31/03/2010 | 18:21:20

Hàng Bồ - Phố tre nứa của đất kinh kỳ xưa

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Internet)

Phố Hàng Bồ dài 272m, nối từ phố Hàng Bạc, qua ngã tư Hàng Đào, Hàng Ngang, cắt ngã tư Hàng Cân-Lương Văn Can đến ngã tư Hàng Thiếc-Thuốc Bắc-Bát Đàn, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 
Phố được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Xuân Hoa và thôn Nhân Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.
 
Thời Pháp thuộc, phố có tên Rue des Paniers. Sau Cách mạng, phố chính thức mang tên Hàng Bồ.
 
Xưa kia, đoạn giữa phố Hàng Bồ là nơi tập trung các cửa hàng bán dụng cụ đan bằng tre nứa như bồ, sọt, thúng mủng...
 
Vào dịp Tết bồ chất đầy phố, kẻ mua người bán tấp nập. Còn đoạn gần Hàng Đào, sau ngã tư Lương Văn Can, xưa có tên là Hàng Dép, có bán đủ các loại guốc dép.
 
Phố này khi đó chỉ có những căn nhà hẹp và bé, xây áp vào tường nhà của phố Hàng Đào, lòng nhà chỉ đủ chỗ cho mấy bà bán hàng ngồi, trên tường chung quanh chỗ ngồi treo la liệt guốc dép: guốc gỗ mộc, guốc gỗ sơn, guốc Sài Gòn, dép quai ngang, déo cong, dép hạ.
 
Những năm về sau, guốc dép ít người mua, ở chỗ mấy cửa hàng nhỏ hẹp bán giày dép này có lẫn cả cửa hàng chữa đồng hồ, cắt tóc.
 
Ở cả hai mặt phố giáp ngã tư Hàng Cân, xen lẫn với những cửa hàng giày dép là những nhà sản xuất và bán các loại hương nén, hương vòng. Hương Hàng Bồ cũng nổi tiếng cả nước.
 
Mùi hương tỏa ngát từ các hiệu bán hương thẻ, hương trầm, hương vòng, có loại cao tới 2m, đường kính bằng cái mẹt, có thể cháy liền mấy ngày Tết. Nơi đây còn bán cả nến trắng, nến đỏ đóng bao, đủ cỡ to nhỏ.
 
Ở góc phía Tây phố Hàng Bồ có nhiều cửa hiệu lớn và những ngôi nhà khang trang. Khác với phố Hàng Cân và Thuốc Bắc, phố Hàng Bồ có nhiều lô đất là nhà cũ được người có tiền mua lại, gộp mấy mảnh với nhau để xây thành những ngôi nhà lớn, mở cửa hiệu to và buôn bán nhiều mặt hàng khác nhau.
 
Nét đặc biệt của phố Hàng Bồ thời trước năm 1945 là cứ khoảng gần Tết Nguyên đán, trên vỉa hè của phố có rất nhiều ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ viết chữ, bán cho dân treo ngày Tết.
 
Khoảng trước Tết 20 hôm, các cụ đồ nho từ đất văn học Nam Định, Bắc Ninh, Hà Đông đã về đây tụ hội. Có cụ đã đỗ tú tài, có cụ học dở dang, có cụ là lang thuốc nhưng đều văn hay, chữ tốt - nhất là chữ tốt - chỉ vì nghèo nên tới đây bán chữ lấy tiền ăn Tết.
 
Các cụ chít khăn, lác đác còn có người búi tóc, mặc áo the thâm bạc, áo bông dài cũ sờn gấu, kính lão trễ xuống sống mũi, ngồi khom lưng hoặc nhoài người trên chiếc chiếu trải trên vỉa hè, cặm cụi viết.
 
Trên đôi liễn dài trắng in những áng mây mờ bằng nhũ bạc hoặc hai rẻo giấy đỏ dài, chữ thánh hiền cứ nối nhau thành một hàng thẳng tắp, viết bằng bút lông to, chấm mực vào bát sành hoặc nghiên đá.
 
Người mua câu đối viết sẵn, người chỉ xin chữ các cụ. Từng đám, từng đám quây lại xem, trẻ ngồi bó gối, tò mò nhìn nét chữ hiện dần ra như rồng bay, phượng múa, người lớn xuýt xoa trước câu đối hay.
 
Cả Hà Nội chỉ có Hàng Bồ là có ông đồ bán chữ. Chính vì vậy Hàng Bồ còn được gọi là phố văn hoá của đất kinh kỳ, thể hiện được cái thần của đôi câu đối cổ "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
 
Hàng Bồ còn là phố tranh Tết. Những người làng Đông Hồ, Hàng Trống đem các loại tranh dân gian bằng giấy dó đến treo trên tường và bày dưới hè, lấp lánh màu phẩm điều, phẩm lục, phẩm vàng nghệ. Đủ các tranh gà, lợn, đám cưới chuột.
 
Có những bức tranh khắc gỗ to, vẽ nhiều sự tích: ông Thiên Lôi-bà La Sát, hứng dừa, đánh ghen, đánh vật. Có cả tranh truyện Tây Du, Tam Quốc, tranh tam đa Phúc-Lộc-Thọ, in nhiều màu trên giấy láng khổ lớn của Trung Quốc cũng được bày bán ở đây.
 
Hàng Bồ ngày nay thay đổi nhiều, đại bộ phận là nhà cao tầng, kinh doanh nhiều mặt hàng hơn xưa. Hơn nửa đoạn đầu phố chuyên bán các phụ liệu ngành may mặc. Đây còn là phố tập trung rất nhiều cơ quan, công sở./.

Thuý Hằng (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark