06/09/2010 | 09:08:00

Giữ gìn, phát triển nghề tiện Nhị Khê

(Nguồn: Internet)

Nhờ có thầy truyền nghề, người thợ Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội đã tỏa đi một số nơi trong nước để hành nghề.

Những cửa hàng đồ tiện ở các thành phố, thị xã như Sơn Tây, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Yên Bái, Phú Thọ đều có nguồn gốc từ Nhị Khê. Có nơi họ đã tập trung với nhau thành một phố để làm nghề như phố Tô Tịch, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

“Nên thợ nên thầy vì có học
No ăn no mặc bởi hay làm"

Đó là những câu của bài thơ số 173 trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi đề tặng cho người dân làng Dũi Tiện (hiện gọi là làng Nhị Khê) mà ông coi như quê hương thứ hai của mình. Từ lò tiện thô sơ, nhờ khéo tay, hay việc mà người thợ dũi tiện ở Nhị Khê luôn biết tiếp thu cái mới để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, vươn tới thương hiệu riêng. Đến nay, qua nhiều thế kỷ, người dân Nhị Khê tự hào bởi vẫn giữ được truyền thống ham học hay làm.

Từ xưa đến nay, nhân dân Nhị Khê vẫn truyền kể cho nhau về ông tổ nghề tiện như sau: “Xưa kia, có một cụ già đi qua vùng này, không ai rõ tên tuổi, quê quán, sẵn đem nghề tiện gỗ tròn truyền dạy cho dân bên hữu ngạn sông Tô Lịch là Khánh Vân, Hoàng Xã, Đỗ Hà... Biết chuyện hay, dân làng Dũi ở tả ngạn sông Tô Lịch xin cụ già theo học. Số người làng Dũi học khá nhanh và đông. Cảm lòng trò, cụ sang ở hẳn bên này sông dạy cho cả làng Dũi.”

Nhờ có thầy tạo lập cho nghề nghiệp, dân làng Nhị Khê luôn duy trì nghề tiện song song với nghề nông. Do có nghề tiện, nên việc tín ngưỡng ở làng Nhị Khê cũng có nét đặc trưng riêng: Ngày Tết, dân làng đi lễ trước tiên là lên đình, thứ đến nhà thờ tổ nghề, rối mới đi chúc Tết nhau. Và trong hành trang về quê giỗ tổ, người gốc làng Nhị Khê đều đem theo hai thứ thiết yếu đặt lên bàn thờ, là lễ phẩm hương hoa và bó dụng cụ của nghề tiện như quét, cán, khoan để nhờ chủ lò rèn ở làng tôi, đánh lại (với ý nghĩa lấy lấy phước của quê hương và ông tổ nghề).

“No ăn, no mặc bởi hay làm”

Cái “học,” cái “ăn” theo cách nói của người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã khái quát hóa từ truyền thống văn hiến đời nối đời mà người Nhị Khê đã dệt nên.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhị Khê Nguyễn Tiến, cũng là hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Nguyễn cho biết, Nhị Khê được công nhận làng nghề vào năm 2001. Nếu trước đây tiện thủ công phải có tám dụng cụ (cưa, vời, bộ quét, các loại khoan, miết, đá mài, bàn tiện, vồ) thì ngày nay đã dùng cưa máy, máy dập hạt tròn, cối máy xay hạt cho nhẵn, máy sấy hạt...

Do được cơ khí hóa, nên năng suất lao động tăng cao, sản phẩm đạt chất lượng cao và đồng đều, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống cho người thợ. So sánh giữa nghề nông và nghề tiện, ông Tiến cho biết tỷ trọng kinh tế của nghề tiện chiếm tới ba phần tư giá trị thu nhập trong từng gia đình.

“Hiện nay số hộ làm nghề ở xã lên đến 90%, bình quân mỗi ngày mỗi người thu nhập khoảng 50.000 đồng. Riêng những gia đình buôn bán có thu nhập bình quân khoảng 220.000đồng/hộ/ngày," ông Tiến cho biết.

Tuy nhiên, ông Tiến thừa nhận việc phát triển tiểu thủ công nghiệp ở xã còn chậm so với tiềm năng, nhân lực địa phương; sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát; ô nhiễm môi trường ở các làng nghề còn cao, việc xây dựng mở rộng làng nghề còn chậm. Vì vậy, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, xã sẽ thực hiện những giải pháp để quản lý tốt công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là ở các làng nghề như tuyên truyền, động viên toàn dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác thải sinh hoạt đổ vào nơi quy định và thường xuyên được sát trùng, đồng thời cương quyết xử lý tổ chức, cá nhân cố ý gây ô nhiễm môi trưòng quá mức cho phép làm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng dân cư.

“Phải nói rằng, dù còn gặp nhiều khó khăn trên thương trường, dù trong lòng còn bao nỗi trăn trở, nhưng người Nhị Khê vẫn một lòng lo giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của làng như giữ lấy nét tinh hoa của mình,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhị Khê tin tưởng./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark