hà Nội chưa đến chục người vậy mà hiện nay đã ngoài 50 người, mỗi người cả vài chục con gà. Đấy là còn chưa kể những người nuôi gà không gia nhập hội thì không đếm xuể. “Đây là một giống gà được người chơi đánh giá là đẹp, dễ nuôi trên diện tích nhỏ và còn được gọi là ‘gà thành phố’,” Tú Anh hồ hởi.
 
  Cũng là một thành viên trong hội, đam mê và sở hữu hơn chục "em gà," anh Nguyễn Bá Hiếu (sinh năm 1982, ở Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội), thì kể vì thú chơi này mà bị vợ kêu ca rất nhiều. “Say” gà đến nỗi, khi đi làm về chẳng kịp ngắm vợ con đã ra… nghía đám gà.
 
 Nhà chật, nhưng cứ hễ trống chỗ nào là anh Hiếu lại làm chỗ nhốt gà, thậm chí là cả trong phòng ngủ. Mê gà, anh đã tìm các loại sách vở liên quan đến việc chăm sóc gà từ khi mới nở đến lúc trưởng thành, ghép trống, ấp trứng… Theo kinh nghiệm của mình, anh Hiếu cho hay nuôi 10-20 con gà mỗi tháng cũng hết hơn 1 triệu đồng chi phí.
 
 Anh Vũ Anh Điệp, 30 tuổi, ở Cầu Giấy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ gà Hà Nội cho biết, hiện nay, Hội gà ở Hà Nội họp định kỳ 2 lần/tháng nhằm trao đổi kinh nghiệm, đưa gà đi giao lưu với nhau.
 
 Khi trao đổi, gà được dân chơi định giá theo cảm quan. Giá một "em" Serama trung bình từ 7-8 triệu đồng, "em" đoạt giải nhất vẻ đẹp gà năm 2012 được người chơi định giá lên đến 30 triệu đồng. Cá biệt, ở Hà Nội có trường hợp “chuyển nhượng” lên tới 50 triệu đồng/con; Thành phố Hồ Chí Minh gần 100 triệu đồng/con.
 
 Kỹ nghệ “nắn” dáng gà
 

 Mới đây, dân chơi gà cảnh thủ đô đã tổ chức cuộc thi "Vẻ đẹp gà Serama Hà Nội mở rộng tháng 6/2013.” Trong cuộc thi, mỗi “em” phải vượt qua khoảng 60 hạng mục, chia làm 6 tiêu chí lớn bao gồm: kiểu (30 điểm), tính cách (25 điểm), đuôi (15 điểm), cánh (10 điểm), lông (10 điểm), điều kiện khác (10 điểm). Gà trống và gà mái đều được dự thi và chịu sự đánh giá giống nhau.
 
 Ban giám khảo là những “chuyên gia,” là chủ nhiệm các câu lạc bộ trong làng chơi gà cảnh. Gà được thả vào trong những chiếc lồng rộng, thời gian thi khoảng một tiếng để các “em” phô diễn vẻ đẹp. Trong cuộc thi "Vẻ đẹp gà Serama Hà Nội mở rộng tháng 6/2013," ngoài việc chấm điểm từ Ban giám khảo, mỗi chủ gà được phát phiếu đánh giá, bình chọn, chấm điểm cho “em” nào ấn tượng nhất. Sau đó, Ban giám khảo cân đối điểm rồi lựa chọn ra quán quân xứng đáng.
 
 Theo các “nhà gà học,” để có được một thí sinh gà đi thi giải, người nuôi phải luyện tập cho chúng trong gần một năm trời. Với các ‘kiểu’ khác nhau, gà cần có một chế độ ăn và chế độ luyện tập phù hợp. Thông thường, phải mất đến 9 tháng thì dáng gà mới hoàn thiện.
 
 Là người có “em gà” đoạt giải Nhất tại cuộc thi vừa qua, anh Hiếu cho hay, để nắn dáng, khi còn nhỏ xương mềm, gà sẽ được cho vào một chiếc hộp chữ nhật kín có kích thước đáy vuông nhỏ. Chiếc hộp này để hở phía nắp trên cho ánh sáng chiếu vào buộc con gà lúc nào cũng phải ngửa lên nhìn để “nắn xương, tạo dáng” cho gà khoảng khoảng 4-5 tháng.
 
 Để gà trình diễn đẹp khi thi, chúng sẽ được luyện tập bằng cách “đối mặt” với một con gà ở một chiếc lồng khác nhằm kích thích phô diễn, gây ấn tượng. Hàng ngày, chủ gà phải đi kiểm tra khả năng của các “em” để uốn nắn kịp thời và nhặt ra các “em” thể hiện năng khiếu tốt nhất. Dáng dấp, tính cách của các “em” hoàn thiện đến đâu còn phụ thuộc vào cái duyên, tay nuôi của chủ gà. Các “em” không được tham dự nhiều mùa thi trong cùng một giải, muốn tham dự mùa tiếp thì chủ gà phải đào tạo một “em” hoàn toàn mới.
 
 Thức ăn dành cho gà Serama cần đủ sáu loại ngũ cốc: kê, thóc, vừng đen, vừng trắng, gạo lứt, cám gà con. Thỉnh thoảng người nuôi cần cho gà ăn thêm thuốc phòng cúm, chất dinh dưỡng bổ sung vitamin giúp gà khỏe mạnh, kích thích ăn uống và sung sức hơn.
 
 Gà Serama được nuôi trong nhà kín gió và cần bóng đèn để giữ nhiệt. Trong điều kiện trưởng thành, chế độ ăn của gà thêm các loại tép khô xay. Khi gà thay lông hoặc khi gà còn non thì cần thêm trứng cút lộn xay nhỏ, dầu cá (2 ngày/viên) kích thích mọc lông, mượt lông. Gà sẽ được sẽ ép chế độ cân từ 3-4 tháng sau đó mới ép dáng.
 
 “Chăm gà như chăm con, bất kỳ ‘em’ nào bị ốm mình cũng phải thức cả đêm để bơm nước, bơm thuốc cho gà, đứng ngồi không yên. Vất vả là thế nhưng mà vui, và lại vui hơn khi thấy giống gà này ngày càng có nhiều người đam mê,” anh Hiếu chốt lại./.
 
 

Thùy Giang (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark