28/11/2012 | 15:23:00

Hà Nội tăng ứng dụng công nghệ sinh học bảo vệ môi trường

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa ký ban hành Công văn số 9344/UBND-TNMT chỉ đạo các Sở, ngành liên quan thực hiện Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ động xác định các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của thành phố về lĩnh vực này. Đồng thời tham mưu cho UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện đề án.

Các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Khoa học Công nghệ, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô nghiên cứu nội dung đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chủ động phối hợp trong triển khai thực hiện.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020 sẽ đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để nâng cao năng lực, hiệu quả phòng ngừa, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu suy thoái, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường.

Cụ thể, đến năm 2015, bước đầu tăng cường tiềm lực cho nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đào tạo lại và đào tạo nâng cao ở trong nước được 100 cán bộ khoa học, quản lý và 150 kỹ thuật viên; Bổ sung các thiết bị cơ bản cho một số phòng thí nghiệm môi trường để nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Phát triển và ứng dụng 5-10 loại chế phẩm sinh học để xử lý chất thải và được đăng ký lưu hành theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; cho ra đời 2 quy trình công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải, 2 quy trình công nghệ cải tạo, phục hồi các hệ sinh thái... Bên cạnh đó tăng cường hoạt động đánh giá và kiểm soát chất lượng, hiệu quả, độ an toàn của công nghệ, sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Việt Nam

Đến năm 2020, tiếp tục nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong các hoạt động quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bảo đảm kiểm soát, đánh giá được chất lượng, hiệu quả, độ an toàn của công nghệ, sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đào tạo 50-60 thạc sỹ, 30-40 tiến sỹ công nghệ sinh học môi trường ở nước ngoài; đào tạo 300-400 kỹ thuật viên trong nước và tham gia đào tạo 20-30 thạc sỹ, 10-15 tiến sỹ công nghệ sinh học môi trường trong khuôn khổ các đề tài, dự án, nhiệm vụ của đề án này; hiện đại hoá 3 phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu và đánh giá hiệu quả, tính an toàn của các sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong bảo vệ môi trường...

Phát triển và ứng dụng 15-20 loại chế phẩm sinh học để xử lý các loại hoá chất và được đăng ký lưu hành theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 10 quy trình công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải; 5-10 cảm biến sinh học hoặc quy trình kỹ thuật quan trắc, phân tích môi trường; 5-10 quy trình công nghệ cải tạo, phục hồi môi trường, đặc biệt những vùng bị ô nhiễm do hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, tồn lưu chất hữu cơ khó phân huỷ.

(Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark