17/12/2012 | 09:56:00

Giữ gìn bản sắc làng nghề sản xuất đạo cụ Đào Xá

Nghệ nhân Đào Ngọc Soạn đang chỉnh dây đàn.

Theo bản đồ địa chính, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là cái rẻo đất cuối cùng của thành phố giáp với Hà Nam. Nơi đây người dân của vùng này đang lưu giữ được nghề sản xuất nhạc cụ, nhất là các loại nhạc cụ truyền thống.

Dọc theo con đường làng vàng ươm rơm rạ của những ngày mùa, chúng tôi vào nhà ông Đào Ngọc Soạn, một trong những người có thâm niên làm các loại nhạc cụ truyền thống của làng Đào Xá, xã Đông Lỗ. Trên nền gạch xám là những chiếc phôi đàn bầu, đàn tam, đàn nguyệt nên trông vẫn còn có phần thô mộc giản đơn. Những chiếc thân đàn bầu làm bằng gỗ nhãn đỏ au, những cái mặt cộng hưởng của đàn tam được bịt bằng da trăn vẫn còn nguyên cả đai chằng phơi nắng để hong khô chờ vào công đoạn mới.

Tôi lặng im dõi theo từng ngón tay của người thợ, đó là một người đàn ông gầy gò có khuôn mặt xương xương, hiền hậu áng chừng đã hơn bảy mươi tuổi đang gò mình khéo léo ép một thanh gỗ mỏng vào chiếc khuôn tròn xoe như mặt trăng rằm.

Sau cái ấn mạnh tay của ông lão, một tiếng "khụp" chắc gọn vang lên, hai mép đầu của thanh gỗ mỏng ép khít vào nhau tưởng chừng như không còn một khe hở. Thấy lạ, tôi lân la dò hỏi mới biết đó là công đoạn ép khuôn thành bầu cộng hưởng của loại đàn nguyệt, thứ đàn mà dân miệt sông nước miền Nam vẫn thường gọi là đờn kìm.

Theo lời ông Soạn, nghề làm nhạc cụ của làng này đã có từ lâu lắm rồi. Trước đây, lúc các dòng âm nhạc cổ truyền như tuồng, chèo, cải lương, quan họ, ả đào… còn đang thịnh hành thì nghề làm nhạc cụ truyền thống của làng này phát triển thịnh lắm.

Vào những năm thời kỳ bao cấp, Nhà nước còn mở hẳn cả một xưởng lớn gọi là xưởng nhạc cụ Việt Nam để mời các nghệ nhân của làng lên đấy hành nghề cũng như truyền nghề cho các lớp thợ trẻ; mà điển hình của lớp nghệ nhân ngày ấy hiện có cụ Tuyên vẫn làm nghề tại Hà Nội.

Hiện bây giờ, cả làng chỉ còn độ 8 nhà còn theo nghề. Trong đó có nhà ông Soạn, nhà cụ Phác, nhà anh Tư là sản xuất lớn hơn cả. Sản phẩm của các nhà làm ra thường được gom lại thành chuyến. Khoảng một, hai tháng, người ta lại chuyển hàng lên Hà Nội một lần để từ đây các nhà buôn lại đưa hàng đi khắp mọi nơi.

Cũng có người tìm về làng để đặt làm một thứ nhạc cụ đặc biệt nào đó để dùng hoặc biếu tặng, những người như thế thường là giới nghệ sĩ hoặc những người ở nước ngoài có tâm hồn hồi cổ muốn tìm giữ lại chút hình ảnh về văn hóa âm nhạc của quê hương.

Sản phẩm của làng kể cũng khá đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu… đều có cả.

Nghề làm nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu. Để ra được một cây đàn như ý phải trải qua không biết bao nhiêu công đoạn cùng với sự tỉ mẫn và tài hoa của bàn tay người thợ. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện… tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật của ngày xưa để lại.

Tâm sự với chúng tôi, ông Đào Ngọc Soạn cho biết, cái nghề này thu nhập chẳng được bao nhiêu, nhất là trong thời buổi hiện nay. Chỉ có những ai yêu nghề lắm mới có thể theo đuổi được với nghề.

Quay sang lớp thợ trẻ đang cắm cúi làm, ánh mắt ông như chợt vui vẻ hẳn lên. Nhấc cây đàn tranh trên vách xuống, đôi tay gầy guộc của người thợ già lần chỉnh lại những phím tơ rồi lướt nhẹ trên bàn phím, tiếng đàn thánh thót vang lên những khúc nhạc vi vu như thể hiện nỗi lòng và tâm trạng của người đã làm nên nó. Tôi biết đó là niềm vui của một người thợ già đã tìm được lớp cháu con kế cận theo đuổi nghiệp của cha ông, giữ lại những giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam./.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark