14/08/2010 | 15:48:00

Hấp dẫn trà chén Hà thành

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Quán trà chén có ở khắp mọi nơi trong thành phố. Có quán phơi ra giữa vỉa hè, cửa ga, bến ôtô, cổng cơ quan. Có quán lại nằm kín đáo khuất lấp trong các khu chung cư cao tầng, những ngách nho nhỏ, sâu hun hút hay lọt thỏm dưới chân cầu thang khu tập thể...

Tạt vào quán trà chén ở vỉa hè Hà Nội, ngồi xuống chiếc ghế băng thấp lè tè khẽ gọi bác già râu tóc cũ kỹ hoặc bác gái mặt mũi hiền hậu đang loay hoay trong quán cho chén trà móc câu. Thong thả đưa cái chén sứ men rạn lên, nhấp sẽ một ngụm nhỏ trà nóng nghi ngút khói. Hương vị chan chát, xin xít của trà thật thú vị nhưng nét văn hóa của thưởng trà chén đất Hà thành còn tuyệt hơn.

Quán trà chén thường rất giản dị. Bên chiếc bàn được ghép lại từ dăm tấm gỗ mỏng là mấy cái lọ, bên trong đựng chè lam, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo cao su. Cạnh đó là mấy chai La vie cùng dăm bao thuốc lá Vinataba nằm ngày ngắn trong chiếc hộp nhỏ. Cái khay nhựa để giữa bàn bày biện bộ chén tống cùng ấm trà. Thấp dưới cạnh bàn là cái điếu cày...Quán nhỏ, chỗ ngồi ít mà lúc nào cũng đông khách đến lạ.

Khách ngồi quán trà chén hầu hết là cánh đàn ông với đủ ngành nghề khác nhau, từ dăm vị công chức, đôi ba vị khách qua đường, đến mấy anh xe ôm, anh phóng viên, nhà báo...

Mỗi người vào quán theo một “hoàn cảnh” khác nhau. Người thì tạt vào quán trước mỗi buổi đi làm, ồn ào những câu chuyện vô thưởng vô phạt. Người thì sau khi bữa điểm tâm liền ghé vào hàng nước vừa xỉa răng vừa “làm” một chén trà và lôi tờ nhật báo ra “điểm” tin. Người lại ngồi một mình lơ đãng ngắm lũ trẻ con chạy đuổi nhau thoải mái dưới những tán cây cổ thụ.

Nhưng dù là khách nào cũng luôn giữ đúng nguyên tắc hòa đồng, tôn trọng nhau, trò chuyện thanh tao, từ tốn, không ồn ã, mất trật tự. Còn vị chủ quán trà hiền tính cũng... mặc kệ khách để tiếp tục loay hoay “tiếp” chút trà móc câu Thái Nguyên vào ấm rồi chuyên thêm chút nước sôi, sẵn sàng phục vụ những người sau tới.

“Ngồi bán quán ở đây từ những năm đất nước còn trong gian khó của những năm sau thống nhất đến nay đã bốn chục năm có lẻ, tôi thấy nhiều điều thú vị với cách thưởng trà của người Hà Nội. Họ không đơn giản đến quán chỉ uống trà, giải cơn khát đâu,'' bác Lương, chủ quán trà ở cạnh ngã ba phố Trần Khát Chân-Võ Thị Sáu nói.

Theo lời kể của người phụ nữ gốc Hà Nội này, cả ngày ngồi bán quán nhưng bà Lương nắm rõ chuyện trong ngõ, ngoài xóm, thời sự trong nước quốc tế, chuyện văn hóa văn nghệ, khoa học kỹ thuật đến chuyện “chính trị, chính em.” Nghĩa là đủ thứ chuyện trên đời mà khách đến uống trà mạn đàm với nhau. Và mọi thông tin theo cách nói vui là “thông tấn vỉa hè” ấy đều không qua đôi tai người phụ nữ ở ngoài độ tuổi ngoài sáu mươi này.

Thật ra không chỉ riêng bà Lương cảm nhận được văn hóa uống trà chén Hà Nội. “Người ta gọi kiểu uống trà trong chiếc chén hạt mít hay chén tống của người Hà Nội là trà chén hay chè chén. Cách gọi đó là để phân biệt kiểu uống trà đá trong cốc thủy tinh của người Sài thành.

Và vào quán uống chén nước trà để làm đầu câu chuyện đã định hình thành nét văn hóa ‘mới’ của người Hà thành. Nét văn hóa đó thay cho ‘miếng trầu là đầu câu chuyện’ vốn dĩ đã có từ bao thế kỷ qua. Điều thú vị là nét văn hóa này từ vài thập niên gần đây đang lan tỏa ra khắp các tỉnh phía Bắc,” ông Trần Anh Lân, một cư dân sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bạc đã hơn bảy mươi năm nay và “yêu Hà Nội đến mê mệt” cho hay.

Hà Nội trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng có các quán trà sang trọng, kiểu cách nổi tiếng. Nhưng chén nước trà nóng nghi ngút khói tỏa hương vị chan chát, xin xít chưa đựng nét văn hóa bình dị mà mộc mạc vẫn lặng lẽ tồn tại trong cái hỗn độn, ồn ào và sầm uất. Đó cũng chính là sự khác biệt của Hà Nội nghìn năm văn hiến./.

Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark