15/07/2010 | 16:53:31

Hà Nội hoàn thành chỉnh trang đô thị trong tháng 8

Lát gạch vỉa hè phố Phan Đình Phùng. (Ảnh: Trần Thanh Giang/TTXVN)

Quản lý game online; đào tạo nghề cho nông dân bị thu hồi đất; hiệu quả đầu tư các dự án giao thông, chỉnh trang đô thị là những vấn đề làm “nóng” nghị trường trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 21 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sáng 14/7.

15/8 - Hạn chót chỉnh trang đô thị

Trước bức xúc của các đại biểu về các công trình chỉnh trang đô thị, hạ ngầm hệ thống đường dây chậm tiến độ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Công tác chỉnh trang, hạ ngầm sẽ cơ bản hoàn thành vào 30/7 và chậm nhất là 15/8 sẽ xong toàn bộ.”

Ông Hùng cho rằng, do công tác chỉnh trang tiến hành trên diện rộng, có nhiều chủ đầu tư nên chưa đồng bộ. Sở sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và sẽ xử lý những đơn vị thi công không đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Đào Xuân Mùi nêu việc con đường gốm sứ được thực hiện rất công phu, cầu kỳ nhưng các phần vỉa hè chưa tương xứng, còn “lem nhem, mất mỹ quan.”

Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, do thời gian quá gấp nên việc chỉnh trang vỉa hè chưa thực hiện được. Sau 10/10, vỉa hè của con đường gốm sứ sẽ được hoàn thiện đồng bộ để phù hợp với cảnh quan chung.

Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại giao thông sẽ ùn tắc khi lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đổ về Hà Nội rất lớn. Ông Hùng khẳng định: “Sở đã có giải pháp ứng phó với các tình huống cụ thể, với mỗi ngày lễ lớn, Sở đều lên phương án riêng đảm bảo an toàn giao thông. Các tuyến huyết mạch như sân bay Nội Bài-Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẽ được đảm bảo thông suốt.”

Tổng kiểm tra các đại lý Internet

Trước chất vấn của các đại biểu về thực trạng quản lý các đại lý Internet trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Quốc Bản cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 3.400 đại lý Internet, trong đó 2/3 là kinh doanh. Qua kiểm tra tại các đại lý, cứ 10 người vào đây có bảy người chơi game.

Theo ông Bản, từ năm 2008 đến nay, Sở đã kiểm tra hơn 2.000 đại lý, trong đó cảnh cáo, nhắc nhở 526 đại lý. Một số giải pháp khả thi đã được áp dụng như cài đặt phần mềm quản lý đại lý Internet ở quận Hoàn Kiếm, nếu người dùng chơi game online hoặc đại lý đóng cửa sau 23 giờ đều được phát hiện.

Tuy nhiên, ông Bản cho rằng game online là vấn đề bức xúc và khó quản lý nhất, bởi thiếu chế tài nghiêm minh và các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, không thể chỉ dùng biện pháp hành chính, thậm chí biện pháp kỹ thuật để quản lý.

Với vai trò là hiệu trưởng một trường trung học cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Nhiếp yêu cầu con số cụ thể các cơ sở kinh doanh Internet sai phạm gần địa bàn các trường học.

Bà Nhiếp cũng kiến nghị đối với riêng Hà Nội nên nghiên cứu kỹ hơn về quy định cấm các đại lý Internet trong phạm vi 200m quanh trường học, bởi khoảng cách này vẫn còn quá gần và không hạn chế được nhiều tình trạng học sinh trốn học chơi game online.

Ông Phạm Quốc Bản cho biết, hiện Sở chưa có thống kê cụ thể các đại lý vi phạm. Tuy nhiên, trong quý III, Sở sẽ tiến hành rà soát, tổng kiểm tra các đại lý Internet, đặc biệt là các cơ sở gần trường học và áp dụng ngay các biện pháp quản lý các đại lý này. Sở cũng đang tiến hành một loạt cuộc thanh tra và đến 30/7 sẽ tổng hợp kết quả, gửi các đại biểu.

Hình thành năm sàn giao dịch việc làm vệ tinh

Con em các hộ gia đình bị thu hồi đất được tạo việc làm như thế nào sau khi học nghề; nhu cầu học nghề thực tế của thanh niên nông thôn; những định hướng giải quyết việc làm lâu dài của thành phố là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đình Đức đăng đàn trả lời chất vấn.

Theo ông Đức, năm 2009, các cơ sở dạy nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề đã đào tạo được 10.760 người, trong đó thanh niên nông thôn trong diện bị thu hồi đất chiếm 10,7 %. Các hình thức dạy nghề được triển khai linh hoạt, đào tạo lưu động, mở lớp tới tận thôn, xã, đưa học viên đến các cơ sở sản xuất để thực hành.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Nam về tỉ lệ thanh niên mất đất được học nghề vẫn còn thấp, ông Đức cho rằng, nguyên nhân là do người lao động chưa có nhu cầu học nghề. Do có tiền đền bù, họ chưa nghĩ đến việc tạo nghề nghiệp ổn định, lâu dài.

Đại biểu Bùi Thị An nêu vấn đề: “Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn mất đất và liệu sau khi có nghề họ có tìm được việc làm để ổn định cuộc sống?”

Ông Đức cho hay, Sở sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại 20 quận, huyện trên địa bản thành phố để nắm được nhu cầu thực sự của người dân. Từ đó dạy các nghề thiết thực, phù hợp với tâm lý người dân là dạy gần nhà, nghề ngắn ngày, tìm được việc ngay.

Trước mắt, ba trung tâm dạy nghề công lập tại các huyện như Phúc Thọ, Quốc Oai sẽ được xây dựng. Trong quý IV, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ đầu tư xây dựng năm sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các huyện có nhiều đối tượng bị thu hồi đất như Hoài Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn.

Các sàn giao dịch này sẽ là cầu nối giữa các nhà tuyển dụng và người lao động. Thực tế, các sàn giao dịch việc làm tại Hà Nội đã phát huy tác dụng trong thời gian qua, tạo được nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn.

Sở cũng sẽ thường xuyên dự báo về tương lai, đầu ra của những nghề đào tạo để người nông dân tin tưởng, yên tâm theo học./.

(Chinhphu.vn/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark