26/06/2010 | 20:52:00

Hàng nghìn người tham dự lễ hội thả diều Hòa Hậu

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Internet)

Cứ thành thông lệ hàng năm, đến rằm tháng Năm âm lịch, người dân xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (quê hương của cố nhà văn Nam Cao) lại tổ chức lễ hội thả diều.

Năm nay, kỷ niệm 10 năm lễ hội được phục dựng, chính quyền và nhân dân xã Hòa Hậu đã tổ chức lễ hội thả diều quy mô lớn hơn mọi năm, thu hút hàng ngàn người đến xem và chơi hội.

Từ sáng sớm ngày 26/6, các vị cao niên của các thôn, xóm trong xã đã cùng nhau sắm lễ, thắp nhang trước đình và đền Cả (xã Hòa Hậu) tỏ lòng thành kính, cảm ơn trời đất đã ban cho một mùa màng bội thu và cầu thời tiết thuận lợi cho vụ mùa sắp tới. Ngay sau nghi thức thờ cúng trời đất, tổ tiên, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi đặc sắc, hấp dẫn.

Mặc dù đến chiều hội thả diều mới chính thức được diễn ra, nhưng ngay từ sáng sớm, từ mọi ngả đường đổ về đình làng xã Hòa Hậu đã đông kín người. Già trẻ, nam nữ không phân biệt lứa tuổi tham gia vào các trò chơi dân gian như đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt dê...

Ông Trần Đức Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoà Hậu cho biết, lễ hội năm nay có 17 xóm tham gia, Ủy ban Nhân dân xã đã thành lập một Ban Tổ chức cuộc thi để chọn ra chiếc diều được làm kỹ thuật nhất, bay cao nhất. Diều mang đến cuộc thi phải theo đúng tiêu chuẩn, chiều dài khung 2,1m, chiều rộng tùy thuộc vào sở trường làm diều của từng xóm.

Phần lớn thành viên trong mỗi đội đều là người cao tuổi, những thanh niên trai tráng chỉ được phụ giúp việc thả diều.

Cụ ông Trần Văn Đông, 82 tuổi, là người đã tham gia nhiều lễ hội thả diều cho biết, một chiếc diều làm ra rất công phu. Tre được tuyển chọn từ tháng 11 âm lịch của năm trước, được phơi khô, gác lên gác bếp để loại bỏ mối mọt và đoạn tre được khô đều để khi chế tạo khung diều sẽ có độ cân bằng nhất định. Đến đầu tháng Năm âm lịch, tre mới được lấy xuống để làm diều.

Tre làm khung diều được vót tròn đều, nhỏ hơn chiếc đũa và được vót nhỏ dần ra phía hai đầu nhằm tạo được độ cứng nhưng lại mềm mại, có thể uốn cong được. Sau khi đã chế tạo xong khung diều, người ta dán giấy bản lên khung để tạo thành cánh diều. Trước đó, giấy bản được quất 3 lớp nhựa hồng xiêm pha nước để giấy được dai, chịu được sức gió và không bị ướt khi gặp nước.

Việc dán giấy và tô vẽ mầu cũng phải theo quy định chung, có tất cả 5 loại diều được phân biệt qua mầu sắc cánh diều gồm: Trắng, Hồng, Lang cánh (sơn 2 bên đầu cánh), Cân cấn (sơn bụng cánh) và Hồng đào (sơn hình tròn ở giữa bụng cánh).

Khi cuộc thi bắt đầu, tiếng trống hội ngân lên như thúc giục các đội chơi ra sức thể hiện kỹ thuật thả diều. Những chiếc diều lần lượt được cất cánh, bay cao, lúc đầu nhìn còn như chiếc thuyền bơi trên sông, khi dây được thả dài ra, diều càng bay cao đến khi chỉ nhìn thấy chiếc diều nhỏ như chiếc lá tre.

Đúng 17 giờ, khi những chiếc diều đã lên qua tầm gió thổi mạnh, giữ được độ ổn định cần thiết, Ban Tổ chức tiến hành định giải.

Phần thưởng cho đội thắng cuộc không lớn nhưng mang ý nghĩa khích lệ tinh thần rất cao, khẳng định được kỹ thuật làm diều của từng xóm.

Hội tan, ai ai cũng mang một nét mặt tươi vui, và họ hy vọng rằng tham gia lễ hội thả diều sẽ gặp được nhiều điều may mắn, mưa thuận gió hòa trong những vụ lúa tiếp theo./.

Đức Phương (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark