17/09/2009 | 11:08:00

Giữ hồn Việt trong những đồ chơi dân gian

(Ảnh: my.opera.com)

Còn ít ngày nữa đến Trung Thu nhưng trong khoảng sân trước nhà của chị Nguyễn Thị Tuyến ở xóm 14, thôn Hậu Ái đã thấy bày la liệt những gương mặt ông đánh gậy trông trăng, ông tiến sỹ đang chờ được phơi khô hay từng chồng khung đèn ông sao, đèn cá chép đã được uốn khung, chuẩn bị trang trí giấy màu.

Chị Tuyến chính là người thợ thủ công hiếm hoi ở ngoại thành Hà Nội đến hôm nay còn gắn bó với nghề làm đồ chơi dân gian mỗi dịp Trung thu đến. Không những thế, năm nào chị cũng được Bảo tàng Dân tộc học, Ban quản lý Ngôi nhà di sản ở phố cổ Mã Mây mời về giao lưu, hướng dẫn các em nhỏ làm các đồ chơi mang đậm truyền thống văn hóa của người Việt tự bao đời.

Sinh ra và lớn lên ở Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - một làng quê có truyền thống với nghề làm hàng mã và tượng giấy, đồ chơi dân gian, năm nay, mới ở tuổi 46 nhưng chị Tuyến đã có gần 40 năm gắn bó với nghề làm đồ chơi dân gian vốn là nghề gia truyền từ đời này sang đời khác của gia đình.

Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, nghề xưa của làng Hậu Ái cùng đã mai một nhưng riêng với gia đình chị Tuyến, năm nào cũng vậy, khi công việc đồng áng tạm lắng xuống, cả gia đình lại tất bật sửa soạn tre, đất thó, giấy màu… chuẩn bị cho một mùa Trung thu.

Vừa đưa đôi tay thoăn thoắt nặn hình ông đánh gậy trông trăng, chị nói mà như tâm sự với chúng tôi: "Làm đồ chơi dân gian cho trẻ thơ, nếu chỉ vì tính lợi ích kinh tế, vợ chồng tôi và các con chẳng thể giữ nghề đến hôm nay. Những thứ đồ chơi mà chúng tôi đưa ra giới thiệu với các em nhỏ, ngoài mang lại niềm niềm vui phá cỗ trông trăng đêm Rằm còn có ý nghĩa giáo dục các em truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, được ẩn chứa trong mỗi món đồ chơi giản dị, mộc mạc".

Chẳng hạn như hình ông tiến sĩ với tư thế uy nghiêm, ngồi trên kiệu vàng được làm bằng đất sét, giấy màu, khung tre nứa mà các bậc phụ huynh thường mua tặng các em vào dịp Trung thu cũng là thời điểm năm học mới vừa bắt đầu là một đồ chơi dân gian quen thuộc của người dân nước Việt. Cha mẹ, ông bà mua tặng con cháu mình món đồ chơi này là muốn gửi theo cả ước vọng con trẻ sẽ học hành chăm chỉ, đỗ đạt, nên người.

Hay chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu, có gắn lá cờ Tổ quốc ở phía trên sẽ góp phần giáo dục cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống văn hóa của dân tộc tự bao đời. Hấp dẫn và ý nghĩa là thế nhưng để làm đồ chơi dân gian, người thợ thủ công cũng phải rất kiên trì, tỉ mỉ mới có thể hoàn thiện một món đồ chơi như ý .

Với đồ chơi ông đánh gậy trông trăng, khâu đầu tiên là phải tìm được thứ đất thó thường có ở thôn quê, về cho vào một cái khuôn nhỏ tự tạo để ra hình gương mặt. Sau khi phơi khô vài nắng, đất sẽ chuyển sang màu trắng, người thợ thủ công mới đem quét sơn cho gương mặt hồng hào, có sinh khí, gắn mũ, gắn gậy, đính kiều mũ bằng giấy và còn đính thêm một hình tròn bằng giấy màu ở phía trên để tượng trưng cho mặt trăng.

Khi đồ chơi hoạt động, tay, chân ông đánh gậy sẽ cử động nhịp nhàng để bảo vệ mặt trăng nhờ một cái cần nhỏ tựa như dây điều khiển con rối, trông rất ngộ nghĩnh và sinh động. Nói ra thì đơn giản nhưng theo chị Tuyến, tính sơ sơ từ khi tìm được đất thó mang về cho tới khi sản phẩm được hoan thiện phải tới hơn 20 công đoạn, không khó lắm nhưng nếu không không kiên trì thì không thể làm được.

Gần về trưa, nắng trải đều lên gương mặt những ông đánh gậy đang được chị Tuyến hong phơi cho khô để còn kịp mang đến Bảo tàng Dân tộc học và Ngôi nhà di sản ở phố Mã Mây dịp Trung thu. Chị Tuyến mời chúng tôi vào nhà xem chị uốn khung, dán giấy màu, đính tua rua trang trí trên những chiếc đèn ông sao, đèn hình con tôm, con cá, con thỏ, con công….

Chị vui vẻ tiết lộ: "Làm đèn Trung thu muốn đẹp, nhất thiết phải chọn được loại nứa bánh tẻ, mắt nứa nhỏ nhưng đốt phải dài, phần gốc và phần ngọn to bằng nhau thì mới có được độ dẻo, độ dai để uốn khung đèn. Để có được chiếc đèn đẹp, chị thường chẻ cây nứa thành từng đoạn vừa đủ dùng rồi đem ngâm trong nước vôi để loại trừ mối mọt, sau đó đem phơi dưới nắng to cho khô rồi mới đem và chẻ, vót nan, uốn, tạo khung và trang trí giấy màu."

Đang hào hứng khi nói với khách về các công đoạn hoàn thiện đồ chơi, giọng chị Tuyến bỗng trầm hẳn xuống khi nhắc tới tương lai của nghề: "Tính đến đời con tôi, gia đình tôi vậy là đã có 4 đời làm đồ chơi dân gian. Thế nhưng, mấy năm gần đây,đồ chơi ngoại nhập nhiều và hiện đại quá nên hiếm người còn mặn mà với nghề làm đèn ông sao, ông tiến sỹ như tôi nữa."

Chị nói thêm: "Các con tôi dù làm tốt nhưng cũng chỉ phụ cho bố mẹ khi cần chứ bảo chúng chuyên tâm với nghề thì không, bởi thu nhập có đáng là bao đâu. Nhưng với riêng tôi, nghề đã thân thuộc tựa như máu thịt, không thể bỏ. Cứ mỗi dịp được ra Bảo tàng Dân tộc học hay đến Ngôi nhà di sản Mã Mây của Thủ đô, thấy các em nhỏ hào hứng nghe theo lời hướng dẫn học làm đồ chơi của mình, du khách quốc tế cũng trầm trồ, tôi lại thấy vui, tự hào vì mình đã giúp các em nhỏ và du khách hiểu hơn về truyền thống văn hóa đặc sắc dân tộc qua những đồ chơi mộc mạc, được tạo nên từ những nguyên liệu thân thuộc của đồng đất quê hương"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark