18/11/2012 | 18:03:00

Hà Nội - dải đất nơi chắt lọc tinh hoa Việt Nam

Khi nói về Thăng Long - Hà Nội, ai ai cũng cho rằng đây là dải đất của tinh hoa Việt Nam, dải đất của văn minh, thanh lịch. Nhưng riêng Hà Nội, chỉ tính từ thời định đô cũng đã gần 1.000 năm, cả ngàn năm thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương.
 
 Các thế hệ đã đem đến những lề thói của địa phương mình, chắt lọc, hun đúc lại, tạo nên cái tinh hoa Kinh kỳ. Thêm vào đó, trải ngàn năm, việc giao lưu quốc tế cũng diễn ra thường trực, càng về sau càng thường xuyên hơn, lắm vẻ hơn thời trước. Cho nên Thăng Long - Hà Nội quả là đã tiếp thu mọi tài hoa của các vùng, nhào nặn lại, nâng cao lên theo yêu cầu của đời sống toàn dân tộc.

Điều này có nghĩa là cái văn minh của Hà Nội chính là cái bản lĩnh chung của dân tộc cộng với sắc thái riêng của đất Thủ đô. Đó là sản phẩm đồng thời là động lực để người Thăng Long - Hà Nội sáng tạo ra những thành tựu rực rỡ về các mặt, tiêu biểu nhất là những nhân cách Hà Nội đã được lịch sử khẳng định. Ngoài ra Kinh kỳ cũng là trung tâm chính trị, kinh tế lớn, nghĩa là thịnh vượng hơn các vùng, tạo ra nền tảng vật chất cũng cao hơn cho sự phát triển văn minh, văn hóa, lối sống. Cũng phải kể đến một thực tế là ở chốn Kẻ Chợ sầm uất vốn là nơi cạnh tranh đọ sức đua tài dữ dội, phải nghề tinh, tài cao mới trụ nổi, mới phát triển được.

"Phồn hoa thứ nhất Long Thành" là nơi thu hút, hội tụ tài và nghệ tứ chiếng trong sự chọn lọc có vẻ bình yên nhưng khá ngặt nghèo. Cái gì còn lại, phát triển được chính là cái tiêu biểu, cái tinh hoa. Những cái gì xoàng xĩnh, vô bổ, sớm muộn đều bị đào thải. Cứ xem các danh nhân văn hóa, những người gốc gác Thăng Long - Hà Nội không nhiều, phần đông là từ tứ xứ tụ về, nhưng cái chính là họ đã hấp thụ được tinh hoa của văn hóa Kinh kỳ và được nền văn hóa này chấp nhận.

Lê Quý Đôn (Thái Bình), Nguyễn Gia Thiều (Bắc Ninh), Nguyễn Du (Hà Tĩnh), Hồ Xuân Hương (Nghệ An) là như vậy. Hoặc như về bách nghệ thì bách nghệ Kinh đô đa số có gốc gác từ tứ trấn Đông, Nam, Đoài, Bắc, nhưng tinh xảo lên trong thị trường lớn nhất, khó tính nhất là Kẻ Chợ: Nghề vàng bạc từ Đồng Xâm (Thái Bình), nghề thêu từ Hướng Dương, Quất Động (Hà Tây), nghề giày dép từ Phong Lâm, Trúc Lâm (Hải Dương)...

Khi nhà Nguyễn chuyển Kinh đô vào Huế, văn hóa Hà Nội vẫn phát triển, thị trường Hà Nội vẫn có sức hút lớn đối với nhiều tài năng bách nghệ, vẫn giữ vững tinh hoa Kinh kỳ. Có một vấn đề được đặt ra là vậy bên cạnh lòng yêu nước là hằng số đạo lý của toàn dân tộc thì còn những phẩm chất gì làm nên tinh hoa đó? Thực ra những phẩm chất ấy cũng là của toàn dân tộc, song vì kinh đô là hội tụ tinh hoa cả nước nên các phẩm chất cũng tập trung hơn, biểu hiện rõ rệt hơn.

Trước hết, đó là nghị lực, một nghị lực lớn, kết tinh của ý chí mạnh mẽ, khả năng hành động và đức tính bền bỉ. Nghị lực lớn trong chống ngoại xâm, nghị lực lớn trong tạo dựng văn minh, tạo lập đời sống. Người đời Lý đã từng dời cả một làng Bình Sa - vốn ở bờ nam hồ Tây - ra phía bãi sông Hồng lập ra làng mới (Cơ Xá) để lấy đất làm chỗ xây dựng Kinh đô. Thế kỷ XIII người đời Trần tự mình phá hủy cả một Kinh thành đô hội của mình, rồi lên đường đi kháng chiến để cản bước tiến của quân Mông - Nguyên.

Và một công trình đáng kể khác của nghị lực Thăng Long là nơi khởi đầu con đê ngăn lũ sông Hồng được đắp suốt chiều dài nghìn năm đã cùng với đê vùng ngược vùng xuôi trở thành "vệ sĩ" khổng lồ, bảo vệ cả đồng bằng Bắc Bộ. Và nghị lực Hà Nội lại tiếp nối nghị lực Thăng Long, làm nên những kỳ tích tầm vóc lớn trong hai cuộc chiến tranh đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh. Do yêu nước, yêu dân, đầy nghị lực nên người Thăng Long - Hà Nội đã đấu tranh ngoan cường suốt từ thời định đô. Tuy nhiên, đấu tranh chính là để tồn tại, là lòng xót thương nòi giống đồng bào. Cho nên một phẩm chất nữa của người Thăng Long ở đây là lòng nhân hậu và đoàn kết. Ngay cả khi Kẻ Chợ là thương trường lớn nhưng người ta vẫn giữ được lòng nhân hậu. Dân tứ chiếng đến quần cư mà hòa đồng, mà nương tựa vào nhau.

Có chia thành phường thành phố nhưng không xung khắc, không xa lìa mà cùng nhau hòa hợp làm ăn. Ở thôn quê có người hàng xóm, hàng xã, thì ở Kinh đô có người hàng phố, hàng phường. Người Kẻ Chợ biết tôn trọng cộng đồng vì họ vẫn là người bốn phương về đây tụ hội. Không đoàn kết, nhường nhịn, đề cao cộng đồng thì khó tồn tại. Với họ "người hàng phố" sát cách nhau, cũng thân thiết chẳng khác gì người "hàng xóm" khi còn ở làng quê. Trong cuộc sống hàng ngày, họ chia sẻ với nhau nỗi buồn và niềm vui. Hà Nội có câu văn: Văn ai tất điếu, nghe tiếng khóc là đến hỏi thăm. Họ giữ hòa khí, cận duyệt viễn lai, ở gần đẹp lòng, ở xa muốn đến. Cả phố tránh mất lòng nhau, "chín bỏ làm mười", giữ gìn cho nhau, đi vắng thì "gửi nhà nhau" (Mãi về sau này đến tận những năm chống Mỹ 1965-1975, đi sơ tán gửi nhà nhau vẫn là chuyện thường thấy). Ra quét hè, tiện chổi quét sang cả cho hè hàng xóm.

Bà dạy cháu: Chớ có "được lòng ta, xót xa lòng người". Cha dạy con: "Cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người". Cuối cùng là chất thông minh, trí tuệ và tài hoa. Thông minh, trí tuệ thì nhạy cảm, nhận thức nhanh, lắm sáng kiến, năng động trong hành động, tiếp thu và hội nhập nhanh, luôn luôn tạo ra cái mới, sản phẩm mới, thơ văn mới, nghệ thuật mới. Óc sáng lại thêm khéo tay, tài hoa nên nghề giỏi, sản phẩm vô thể và hữu thể đều tinh xảo. Lại thêm vào đó là lối sống có văn hóa, lịch lãm và tinh tế.

Từ ăn uống, nói năng, đi đứng, phục sức, giao tiếp, ứng xử, làm lụng, hưởng thụ nghệ thuật... đều được chăm chút, chọn lọc, cân nhắc, tề chỉnh chứ không buông tuồng trễ tràng. Tất cả làm ra cái mà nhiều thế hệ đã gọi là “Thanh lịch Tràng An”, mà bản chất của nó là sự tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý, văn hóa trong đời sống thường ngày. Công nghiệp hóa và hiện đại hóa đang đưa Hà Nội vào khúc ngoặt mới. Thắng lợi của công cuộc cách mạng này là đã và sẽ nâng tầm vóc Thủ đô lên tầm cỡ mới.

Đặc biệt là vừa qua, Hà Nội mở rộng, hòa đồng cùng cháu con những người đã lần đầu tiên trong lịch sử từ đầu Công nguyên đứng lên chống giặc đô hộ xâm lược (khởi nghĩa Hai Bà Trưng) những thế hệ công dân suốt chiều dài lịch sử ngàn năm đã kiên trì làm "áo giáp chở che" cho Thăng Long Kinh kỳ. Và Hà Nội, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế thì truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp cũng đang được khơi lại, con người đang tự cấu trúc lại, hứa hẹn góp phần đáng kể vào việc bảo vệ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark