07/07/2014 | 18:40:00

Hà Nội-Kagoshima tăng hợp tác về du lịch, dịch vụ, nông sản

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp và làm việc với ông Hiroyuki Mori, Thị trưởng thành phố Kagoshimai, Nhật Bản.

Ngày 7/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có buổi tiếp và làm việc với ông Hiroyuki Mori, Thị trưởng thành phố Kagoshimai, Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, thời gian qua thủ đô Hà Nội rất coi trọng mở rộng quan hệ đối ngoại và đã hợp tác với hàng trăm thành phố trên thế giới; trong đó có năm thành phố của Nhật Bản. Hà Nội cũng có nhiều hoạt động tăng cường giao lưu, thắt chặt quan hệ, xúc tiến thương mại, học hỏi kinh nghiệm nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, thủ đô Hà Nội đang có hướng phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch và có nhiều nhu cầu về hàng hóa chất lượng cao. Trong khi đó, đất nước Nhật Bản có thế mạnh về dịch vụ biển. Bên cạnh đó, các địa phương của Hà Nội người dân sản xuất nhiều hàng hóa nông sản, đặc sản có chất lượng tốt. Vì vậy, hai thành phố cần nghiên cứu và có thể hợp tác ở lĩnh vực này.

Ông Hiroyuki Mori, Thị trưởng thành phố Kagoshimai bày tỏ vui mừng khi sang thăm thủ đô Hà Nội; đánh giá Hà Nội là thành phố năng động, phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng. Vì vậy, sau chuyến thăm này, thành phố Kagoshimai sẽ chú trọng và tạo điều kiện nhiều hơn để các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường Hà Nội.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay, Nhật Bản đang đầu tư 478 dự án với tổng số vốn đạt khoảng 4,5 tỷ USD; trong đó, vốn của dự án trong Khu công nghiệp khoảng 2,8 tỷ USD. Quy mô vốn bình quân hơn 9 triệu USD/dự án. Trong đó, lĩnh vực chế biến chế tạo ôtô xe máy, sản xuất điện, điện tử, sản phẩm cơ khí, vật liệu xây dựng có vốn đầu tư lớn nhất, chiếm gần 73%. Tiếp đến là nhóm đầu tư kinh doanh bất động sản, siêu thị, nhà hàng; y tế; thương mại. Trên lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo đứng đầu về số lượng dự án với 202 dự án (chiếm trên 42%), tiếp theo là thông tin và truyền thông, các dự án tư vấn, dịch vụ công nghiệp, khoa học công nghệ…

Ủy ban Nhân dân thành phố đánh giá, nhìn chung, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam, có đóng góp đáng kể vào vốn FDI đăng ký và thực hiện, góp phần quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, tạo thêm nhiều việc làm, đãi ngộ tốt cho người lao động và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Chủ trương của Hà Nội đến năm 2015 và các năm tiếp theo là thu hút đầu tư, hợp tác từ Nhật Bản. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Nhật Bản vào các dự án, các khu công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, nhất là công nghiệp chế tạo và điện tử.

Các Khu công nghiệp hiện có trên địa bàn thành phố cơ bản phù hợp là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Khu Công nghiệp Sài Đồng B; Khu Công nghiệp Sóc Sơn; Khu Công nghiệp Đông Anh; Khu Công nghiệp Quang Minh; Khu Công nghiệp Đài Tư./.

Đỗ Huy

Bản để in Lưu vào bookmark