27/05/2019 | 17:45:00

Hà Nội: Chạy nước rút cho cuộc đua vào lớp 10 trường công lập

Thí sinh nghe phổ biến quy chế trước khi vào phòng thi trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay toàn thành phố có gần 86.000 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập nhưng chỉ có trên 64.000 chỉ tiêu. Điều đó đồng nghĩa với việc, gần 22.000 học sinh sẽ phải học trường tư, trường công tự chủ tài chính, với chi phí cao hơn, hoặc theo học các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Vì thế, Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 thực sự là cuộc đua căng thẳng không chỉ với thí sinh mà cả các phụ huynh.

Chọn trường vừa sức vẫn lo

Theo phân tuyến, Đỗ Xuân Sơn, học sinh Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị, Hà Nội, có thể đăng ký nguyện vọng lớp 10 công lập vào 5 trường. Tuy nhiên, với học lực khá, Sơn tự xác định ba trường có điểm chuẩn cao những năm trước đây, gồm Trung học phổ thông Việt Đức, Trần Phú, Thăng Long, nằm ngoài khả năng. Sơn quyết định đăng ký vào hai trường thuộc tốp giữa với mức điểm thấp hơn, phù hợp hơn với năng lực em, là Trung học phổ thông Trần Nhân Tông và Trung học phổ thông Đoàn Kết-Hai Bà Trưng.

Ha Noi: Chay nuoc rut cho cuoc dua vao lop 10 truong cong lap hinh anh 2Chỉ tiêu vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2019-2010

Tuy nhiên, để có một suất vào hai trường này cũng không hề dễ dàng, bởi đây đều là những trường có tỷ lệ chọi khá cao. Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông tuyển 675 chỉ tiêu nhưng có tới 2.480 thí sinh đăng ký, gồm cả hai nguyện vọng một và hai. Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết- Hai Bà Trưng có 720 chỉ tiêu, nhưng có tổng số 3.830 nguyện vọng dự tuyển.

Vì thế, dù đã lựa chọn trường vừa sức, một vé vào lớp 10 công lập cũng là áp lực rất lớn với Sơn và cả gia đình.

“Đó là cuộc đua tương đối khó. Vì thế, em phải học nhiều, thức khuya dậy sớm để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Nếu không đỗ, em sẽ phải học trường dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên,” Sơn lo lắng nói.

Lo lắng cũng là tâm trạng của đa số học sinh lớp 9 của Thủ đô khi kỳ thi đã cận kề.

“Em luôn đặt nguyện vọng cao với bản thân, quyết tâm để thi tốt, rèn luyện các môn thi. Nhưng em cũng rất lo lắng, nhất là môn Ngữ văn vì kiến thức nhiều,” Tô Đăng, học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền chia sẻ.

Ha Noi: Chay nuoc rut cho cuoc dua vao lop 10 truong cong lap hinh anh 3Để cạnh tranh một suất lớp 10 công lập, với các thí sinh, đây là kỳ thi rất nhiều áp lực, không kém kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khó khăn phân luồng

Vào lớp 10 trường công không chỉ là cuộc đua căng thẳng với học sinh mà với cả các phụ huynh.

Chị Vũ Bích Hường, mẹ em Đỗ Xuân Sơn, cho biết dù con đã học ngày học đêm, nhưng khả năng đỗ vào trường công vẫn rất khó khăn vì phải cạnh tranh với rất nhiều học sinh khác.

“Trường ngoài công lập thì gia đình không đủ điều kiện kinh tế. Trường nghề thì không ai muốn cho con đi học, ít nhất phải học hết cấp ba. Vì thế, cả con và gia đình đều rất áp lực,” chị Hường chia sẻ.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018-2019, thành phố có 101.460 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong đó, số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 trường công lập là 85.873 em. Số thí sinh không dự thi trường công là 15.587 em, chiếm tỷ lệ chỉ trên 15%, rất xa so với con số mục tiêu phân luồng của thành phố là gần 40%.

Ha Noi: Chay nuoc rut cho cuoc dua vao lop 10 truong cong lap hinh anh 4Số học sinh đăng ký và không đăng ký dự thi vào lớp 10 trường công lập của Hà Nội năm học 2019-2020

Theo tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tại Hà Nội, chính tâm lý phải học hết bậc trung học phổ thông của các phụ huynh và học sinh là một rào cản lớn với chính sách phân luồng sau trung học cơ sở.

“Phụ huynh thường nghĩ, không học đại học vẫn có thể đi học trung cấp nghề, đi làm bình thường, nhưng không vào lớp 10 thì mọi thứ như đóng cửa. Phụ huynh không chấp nhận bổ túc văn hóa hoặc học nghề ngay sau lớp 9, tương lai đẹp nhất vẫn là trường đại học. Đây là quan niệm sai lầm của phụ huynh và chính phụ huynh là người gây sức ép với trẻ,” bà Hương nói.

Nhìn ở góc độ khác, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Linh cho rằng, việc phân luồng là chủ trương đã được thực hiện trong nhiều năm, nhưng chính sách trong phân luồng chưa đồng bộ. “Học nghề nhưng quyền lợi và liên thông như thế nào thì chưa rõ. Việc tuyên truyền nhận thức của tổ chức đoàn thể quần chúng vận động cha mẹ nhận thức được để họ hưởng ứng phân luồng cũng chưa được thực hiện tốt,” ông Linh nói.

Theo ông Linh, để thay đổi được nhận thức này thì quan trọng là các trường nghề cũng phải thay đổi theo hướng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Khi học sinh học nghề ra có việc làm, đảm bảo về thu nhập cũng như khả năng phát triển trong tương lai thì sẽ thu hút được người học, từ đó thực hiện tốt việc phân luồng, giảm áp lực trong các kỳ thi tuyển sinh./.

Hà An (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark