24/09/2009 | 09:59:00

Hà Nội kháng chiến chống thực dân Pháp

Hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô ngày 10/10/1954 trong bộ phim lịch sử "Việt Nam trên đường thắng lợi".

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hà Nội trở thành thủ đô của đất nước.

Xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân
 
Chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập đã phải đối phó với thù trong giặc ngoài câu kết với âm mưu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Trước tình thế nguy nan "ngàn cân treo sợi tóc", dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng bộ đã đoàn kết toàn dân thủ đô thực hiện "kháng chiến kiến quốc", chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ củng cố chính quyền cách mạng, đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Anh-Pháp-Mỹ-Tưởng và bọn tay sai phản động, bảo vệ chế độ mới, giữ vững an ninh trật tự xã hội ở thủ đô.
 
Trong những ngày tháng cam go này, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chủ trương "hòa để tiến", ký với Pháp Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) để đuổi quân Tưởng về nước, đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, không sớm thì muộn sẽ xảy ra.
 
Ngày 18/3/1946, 1.200 quân Pháp được phép vào Hà Nội và đóng ở những vị trí đã quy định. Ngay sau khi vào thành phố, tướng lĩnh Pháp đã vạch kế hoạch quân sự, từng bước chiếm đóng thành phố, tiến tới lật đổ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xâm lược Việt Nam một lần nữa.
 
Từ ngày 18/4 đến ngày 12/5/1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam và Pháp đã họp trù bị ở Đà Lạt chuẩn bị cho cuộc đàm phán đình chiến. Trong Hội nghị, phái đoàn Chính phủ Việt Nam đã đấu tranh vạch trần âm mưu của thực dân Pháp định xóa bỏ Hiệp định sơ bộ 6/3, hòng lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam. Sau gần một tháng, Hội nghị bế tắc vì thái độ ngoan cố của phái đoàn Pháp.
 
Từ ngày 6/7 đến ngày 3/9/1946, phái đoàn Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn sang Pháp tham dự cuộc đàm phán Việt-Pháp ở Phôngtennơblô. Do thái độ ngoan cố và hiếu chiến của thực dân Pháp, cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn Chính phủ thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14/9 để tranh thủ thời gian tiếp tục xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc mà Người biết chắc chắn sẽ xảy ra.
 
Trước tình hình mới, yêu cầu mới của cách mạng, Đảng bộ đã tăng cường củng cố hệ thống Đảng, chính quyền Mặt trận dân tộc thống nhất từ thành phố đến các khu phố, làng xã; phát triển sâu rộng lực lượng chính trị hơn nữa, trên cơ sở đó, củng cố kiện toàn lực lượng vũ trang thủ đô gồm ba thứ quân (Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu, tự vệ rộng rãi ở các nhà máy, xí nghiệp, khu phố, làng xã).
 
Từ sau Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (19/10/1946), Thủ đô Hà Nội chuẩn bị kháng chiến. Tháng 11/1946, Trung ương Đảng chia cả nước thành 12 chiến khu; Hà Nội là chiến khu XI. Cả thành phố trở thành trận địa. Các lực lượng vũ trang thủ đô (5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn và 9.000 tự vệ) với vũ khí thô sơ được giao trọng trách giam chân và tiêu hao địch trong thành phố một thời gian, ít nhất một tháng, tạo điều kiện cho Đảng và Chính phủ rút lên Việt Bắc an toàn.
 
20 giờ 30 phút ngày 19/12, quân dân thủ đô chủ động nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, chống thực dân Pháp xâm lược. Từ 19/12/1946 đến 17/2/1947, 60 ngày đêm chiến đấu, giữ từng mái nhà, góc phố, với tinh thần "Thà chết không chịu làm nô lệ", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân dân Hà Nội đã tiêu diệt trên 2.000 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, đánh bại âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não, đánh chiếm, làm chủ thành phố trong 24 giờ của thực dân Pháp.
 
Thắng lợi của cuộc chiến đấu 60 ngày mở đầu kháng chiến toàn quốc là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng; là thắng lợi của truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Hà Nội. "Đây là một bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng truyền thống Đông Đô-Thăng Long-Hà Nội.

Thời kỳ bị thực dân Pháp chiếm đóng

 
Từ ngày 17/2/1947, Hà Nội tạm thời bị thực dân Pháp chiếm đóng. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tạm biệt thành phố thân yêu, lòng nặng lời thề "Trở về giải phóng thủ đô". Chỉ vài tháng sau, cán bộ, bộ đội từ căn cứ đã theo dân hồi cư vào thành phố gây dựng cơ sở kháng chiến, phát triển chiến tranh du kích, phá hàng phòng tuyến bao quanh nội thành, đánh địch ngay trong lòng địch, ngay tại sào huyệt, trung tâm đầu não mộ máy chính trị quân sự của chúng ở Đông Dương.
 
Chiến tranh du kích ở thủ đô đã phát triển lên đỉnh cao nhất với những chiến thắng vang dội, điển hình là trận tập kích vào sân bay Bạch Mai của Tiểu đoàn 108 (đêm 18/1/1950) phá 25 máy bay, đốt 60 vạn lít xăng, làm cho địch kinh hoàng và cuộc đấu tranh của học sinh sinh viên, được đông đảo nhân dân ủng hộ trong đợt bãi khoá, để tang truy điệu Trần Văn Ơn (từ 9/1 đến 20/1/1950).
 
Từ năm 1950, đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp vào Đông Dương, tăng cường viện trợ cho quân đội Pháp. Do đó, cuộc kháng chiến của quân dân thủ đô ngày càng gian nan, quyết liệt. Hà Nội từng bước phục hồi gây dựng lại cơ sở kháng chiến, đấu tranh phá âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" của địch; từ đó tiến lên phối hợp với chiến trường toàn quốc trong chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ bằng phong trào đấu tranh bắt lính; nhất là trận đánh sân bay Gia Lâm đêm 7/3/1954 và phong trào ký vào bản kiến nghị đòi hoà bình, đòi chính phủ Pháp phải thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh.
 
Quân dân Hà Nội đã góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia ngày 20/7/1954. Từ đây cuộc đấu tranh của Đảng bộ và quân dân thủ đô chuyển sang giai đoạn mới: Chống địch phá hoại thành phố, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản thành phố.
 
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Đảng ủy tiếp quản, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại tháo dỡ máy móc, nguyên vật liệu, mang đi hồ sơ quan trọng; đồng thời chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Sau hơn hai tháng đấu tranh quyết liệt với địch, ta đã giữ được gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu ở các nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện. Đại bộ phận nhân dân Hà Nội không mắc mưu địch dụ dỗ, di cư vào Nam ở lại chờ đón ngày giải phóng.
 
Theo các Hiệp định ký kết tại Hội nghị Phù Lỗ, từ ngày 2 đến 5/10/1954, các Đội Hành chính và Trật tự vào trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình công cộng và các trụ sở quân sự, công an của Pháp, ngụy quyền. Từ sáng 6/10 đến chiều 9/10, Pháp rút khỏi các khu vực ngoại thành và nội thành theo lối cuốn chiếu. 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang Gia Lâm. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên, thành phố rực rỡ trong rừng cờ, hoa.
 
Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 vào giải phóng thủ đô. Chiều cùng ngày, quân dân thủ đô dự lễ chào cờ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ. Đồng chí Vương Thừa Vũ - người chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội 60 ngày đêm, thay mặt ủy ban Quân chính đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark