14/07/2020 | 15:26:00

Giáo viên ''bật mí'' bí quyết để làm bài thi vào 10 đạt điểm cao

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi vào lớp 10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ còn hai ngày nữa, gần 89.000 học sinh Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 với ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Với kinh nghiệm nhiều năm chuyên ôn luyện thi vào lớp 10 cho học sinh, các thầy cô giáo ở Hệ thống giáo dục HOCMAI đã có nhiều lời khuyên hữu ích cho thí sinh để có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi này.

Môn Ngữ văn: Nên đưa các dẫn chứng mới, thời sự

Theo cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn, để làm tốt bài thi môn này, học sinh cần đọc đề thật kỹ, gạch chân từ ngữ quan trọng, vạch dàn ý cơ bản ra giấy nháp trước khi làm bài để tránh quên, sót ý trong khi viết. Đề thi môn Ngữ văn thường có các phần đọc hiểu, nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Ở mỗi phần thi, thí sinh cần có những lưu ý riêng để hoàn thành tốt.

Cụ thể, ở phần thi đọc hiểu, học sinh cần xác định kỹ dạng câu hỏi, chú ý các câu hỏi vận dụng, những yêu cầu về tiếng Việt (các biện pháp tu từ, các kiểu câu, các phép liên kết, phương pháp hội thoại…). Để làm được điều này, học sinh nên ôn kỹ kiến thức và bài tập trong sách giáo khoa.

Với phần thi nghị luận xã hội, học sinh nên đưa vào bài thi những dẫn chứng mới, tiêu biểu thay vì những dẫn chứng đã quá quen thuộc trong nhiều mùa thi. Bên cạnh đó, các em nên đọc nhiều, học nhiều và quan sát xung quanh để có dẫn chứng tiêu biểu, tươi mới, sáng tạo..

Phần nghị luận văn học, học sinh phải nắm vững các lý luận cơ bản, phân tích nhân vật (xuất thân, ngoại hình, tính cách, phẩm chất, số phận…), phân tích đoạn thơ, bài thơ cần lưu ý phân tích từ nghệ thuật đến nội dung.

Cô Khánh Phương chia sẻ bí quyết làm tốt bài thi Ngữ văn

Môn Toán: Không tham ôn luyện những bài toán khó

Khi ngày thi đã cận kề, thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán khuyên thí sinh không nên “tham” ôn luyện những bài toán khó. “Điều này sẽ khiến não bộ bị kiệt sức, cơ thể mệt mỏi trong ngày thi, tinh thần không thoải mái. Học sinh nên ôn tập vừa phải, khoa học để cơ thể được thư giãn, não bộ được nghỉ ngơi cho ngày thi sắp đến gần,” thầy Quang cho hay.

Trước khi đi thi, thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ vật dụng sẽ mang vào phòng thi như bút, thước, compa, máy tính... Đây nên là những dụng cụ quen thuộc để các em thêm phần tự tin. Các em nên hít thở sâu để giảm sự hồi hộp và lo lắng.

Khi được phát đề thi, thí sinh nên đọc một lượt toàn bộ đề để có sự gợi nhớ kiến thức, sau đó mới bắt đầu làm bài theo nguyên tắc câu dễ làm trước, câu khó làm sau, làm ý nào dứt điểm ý đó.

Thầy Quang lưu ý thí sinh tránh mất điểm ở những lỗi nhỏ không đáng có như quên điều kiện, quên đơn vị, quên kết luận...

Thầy Hồng Trí Quang chia sẻ về cách làm tốt bài thi môn Toán

Môn Tiếng Anh: Nên làm phần tự luận đầu tiên

Theo thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên môn Tiếng Anh, môn học này có hai phần cơ bản là ngữ pháp và từ vựng.

Phần ngữ pháp có khoảng 10 chủ đề, trong đó thí sinh lưu ý các chủ đề quan trọng nhất là thì của động từ, từ loại, so sánh tính từ, câu trực tiếp- gián tiếp, câu bị động, cách dùng của các trợ động từ khuyết thiếu trong tiếng anh, kiến thức về cách phát âm trong tiếng Anh, đặc biệt là cách phát âm đuôi "ed," đuôi "s," các cặp phát âm dài và ngắn và trong tiếng Anh. Thí sinh nên tổng hợp lại xem phần nào mình đã nắm vững, phần nào chưa chắc chắn lắm thì ôn luyện thêm.

 Với phần từ vựng, thầy Nguyên nhận định các từ vựng trong đề thi chủ yếu sẵn có trong các bài đọc ở sách giáo khoa. “Vì thế, các em nên đọc lại các bài khóa, tập dịch thì sẽ đủ lượng từ vựng cho bài thi,” thầy Nguyên chia sẻ.

Cũng theo thầy Nguyên, thí sinh nên làm thật nhiều đề để có kỹ năng làm bài thi tốt.

“Khi vào phòng thi, các em nhớ phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Luôn luôn làm phần thi tự luận trước tiên và dành 15 phút cho phần thi này. 20 phút tiếp theo, các em dành để làm phần thi đọc hiểu và 20 phút còn lại để làm phần câu hỏi trắc nghiệm còn lại và 5 phút cuối cùng dành để kiểm tra lại toàn bộ bài,” thầy Nguyên nói.

Thầy Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ về cách làm tốt bài thi môn Ngoại ngữ

Giữ sức khỏe và tâm lý thật tốt

Chỉ còn hai ngày nữa, các thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi vào lớp 10 nên các thầy cô giáo đều nhắn nhủ thí sinh hãy giảm cường độ ôn tập để giữ gìn sức khỏe và chuẩn bị tâm lý cho thật tốt.

Theo thầy Hồng Trí Quang, để có sự tỉnh táo, minh mẫn khi làm bài thi, thí sinh nên tạo nhịp sinh học giống ngày thi, không “ngủ ngày, cày đêm”.

Để giữ tâm lý ổn định, giảm bớt lo lắng và hồi hộp khi vào phòng thi, các em nên hít sâu, thở đều, nghĩ đến những điều tích cực hoặc điều gì đó khiến mình cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng.

“Phụ huynh không thể học giúp con nhưng có thể giúp con trong việc giữ gìn sức khỏe và tâm lý. Nếu các em không làm bài tốt ở môn thi trước, các em sẽ cần sự động viên, khích lệ, chia sẻ của bố mẹ để có thể giải tỏa tâm lý, giảm bớt sự hụt hẫng, áp lực để có thể làm tốt các môn tiếp theo. Nếu các con làm tốt, phụ huynh cũng nhắc nhở con không chủ quan với các môn còn lại,” thầy Hồng Trí Quang nhắn nhủ./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark