23/09/2009 | 16:18:00

Hàng Đào - Phố tơ lụa làm say lòng người

Trước đây, dọc phố Hàng Đào có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu.

Phố Hàng Đào nằm theo hướng Bắc-Nam, dài khoảng 260m. Đầu phố phía Bắc giáp phố Hàng Ngang, cuối phố phía Nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, dãy nhà phố phía Tây mang số chẵn, dãy nhà phố phía Đông mang số lẻ.

Tên phố có nguồn gốc từ nghề nhuộm điều. Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán tơ lụa). Nhưng dân vẫn quen gọi tên phố cổ Hàng Đào. Khi đó dọc phố có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện đã được dỡ bỏ.

Trước thời Pháp thuộc, phố Hàng Đào là nơi tập trung bán tơ lụa. Hai bên phố là những cửa hàng bán đủ loại mặt hàng dệt bằng tơ tằm như the, lĩnh, lụa, lượt, là, cấp, nái, kỳ cầu, nhiễu, gấm, vóc, sa, xuyến... Cũng tại đây mỗi tháng có họp 6 phiên chợ ngay trên đường phố vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 gọi là chợ Hàng Tơ.

Người dân các làng La Khê, La Cả ra bán the. Người làng Mỗ ra bán cấp, đũi. Người Vạn Phúc, Kẻ Bưởi đem lĩnh tới... Trừ gấm vóc là dệt bằng tơ đã nhuộm, còn các thứ khác thì để mộc. Dân Hàng Đào mua về đem nhuộm điều, nhuộm đỏ, hoặc giao cho người ở chợ Dầu Đình Bảng, làng Tây Hồ, ở Hàng Thợ Nhuộm đem nhuộm thâm, hoặc nhờ bên Cầu gỗ chuội trắng.

Phố Hàng Đào nguyên là phần đất của hai phường Đồng Lạc (phía giáp Hàng Ngang) và Đại Lợi (phía giáp Bờ Hồ), thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Phường Đại Lợi vào đời Lê gọi là Thái Cực, tập trung người làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương), làng Đình Loan, Đông Cao (Bắc Ninh) chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời nhà Trần, nhà Hồ, đến đời nhà Lê đã rất sầm uất. Các nhà bán vải chủ yếu là bán lẻ.

Ngày nay, di tích của hai phường cũ đó còn lại là những đình, đền, miếu: Miếu Đông Lạc số nhà 31, Đình Đồng Lạc ở số nhà 38 (thờ Bạch Mã, Linh Lang đại vương và Cao Sơn đại vương ), Đền Đại Lợi, còn có tên là đền Bạch Bố (vải trắng) ở nhà số 47, thờ Bạch Mã, còn Đình Đại Lợi thì vốn ở vào cuối phố, giáp phố Hàng Gai, do mở đường nên dời vào địa điểm hiện nay là nhà số 50 phố Gia Ngư, thờ ba thần Bạch Mã, Linh Lang đại vương và Cao Sơn đại vương.

Tại số nhà 90A phố Hàng Đào là Đình Hoa Lộc do dân làng Đan Loan ở huyện Bình Giang (nay thuộc tỉnh Hải Dương) lên đây cư trú lập ra. Vì dân Đan Loan làm nghề nhuộm màu và buôn bán tơ lụa nên đình này thờ tổ nghề nhuộm và thành Hoàng làng Đan Loan là Triệu Xương và vợ là Phương Dung tục truyền là những người đã mở trường học đầu tiên tại Đan Loan.

Trong lịch sử cách mạng cận đại, con phố này có một ngôi nhà đáng lưu ý đó là nhà số 10 phố Hàng Đào, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/1907 ngôi nhà này là trường Đông Kinh nghĩa thục. Còn trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Hàng Đào là chiến lũy phía Nam của Liên khu I.

Là phố cổ buôn bán có từ lâu đời, có những gia đình sinh sống qua nhiều thế hệ, số đông là người gốc làng Đan Loan (họ Phạm, họ Lê), làng Đình Loan (họ Nguyễn), làng Đông Cao (Bắc Ninh), họ Vũ Đông Cao ít ra cũng đã có tới bốn năm đời. Những gia đình nhà nho, quan lại, quý tộc thường thông gia với nhau, nhà giàu kén rể làm quan để thêm danh giá.

Con gái Hàng Đào vẫn được tiếng là xinh đẹp, ăn mặc lịch sự, là con nhà gia thế... Cho mãi đến những năm thập niên 30-40 của thế kỷ XX, con gái Hàng Đào còn truyền nhau khẩu hiệu: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, con gái Hàng Đào khá đông lấy chồng trở thành bà Phủ, bà huyện, bà Tham, bà Phán, vợ bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ.

Từ ngày 1/10/2006, phố Hàng Đào thuộc tuyến phố đi bộ, các buổi tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, phố dành riêng cho người đi bộ, giữa phố có các kiốt bán hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo, hàng tiêu dùng... Hoạt động này được gọi là "chợ đêm".

Du khách khi đến thăm khu phố cổ Hà Nội không thể bỏ qua dãy phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân vì đó là nét văn hóa đặc sắc cổ xưa của người Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark