24/09/2009 | 09:29:00

Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc (1888-1945)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945.

Đấu tranh chống thực dân Pháp dưới ngọn cờ yêu nước

Ngày 1/10/1888, triều đình Huế ký chỉ dụ chính thức dâng Hà Nội cho thực dân Pháp, từ đây, Hà Nội là thành phố theo chế độ nhượng địa của Pháp, trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của Bắc kỳ và Liên bang Đông Dương.

Các cơ quan đầu não của chính quyền thực dân đều đóng trụ sở ở đây: Phủ Thống Sứ, Toà Thượng thẩm, Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương.

Thực dân Pháp còn cho hầu hết các công ty tư bản tài chính lớn từ nước Pháp sang đặt trụ sở ở Hà Nội để tăng cường khai thác và bóc lột thuộc địa đồng thời mở rộng buôn bán với Đông Dương và với các nước Châu Âu như ngân hàng Đông Dương, ngân hàng Pháp-Hoa, địa ốc ngân hàng, hãng Đềcuacabô, Poanhsa Vâyrê, Đờniphơre, Gôđa, rượu Phôngten, bia Ômen, công ty Điện-Nước Đông Dương, công ty Bông vải sợi Bắc Kỳ...

Hà Nội cũng là đầu mối giao thông của hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không toả đi khắp Việt Nam và Đông Dương.

Dưới tác động của chế độ thuộc địa nửa phong kiến và phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa do thực dân Pháp du nhập vào, xã hội Hà Nội đã biến đổi sâu sắc. Bên cạnh các giai cấp nông dân, địa chủ, phong kiến và tầng lớp thị dân buôn bán nhỏ, xã hội Hà Nội dần hình thành các giai tầng mới, đó là giai cấp công nhân, tư sản, tầng lớp trí thức, công chức, tiểu tư sản.

Đồng thời, với sự phát triển của các giai tầng này, văn hóa, khoa học, nghệ thuật Hà Nội cũng xuất hiện các loại hình mới, một vài trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu khoa học được thành lập nhằm đào tạo tầng lớp trí thức, công chức phục vụ cho chính quyền Pháp (Viện Viễn Đông bác cổ, Viện Vi trùng học, trường Đại học Đông Dương, trường Y, Sở Địa chất, Sở Địa lý, Nha Khí tượng).

Sách báo và các ấn phẩm văn hóa-nghệ thuật theo trào lưu tư tưởng mới xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt, Pháp... ngày càng thịnh hành. Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, sớm tiếp thu những luồng gió mới, tư tưởng mới của thời đại.

Từ một kinh đô của nhà nước phong kiến Đại Việt trở thành thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp, Hà Nội cũng là nơi tập trung những mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp sâu sắc nhất.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX dưới ngọn cờ của các văn thân sĩ phu yêu nước, nhân dân Hà Nội liên tục đứng lên chống thực dân Pháp với nhiều hình thức phong phú. Các cuộc bạo động, ám sát diễn ra ngay trên các khu phố.

Đêm 5/12/1898, nghĩa quân của Vương Quốc Chính đã liên lạc với các tướng lĩnh người Hà Nội, chuẩn bị kế hoạch tấn công vào khu vực hội chợ do Pháp tổ chức tại làng Liên Trì và Nam Ngư (nay là Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô), nhưng việc không thành.

Cũng trong đêm đó, đội nghĩa binh do ông Tuần Vọng chỉ huy đã nổ súng tấn công đồn Ngọc Hà (nay thuộc Ba Đình). Sau trận này, giặc Pháp đã chém đầu 50 người và bắt hàng trăm người đi đày ở Côn Đảo.

Nhưng người dân Hà Nội không chùn bước. Ngày 27/6/1908, nghĩa quân Đề Thám phối hợp với lực lượng nội ứng trong thành Hà Nội đã tiến hành đầu độc binh lính Pháp, làm cho chúng kinh hoàng.

Ngày 26/4/1913, anh công nhân Nguyễn Văn Tuý ném tạc đạn giết chết 2 sĩ quan Pháp và làm bị thương một số tên trong khách sạn Hà Nội trên phố Tràng Tiền. Giặc Pháp điên cuồng khủng bố, xử tử những người yêu nước, bêu đầu ở Ô Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Mơ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, giam cầm các lãnh tụ nghĩa quân ở Hoả Lò, Côn Đảo, nhưng nhân dân vẫn bất khuất chống Pháp.

Song song với các hoạt động có vũ trang, nhân dân Hà Nội sôi nổi tham gia các hoạt động theo khuynh hướng cải cách của các sĩ phu yêu nước: Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can khởi xướng.

Bằng các hình thức khuyến khích thanh niên sang Nhật để học văn minh nước Nhật, dịch sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc), J.Russo, Montesquieu (Pháp), mở trường lớp ngay tại số 4 Hàng Đào, diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, các sĩ phu đã thổi một luồng tư tưởng mới - dân chủ tư sản vào các tầng lớp nhân dân, mở ra bình diện đấu tranh mới theo khuynh hướng yêu nước, đòi tự do, dân chủ sôi sục trong những năm đầu thế kỷ XX với các hoạt động như đòi thực dân Pháp ân xá cho cụ Phan Bội Châu (1925), tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926) và làm lễ tại đền Đồng Nhân; tưởng niệm cụ Lương Văn Can tại nghĩa trang Hợp Thiện (1927) để biểu dương tinh thần yêu nước chống Pháp; ra sách báo tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ nhân dân mở mang dân trí, học chữ quốc ngữ, tăng cường thực nghiệp, bài trừ hủ nho, làm cho dân giàu nước mạnh...

Tầng lớp trí thức tiểu tư sản yêu nước tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản đã lập ra các tổ chức mới: Việt Nam nghĩa hoà đoàn của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, Việt Nam quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu. Tuy còn những hạn chế, nhưng các tổ chức này đã góp phần vào phong trào yêu nước và dân chủ của nhân dân Hà Nội.

Tinh thần yêu nước bất khuất, chống thực dân Pháp xâm lược là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Hà Nội. Đó chính là mảnh đất để lãnh tụ Nguyễn ái Quốc và những hội viên Hội Việt Nam thanh niên cách mạng gieo hạt giống đỏ của chủ nghĩa Mác-Lênin, đưa phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân và nhân dân Hà Nội đến với cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc.

Đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền (1930-1945)

Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn  Ái Quốc đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin "cẩm nang thần kỳ", con đường duy nhất đúng là làm cách mạng vô sản cứu nước, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cuối năm 1924, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc) để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1926, những hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Người đào tạo ở Quảng Châu đã về Hà Nội, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin.

Những năm 20 của thế kỷ XX, song song với phong trào yêu nước và dân chủ của nhân dân, phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân Hà Nội ngày càng phát triển.

Từ những cuộc đấu tranh tự phát chống chủ nghĩa tư bản (công nhân hãng L.U.C.I (1909), công nhân một số nhà in (1919), công nhân Nhà máy Rượu (1924), công nhân Khách sạn thuộc địa (1926), công nhân Hà Nội tiếp thu ánh sáng của cách mạng vô sản đã tiến lên đấu tranh tự giác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh bộ và Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên.

Sự trưởng thành và lớn mạnh của phong trào công nhân dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênin, sự phát triển sôi sục của phong trào yêu nước là động lực và nền tảng thúc đẩy chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời - Chi bộ 5D Hàm Long (tháng 3/1929), tiến tới thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (7/6/1929) và Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Từ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam sang bước ngoặt mới: Đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 17/3/1930, tại 42 Hàng Thiếc, Đảng bộ Hà Nội tổ chức Ban Chấp hành lâm thời do Đỗ Ngọc Du làm Bí thư. Tháng 6/1930, Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập do Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư.

Vừa mới ra đời, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống khủng bố trắng của địch, ủng hộ Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đẩy mạnh tuyên truyền xung phong, mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.

Trong những năm 1931-1935, hàng loại đảng viên và quần chúng của Đảng bị địch tử hình, bắt giam, tra tấn dã man trong các nhà tù. Biến nhà tù thành trường học, các chiến sĩ cộng sản đã giữ vững khí tiết, tiếp tục tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, đấu tranh trở về với Đảng, với dân, khôi phục lại cơ sở Đảng và phong trào cách mạng. Tháng 3/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội được thành lập lại, đồng chí Lương Khánh Thiện làm Bí thư Thành ủy.

Vận dụng Nghị quyết của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 (tháng 7/1935) vào điều kiện cụ thể của nước ta, Xứ ủy Bắc Kỳ đã trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ Hà Nội tổ chức và lãnh đạo nhân dân thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, đấu tranh chống phát xít và chiến tranh, chống phản động thuộc địa Pháp, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hoà bình.

Từ hoạt động bí mật chuyển sang nửa công khai, hợp pháp, với nhiều hình thức tổ chức phong phú: ái hữu, Hội Tương tế, Hội Thể thao, Nông hội...

Đảng đã tập hợp được rộng rãi các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai tầng, hình thành nên mặt trận đấu tranh rộng lớn, sôi nổi, mạnh mẽ chưa từng có chống thực dân Pháp và tay sai.

Cùng với hàng trăm cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cải thiện đời sống, đòi dân chủ, truyền bá chữ quốc ngữ, Đảng mở rộng cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí, trên nghị trường, trong các cuộc mít tinh để tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, thông qua đó, giáo dục, rèn luyện, giác ngộ họ, xây dựng lực lượng chính trị.

Cuộc vận động dân chủ của Đảng 3 năm 1936-1939 là bước tập dượt và chuẩn bị lực lượng của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Ở Đông Dương, thực dân Pháp xoá bỏ mọi quyền dân sinh, dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939). ở Hà Nội, chúng ra lệnh giải tán các tổ chức ái hữu, liên tục tổ chức nhiều cuộc vây ráp, bắt bớ đảng viên và quần chúng cách mạng.

Tháng 9/1940, phát xít Nhật đánh Lạng Sơn, thực dân Pháp dâng Đông Dương cho Nhật. Từ đó, nhân dân Việt Nam và Hà Nội chịu cảnh "một cổ hai tròng", bị phát xít Nhật-Pháp áp bức, bóc lột nặng nề.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 6, 7 của Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, trước mắt chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Tháng 5/1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 xác định cuộc cách mạng phải tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít Nhật-Pháp và quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Đảng bộ Hà Nội đã kiên cường chống địch khủng bố, duy trì bằng được cơ quan lãnh đạo và tổ chức cơ sở Đảng, tuyên truyền thư của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, "Tuyên ngôn chương trình và điều lệ" của Mặt trận Việt Minh trong nhân dân.

Tháng 2/1943, trước những chuyển biến mới của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh) đã quyết định mở rộng Mặt trận Việt Minh và đẩy mạnh mọi mặt công tác, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Hội nghị cũng đưa ra những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa phong trào ở thành thị, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác vận động nhân dân.

Từ sau hội nghị, Đảng bộ Hà Nội đã tập trung mọi cố gắng vào công tác công vận, thành lập Ban Công vận, phát động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân. Bên cạnh đó, các lực lượng quần chúng cơ bản cũng được Đảng bộ chú trọng vận động và phát triển. Tháng 8/1943, Trung ương giao hẳn khu vực Bưởi (ATK) cho Đảng bộ Hà Nội làm chỗ đứng chân - bàn đạp vào nội thành. Các tổ chức cứu quốc của nông dân, thợ thủ công từ đó phát triển khá nhanh chóng.

Tháng 8/1944, Đảng bộ cho thành lập Ban Thanh vận, đồng thời cũng là Ban Chấp hành lâm thời Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Cuối năm 1944, Đội Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu cũng được thành lập.

Từ đó, hoạt động tuyên truyền xung phong càng được đẩy mạnh. Phụ nữ cứu quốc cũng hình thành được một số tổ, nhóm bí mật trong nữ sinh các trường trung học và phụ nữ thuộc tầng lớp trên có tinh thần cách mạng. Trí thức yêu nước tập hợp trong tổ chức Đảng dân chủ (tháng 6/1944). Tháng 3/1945, văn nghệ sĩ yêu nước theo cách mạng được tập hợp trong tổ chức "Văn hóa cứu quốc", đem văn hoá phục vụ nhân dân với tinh thần "dân tộc, khoa học, đại chúng".

Chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng bộ đã phát triển và mở rộng Mặt trận Việt Minh đến mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, có tinh thần yêu nước chống phát xít Nhật-Pháp. Đó là lực lượng chính trị sâu rộng mà nòng cốt là công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh thành phố. Đến trước ngày 9/3/1945, Hội viên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh có khoảng 1.000 người.

Từ cuối năm 1944, các đội tự vệ và tuyên truyền có vũ trang cũng phát triển nhanh chóng. Đội tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu phát triển thành Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu với 3 chi đội được vũ trang một số súng các loại. Công nhân cũng có Đội Tuyên truyền xung phong, tiểu tổ tự vệ bí mật ở một số nhà máy, xí nghiệp.

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, Đảng bộ đã đẩy mạnh việc phát triển rộng khắp các tổ chức cứu quốc trong các tầng lớp nhân dân, gấp rút phát triển các đội tự vệ, tuyên truyền xung phong, luyện tập quân sự, tổ chức quyên góp mua sắm vũ khí, sản xuất vũ khí thô sơ.

Từ giữa tháng 3, phong trào đấu tranh của nhân dân đã nhanh chóng trở thành cao trào. Các hoạt động tuyên truyền, míttinh, diễn thuyết diễn ra công khai ở Mễ Trì, Chợ Canh, chùa Láng và trên các tuyến tàu điện, trong rạp hát, ráp chiếu bóng. Nhân dân có Đội tuyên truyền xung phong hỗ trợ, phá kho thóc ở phố Bắc Ninh (nay là Nguyễn Hữu Huân), Lò Lợn, Phà Đen, Mọc Quan Nhân. Đội danh dự trừ gian đã trừng trị một số tên tay sai đầu sỏ thân Nhật giữa ban ngày. Hà Nội đứng trước cơn bão lớn của thời đại.

Ngày 15/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Nhật ở Đông Dương hoang mang cao độ. Thời cơ giành chính quyền đã đến. Đêm 13/8/1945, ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc hạ lệnh tổng khởi nghĩa.

Tối 14 và ngày 15/8/1945, Xứ ủy quyết định lãnh đạo khởi nghĩa trong 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, chủ trương thành lập ngay Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội. Tối 15/8/1945, Thành ủy triệu tập Hội nghị bất thường ở chùa Hà (Dịch Vọng) để rà soát lực lượng và bàn những công việc cấp bách cho cuộc khởi nghĩa.

Sáng 18/6, Ủy ban Quân sự cách mạng (ủy ban Khởi nghĩa) được thành lập tại 101 Gămbétta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Chiều 17/8, Ủy ban Quân sự cách mạng đã biến cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức thành cuộc tuần hành, biểu dương lực lượng của nhân dân ủng hộ Việt Nam với các khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo bù nhìn", "Việt Nam độc lập". Tối 17/8, tại nhà bà Hai Nhã, thôn Dịch Vọng Tiền, Thành ủy và Ủy ban Khởi nghĩa họp hội nghị mở rộng, quyết định cần phải nhanh chóng chớp thời cơ để giành chính quyền.

Hội nghị cũng quyết định phương thức và kế hoạch khởi nghĩa vào sáng 19/8. Ngày 18/8, các Đội thanh niên đi khắp nơi cắm cờ đỏ sao vàng, phân phát truyền đơn, dán áp phích, gọi loa hô hào nhân dân khởi nghĩa. Mọi người gấp rút may cờ đỏ sao vàng, làm biểu ngữ, tập hát "Tiến quân ca", "Diệt phát xít". Chiều cùng ngày công nhân đấu tranh trực diện với Nhật trước Bộ Tổng tham mưu (33 Phạm Ngũ Lão), đòi trả người và vũ khí diễn ra thắng lợi. Hà Nội bừng bừng, sôi sục trong đêm trước cuộc khởi nghĩa.

Sáng 19/8, thành phố đỏ rực cờ cách mạng. Nông dân các vùng phụ cận và Đại lý Hoàn Long rầm rập tiến vào nội thành. Cả biển người đổ về Nhà hát Lớn. 11 giờ cuộc míttinh bắt đầu. Đồng chí Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy) đại diện cho Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời hiệu triệu của Việt Minh, hô hào nhân dân vùng lên khởi nghĩa, lập chính phủ Cộng hoà Dân chủ Việt Nam.

Sau đó, cuộc míttinh khổng lồ của gần 20 vạn người biến thành cuộc biểu tình thị uy. Quần chúng có tự vệ, tuyên truyền xung phong có vũ trang làm nòng cốt, chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu của chính quyền địch là Phủ Khâm sai, Toà Thị chính, Kho bạc, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát Hàng Trống, Trại Bảo an binh.

Tối 19/8, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi. Tin Hà Nội giành được chính quyền truyền đi khắp toàn quốc, làm suy yếu và rệu rã tinh thần toàn bộ bộ máy cai trị của Nhật và tay sai. Ngày 21/8, Hà Nội được đón Trung ương Đảng trở về. Ngày 25/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Phú Gia (Phú Thượng) vào nội thành, ở nhà số 48 Hàng Ngang.

Ngày 2/9/1945, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh đổ về Quảng trường Ba Đình dự lễ Tuyên ngôn độc lập. Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hơn nửa thế kỷ bị thực dân Pháp rồi phát xít Nhật cai trị, với tinh thần yêu nước bất khuất, anh hùng, nhân dân Hà Nội đã không ngừng đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ năm 1930, dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân Hà Nội đã từng bước đấu tranh, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, thoát khỏi ách nô lệ, giành độc lập tự do đi tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng và chiến đấu bảo vệ thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark