27/05/2010 | 10:20:00

Giới trẻ Hà thành say mê học nghệ thuật hát xẩm

Tiết mục hòa tấu nhạc gõ và trống quân Dạ Trạch. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trong khi dư luận đang âu lo trước phong trào âm nhạc lai căng, sự lệch lạc trong thưởng thức văn hóa của một bộ phận giới trẻ, khá đông những chủ nhân tương lai của Hà thành lại tìm đến với âm nhạc truyền thống.

Họ khiến cho di sản cha ông để lại hiện diện ở thập niên đầu của thế kỷ 21 bằng một hình hài mới, thật tươi vui và trẻ trung.

"Hỏi cô kiếm được bao nhiêu mà cô đem nước bán liều, hỡi cô?
Thôi về gánh nước chị thuê, đừng đi bán nước mà ê riếu đời..."

Tiếng nhị vui nhộn, giọng hát nhấm nhẳng nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào, tươi vui của các thiếu nữ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam khiến bài xẩm “Cô hàng nước” có chất khác hẳn so với nguyên bản.

Hàng trăm khán giả xem hát xẩm ở chợ Đồng Xuân chăm chú lắng nghe. Khó có thể tưởng tượng, loại hình âm nhạc ra đời vào thời nhà Trần cách đây đã hơn 700 năm với ông tổ là Trần Quốc Đĩnh, vị hoàng tử con vua Trần Nhân Tông, lại thu hút công chúng Thủ đô đến vậy.

Đồng thanh tương ứng

Hát xẩm là một loại hình ca nhạc đặc biệt, mỗi bài hát là một câu chuyện mang hơi thở cuộc sống nên xẩm đại diện cho văn hóa đường phố, cho số đông người dân. Vì vậy ý tưởng đưa xẩm, nhất là Xẩm Tàu điện - đặc sản của Thăng Long-Hà Nội, giới thiệu với công chúng Hà thành được Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nhen nhóm từ đầu những năm 2000.

Họ bỏ công sức nghiên cứu, sưu tầm những băng đĩa cũ kỹ, ghi âm tiếng hát các nghệ nhân, "xâu chuỗi" ký ức của những bậc cao niên, ý kiến các nhà nghiên cứu để dựng lại những điệu xẩm vang bóng một thời.

Và đặc biệt, để xẩm trở lại với đời sống hiện đại, cùng với việc biểu diễn thường kỳ ở chợ Đồng Xuân, lớp đào tạo học xẩm miễn phí đã được trung tâm tổ chức tại đình Hào Nam. Khi tin này loan đi, đã có 200 lá đơn gửi đến Trung tâm, mà hầu hết là thanh niên, sinh viên ở các trường Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm, Đại học Sân khấu-Điện ảnh đăng ký học hát xẩm và học đàn, phách, trống.

Các nhạc sĩ, nghệ sĩ như nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch, nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan, Thúy Ngần cũng dành thời gian, tâm huyết truyền dạy miễn phí cách hát, cách cảm thụ xẩm cho những người trẻ.

Những nghệ sĩ "xẩm" hiện đại

Những giai điệu xẩm tha thiết, trữ tình, lãng mạn hát về Hà Nội như “Giăng sáng vườn chè,” “Hà thành ba mươi sáu phố” đã quyến rũ Mai Đức Thiện, chàng trai 21 tuổi người quận Long Biên, sau một tối ngược xuôi phố cổ.

Lời bà nội kể với Thiện về Hà Nội xưa với tàu điện leng keng; giọng hát, tiếng nhị, tiếng phách theo từng bước chân người hát xẩm rong ruổi phố phường, bỗng tái hiện. Thiện chợt cảm nhận một điều gì đó nằm trong tâm thức đã tỉnh dậy. Khi lớp đào tạo dành cho các bạn trẻ mê học xẩm mở cửa, Mai Đức Thiện lặng lẽ nộp đơn xin học. Thấy tình cảm của Thiện dành cho âm nhạc dân gian, các nghệ sĩ đã nhiệt tình truyền dạy.

Thiện kể: "Họ dạy bằng cách truyền miệng để vốn cha ông thấm dần cho tới lúc tự nhớ lời, hát được. Những người không hát được, phải hiểu được xẩm, ý nghĩa của mỗi bài hát." Rồi không ngần ngại, Thiện khẽ hát khúc xẩm Ba bậc:

"Anh chàng đi chơi đâu chả rủ thiếp theo đi cùng
Chứ năm canh thiếp chịu lạnh lùng giá rét cả năm
Anh chàng trở ra về thiếp vẫn hỏi thăm
Chứ hỏi phường cùng bạn chàng bán buôn nghề gì...."


Trưởng thành từ các lớp đào tạo này, ngoài Mai Đức Thiện còn có Đức Huy, Hữu Duy, Kiều Loan, Thu Phương - những "đàn anh, đàn chị" tên tuổi.

Trong đó, Thu Phương - cô gái thế hệ 8X là người đặc biệt nhất. Sức quyến rũ của hát xẩm đã chinh phục Phương. Cô bỏ hết công việc, lặn lội từ vùng đất mỏ lên Hà Nội để gõ cửa Trung tâm xin học xẩm.

Được sự dìu dắt trực tiếp của nghệ sĩ Xuân Hoạch và Thanh Ngoan, Phương nhanh chóng khẳng định được bản thân. Giọng xẩm khàn khàn, nhấm nhẳng, giàu cảm xúc, có sức cuốn hút lạ kỳ của Phương được mọi người yêu mến.

Cô trở thành một trong những người truyền đạt lại các điệu xẩm cho các học viên. Ở Hà Nội, trong những người đến với xẩm, đáng yêu nhất là cô bé Hoàng Anh Thái Phương, nghệ danh Thanh Thanh Tấm. Mới sáu tuổi nhưng Phương thường cùng bố là nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú biểu diễn ở Lầu lục giác sau tượng đài Lý Thái Tổ.

Cô bé này mê ca hát từ nhỏ. Lên ba tuổi, Phương đã líu lo bài xẩm "Mục hạ vô nhân" và những khúc dân ca Việt Nam. Phương cho biết ngày trước, phải nghe từ đĩa nhiều lần để thuộc một bài hát, nhưng giờ đây em chỉ mất khoảng 30 phút là có thể thuộc lời và nhạc của một bài./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark