31/03/2010 | 16:11:12

Hà Nội - Phố xưa, nghề cũ

Một gian hàng bán các loại mành tre trúc trên phố Hàng Mành. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Xưa, Hà Nội 36 phố phường, mỗi con phố gắn với mỗi nghề, đến ngay cái tên phố cũng nói lên điều đó, ví như Hàng Muối chuyên bán muối, Hàng Mành chuyên bán mấy thứ mành tre trúc, Hàng Bạc nổi danh với nghề kim hoàn.

Bàn về phố phường Hà Nội xưa, sách "Vũ Trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) có đoạn: "Phường Diên Hưng (nay là Hàng Ngang) và phường Đồng Lạc (nay là Hàng Đào) là nơi bán các thứ tơ lụa vải vóc rất nhiều."

Hay như phố Hàng Giấy xưa, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, thời bấy giờ, đó là con phố bán đủ các thứ giấy thông dụng do làng Bưởi, làng Cót ở Hà Nội làm ra như giấy bản, giấy moi, giấy bổi, giấy phèn.

Cái chuyện Hà Nội 36 phố phường có đúng hay không cho đến nay vẫn còn nhiều người tranh cãi, bởi có người cho rằng đó chỉ là con số tượng trưng, con số của sự ước lệ.

Tuy nhiên, chuyện Hà Nội xưa mỗi phố mỗi nghề đã nói thì chẳng sai chút nào. Bởi xưa kia, dân các nơi về Hà Nội sinh sống tụ hội lại với nhau theo hội theo phường để dễ làm ăn sinh sống, lâu dần hình thành nên những phố nghề, phố hàng chuyên biệt. Đó cũng là cái đặc tính của người Việt Nam xưa, đi đâu, ở đâu cũng gắn bó với nhau theo lối "buôn có bạn, bán có phường".

Hoặc cũng có những tên phố hình thành nên nhờ vào một sự tích hay một giai thoại đặc biệt nào đó, chẳng hạn như phố Hàng Cháo xưa vốn là nơi bán cháo cho các sĩ tử về kinh thi Hội, thi Đình; hay như phố Trường Tiền nằm bên cạnh hồ Hoàn Kiếm vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có một xưởng đúc tiền của triều đình.

Có lẽ vì Hà Nội có những con phố đặc biệt như thế cho nên người Hà Nội cũng có thói quen cần gì thì đến phố ấy để mua.

Chẳng hạn muốn mua cái mành tre thì lên Hàng Mành, muốn cắt mấy thang thuốc bắc thì đến phố Thuốc Bắc, cần sắm đôi chiếu hoa thì tìm đến phố Hàng Chiếu. Và đây cũng chính là điểm làm cho Thủ đô Hà Nội trở nên khác lạ và đặc sắc so với nhiều Thủ đô khác trên thế giới.

Thời gian trôi qua, cuộc sống cũng có nhiều biến đổi. Hà Nội bây giờ địa giới mở rộng gấp năm gấp mười lần so với thời xưa. Ngay đến khu phố cổ, nơi có những con phố mang tên "phố Hàng" cũng đã có nhiều đổi thay.

Những con phố ít nhiều còn giữ được nghề xưa như phố Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Chiếu, Hàng Đồng... chẳng còn lại bao nhiêu, đa số đã chuyển sang ngành nghề khác.

Như phố Hàng Than giờ bán bánh cốm, chè thuốc, hàng phục vụ đám cưới; phố Hàng Vải nay bán toàn tre nứa; phố Hàng Cháo nay lại chuyên về dụng cụ cơ khí, cơ điện. Cái sự đổi thay ấy xem ra cũng chẳng có gì là lạ, bởi tùy theo thời, theo sở thích mà cuộc sống cũng có những đổi thay nhất định.

Tuy nhiên, trong cái sự đổi thay ấy dường như người Hà Nội vẫn ít nhiều giữ được cái lề thói xưa. Bằng chứng là thời bây giờ, người ta thấy ở Hà Nội bắt đầu hình thành nên những con phố mới với những ngành nghề mới, mặc dù tên phố không còn được gọi theo kiểu "phố Hàng" như xưa.

Chẳng hạn như phố Hai Bà Trưng chuyên bán hàng điện tử, phố Lý Nam Đế chuyên về hàng máy tính, phố Lương Văn Can chuyên bày bán đồ chơi trẻ con, phố Hoàng Hoa Thám chuyên hoa cây cảnh, thậm chí có cả phố chuyên bán điện thoại di động cũ như phố Đặng Dung.

Bây giờ dạo qua một vòng khu phố cổ, 36 phố phường Hà Nội đã khác xưa nhiều. Khách sạn, tiệm cà phê, hàng ăn, quán bia... mọc lên san sát. Dẫu biết đấy là sự thay đổi vì cuộc sống nhưng ngẫm lại vẫn thấy như có cái gì đó bồi hồi, nuối tiếc./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark