22/03/2010 | 16:09:00

Gìn giữ vốn quý của làng cổ thuần Việt Cự Đà

Làng Cự Đà vẫn lưu giữ được những ngôi nhà cổ độc đáo. (Ảnh: Internet)

Làng Cự Đà nằm uốn mình bên dòng sông Nhuệ, thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều nét đặc trưng của một làng Việt cổ.

Những tán cây tỏa bóng mát, những ngôi nhà cổ thuần Việt, những cái cổng uốn cong tạo nên hình ảnh thân thuộc của một làng quê thanh bình.

Theo các cụ trong làng thì ngôi làng đã tồn tại từ hàng trăm năm, trước có cái thế đất rất hợp phong thủy “Nhất cận thị, nhị cận giang” (giáp tỉnh lỵ Hà Đông cũ và gần Kẻ Chợ, Hà Nội sầm uất).

Cự Đà phất lên nhanh chóng từ những năm 20-40 thế kỷ trước chính là nhờ vào địa thế thuận lợi này. Người các nơi khác buôn bán thóc gạo, vải vóc, thuyền bè qua lại tấp nập khiến nơi đây trở thành trung tâm giao thương, chuyên cung cấp hàng hóa cho cả vùng đất rộng lớn Thăng Long-Hà Nội.

Người Cự Đà có đầu óc làm ăn buôn bán nên không ít người làm ăn phát đạt, trở thành những “Cự phú” thành lập nhiều doanh nghiệp có tiếng ở Hà Nội.

Điều đặc biệt là dù dân làng có đi khắp mọi miền đất nước làm ăn hay ra nước ngoài sinh cơ lập nghiệp, khi mở cửa hàng, cửa hiệu đều lấy tên chữ “Cự” làm thương hiệu riêng cho mình. Có thể kể tên cụ Cự Gioanh và bà Cự Chân, con gái cụ có hàng loạt xưởng dệt may ở phố Hàng Quạt, Hà Nội.

Làng Cự Đà còn gìn giữ được hàng trăm ngôi nhà cổ thuần Việt ví như ngôi nhà số 11, xóm Đồng Nhân Cát được xây dựng từ năm 1874. Các cụ xưa gọi ngôi nhà này là Nhà Đại Khoa.

Ngôi nhà có kiến trúc thời Nguyễn (1802-1945) với kết cấu chủ yếu bằng các loại gỗ quý. Kỹ thuật điêu khắc trên xà nhà, cột nhà đã đạt đến mức tinh xảo với đường nét mềm mại, sinh động. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương, tường nhà bằng gỗ.

Ban thờ Tổ tiên đặt ở chính giữa ngôi nhà với hoành phi, câu đối sơn thếp rực rỡ. Điều thú vị là ngôi nhà như một chiếc máy “điều hòa” không khí, về mùa đông thì ấm áp, còn mùa hè thì lại mát mẻ.

Tại xóm An Lạc cách Đồng Nhân Cát hai ngõ có ngôi nhà số 152 của gia đình ông Đinh Văn Tường có hai mặt tiền, một phía là đường nhìn ra sông Nhuệ, một phía là lối vào xóm. Ngôi nhà hai tầng đến nay đã trên trăm tuổi, tường, gạch, cổng, sân rủ rêu phong tạo nên vẻ trang nghiêm, cổ kính. Tầng một ngôi nhà vẫn còn gìn giữ được gần như nguyên vẹn những bức phù điêu, họa tiết đắp nổi.

Độc đáo nhất là nền gạch hoa làm bằng đá ghép mảnh nhỏ và những hoa văn trên tường rất trang nhã. Song, ngôi nhà cổ nhất của làng là nhà bà Hai Chiếu, có niên đại cách đây khoảng 300 năm. Cột và xà của ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc và mỹ thuật thời Lê (thế kỷ XVIII), còn cổng vòm và sân đã ít nhiều bị thay đổi.

Những ngôi nhà cổ, những biệt thự gần gũi, thân thuộc là một phần di sản văn hóa quan trọng của làng Cự Đà. Ngoài ra, Cự Đà còn nức tiếng với hai nghề truyền thống là nghề làm miến và nghề làm tương.

Đến đây, mọi người được chứng kiến khung cảnh sản xuất nhộn nhịp và hương vị đặc trưng của miến dong và tương nếp. Với thế mạnh về di tích, lại là một làng nghề truyền thống, Cự Đà dần trở thành một địa điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tuy người làng Cự Đà rất có ý thức gìn giữ vốn quý song như thế chưa đủ, cần phải có sự tham gia của Nhà nước, của các cấp, ban ngành để gìn giữ vốn quý này trước cơn “sóng dữ” của quá trình đô thị hóa thời @./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark