28/07/2013 | 09:22:00

Hà Nội với bài toán đào tạo nghề lao động nông thôn

Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngay từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nội dung được thành phố đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đề án “dài hơi” đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, thành phố Hà Nội cũng đã cụ thể hóa chương trình đào tạo này trong từng giai đoạn với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, cùng hàng loạt giải pháp đồng bộ kèm theo, tạo thành nguồn tổng lực nâng cao số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định.

Từ chương trình này, đã có 1.866 hộ được thoát nghèo, 836 hộ trở thành khá giả, nâng cao mức sống.

Dạy nghề gắn với tạo việc làm

Nhằm thu hút người dân tham gia các lớp đào tạo nghề, ngoài việc hỗ trợ học phí, các huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn chú trọng lựa chọn ngành nghề đào tạo với phương châm “Dạy nghề dân cần, giúp dân sống được bằng nghề.”

Trong 3 năm (2010-2012), toàn thành phố đã tổ chức dạy nghề cho gần 40.000 lao động nông thôn, trong đó tỷ lệ có việc làm đạt tối thiểu 70% trở lên. Một số nghề có tỷ lệ lao động nông thôn sau đào tạo có việc làm đạt gần 100% như: Nghề may công nghiệp tại huyện Ba Vì, huyện Đan Phượng, thị xã Sơn Tây; nghề điêu khắc tại huyện Chương Mỹ; nghề mây tre đan tại huyện Từ Liêm… Trên 18.300 người đã chuyển sang làm các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, đạt 75% trên tổng số người tham gia học nghề thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp.

Bên cạnh việc đào tạo ngành nghề theo đặc thù từng địa phương, Hà Nội còn triển khai hiệu quả 2 mô hình dạy nghề điểm là may công nghiệp và nghề trồng nấm.

13 huyện (phần lớn thuộc tỉnh Hà Tây cũ, gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Ứng Hòa, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây) đã tổ chức dạy nghề may công nghiệp cho 5.168 người với tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề theo mô hình đạt 86%, thậm chí có huyện đạt tỷ lệ 100% (như Ba Vì, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây) với mức thu nhập đạt từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với các huyện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã trực tiếp ký hợp đồng đặt hàng dạy nghề may công nghiệp cho 1.070 lao động để cung cấp nhân lực cho Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn may xuất khẩu Vitgartment, Công ty trách nhiệm hữu hạn thời trang Star và đi xuất khẩu lao động…

Với mô hình dạy nghề trồng nấm vốn được đánh giá là nghề mới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ động phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện di truyền cây công nông nghiệp, tổ chức dạy nghề cho 350 lao động.

Theo đánh giá, hiện mô hình này đã được ứng dụng, đem lại hiệu quả cao. Người lao động sau khi học nghề có kiến thức đã tự sản xuất được nấm, trên cơ sở tận dụng rơm rạ sau thu hoạch, vừa bảo vệ được môi trường, vừa tăng thêm thu nhập. Trung bình 3 tạ rơm có thể thu lãi từ 1 – 2 triệu đồng, thậm chí có gia đình ở xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) sau 5 tháng đã thu lãi 100 triệu đồng.

Phát triển mạng lưới đào tạo

Ông Nguyễn Thế Hùng (Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu trong công tác dạy nghề lao động nông thôn của thành phố) cho biết, nhằm mở rộng mạng lưới đào tạo nghề, thời gian gần đây Sở chủ trương phát triển mạnh ra các cơ sở đào tạo nghề tư nhân.

Đến nay, toàn thành phố có 276 cơ sở dạy nghề, trong đó cơ sở tư nhân chiếm gần 67%. Tổng cộng đã có 20 trường trung cấp nghề công lập trên 29 quận, huyện; 7 huyện đã có trung tâm dạy nghề và 4 huyện khác (Mỹ Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai) đang tiến hành xây dựng trung tâm dạy nghề. Trong 3 năm (từ 2010 đến 2012), thành phố đã đầu tư 39 tỷ đồng cho các cơ sở dạy nghề này mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề; cấp kinh phí xây dựng thêm 3 bộ giáo trình sơ cấp nghề, 6 bộ chương trình trung cấp nghề để các đơn vị triển khai áp dụng.

Song song với việc phát triển cơ sở vật chất, Sở cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý dạy nghề; đã tổ chức được 6 lớp với tổng số 180 giáo viên tham gia bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm dạy nghề, 120 người của các cơ sở dạy nghề được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng dạy nghề, 100 giáo viên tham gia bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy phục vụ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục bổ sung cán bộ chuyên trách về dạy nghề tại 12 huyện chưa có cán bộ chuyên trách tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, đồng thời bổ sung giáo viên cho 7 trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện…

Khuyến khích người dân tham gia học nghề

Theo khảo sát mới đây của thành phố Hà Nội tại 20 huyện và quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, trên tổng số gần 868.000 hộ với 2.129.469 lao động nông thôn, chỉ có 131.185 người có nhu cầu học nghề. Con số này được đánh giá là quá ít so với kết quả điều tra nhu cầu cần bổ sung trên 311.000 lao động qua đào tạo nghề của 8.320 đơn vị, doanh nghiệp đóng tại các địa phương nói trên.

Nguyên nhân được cho rằng xuất phát từ tâm lý thích đi học đại học, không thích học nghề ăn sâu trong tiềm thức của người dân Thủ đô nên rất khó tuyển sinh học nghề. Mặt khác, nhiều lao động còn cho rằng đi học nghề không có chế độ, ảnh hưởng đến thu nhập nên không muốn đi học nghề.

Ngay tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), chị Vương Thị Hường (ở thôn Nội, xã Văn Hoàng) còn “lơ mơ” về khái niệm học nghề. Khi được hỏi, chị Hường nói không biết và cũng không có nhu cầu học nghề vì chị chỉ quen làm ruộng. Chị bảo chị không muốn học thêm nghề cũng như bỏ làm ruộng chuyển sang nghề khác. Trong khi trước đó, huyện Phú Xuyên cũng vừa mới mở lớp học về cấy lúa chất lượng cao và về lúa SRI ba tăng ba giảm, phục vụ ngay chính công việc làm ruộng của chị Hường.

Để tháo gỡ tâm lý ngại học nghề của người dân ở một số địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ động phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.”

Sở đã tiến hành in tờ rơi tuyên truyền nội dung đề án phát tới người dân, tư vấn nội dung truyền thanh trên hệ thống thông tin truyền thông của địa phương; đồng thời phối hợp với các cơ sở dạy nghề trực tiếp tổ chức tư vấn, tuyển sinh thông qua 255 phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động trong suốt 4 năm qua (từ 2009-2012).

Huyện Ba Vì tổ chức “ngày hội dạy nghề” tư vấn cho hàng nghìn người tham gia, góp phần tác động sâu sắc đến nhận thức người dân về học nghề; phấn đấu từ nay đến năm 2015, sẽ có thêm 215.000 lao động nông thôn trên địa bàn Hà Nội được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 21%, tỷ lệ người có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn 2011-2015 tối thiểu đạt 70%.../.

Thu Hương - Khánh Ly

Bản để in Lưu vào bookmark