21/01/2012 | 18:15:00

Hệ thống pháp luật về quản lý kinh thành Thăng Long

Trước 1945, Việt Nam cơ bản vẫn dựa trên ba hằng số: nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Đặc điểm này có ý nghĩa chi phối đến toàn bộ lịch sử phát triển cũng như các thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa Việt Nam cổ truyền. Tuy nhiên, bên cạnh sự bao trùm của không gian làng xã, người ta vẫn nhận ra các khu vực được coi là đô thị, nơi mà dân gian quen gọi bằng các tên khác nhau như kinh, phố, trấn... Các khu vực này dù xuất hiện không nhiều, tồn tại như một sự đối lập, nhưng lại luôn trong một chỉnh thể thống nhất với khu vực nông thôn. Sự hình thành và phát triển của các đô thị là nhân tố quan trọng trong đời sống xã hội và xu thế vận động của Việt Nam thời tiền tư bản chủ nghĩa. Nghiên cứu đô thị do vậy là sự bổ sung cần thiết cho những nhận thức khoa học về xã hội Việt Nam trong lịch sử.

Thăng Long - Hà Nội là một trong số không nhiều đô thị có vị trí đặc biệt đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Nơi đây đã diễn ra quá trình đô thị hóa từ khá sớm, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước suốt gần thiên niên kỷ qua. Ở đó, mối quan hệ tương tác quyền lực giữa Nhà nước Trung ương với bộ máy chính quyền địa phương, giữa quản lý đô thành với quản lý thành thị được phản ánh toàn diện, tập trung nhất.

Trong thiết chế chính trị - xã hội, bên cạnh các yếu tố như bộ máy chính quyền, quân đội... thì pháp luật với vai trò vừa là sản phẩm của ý thức xã hội vừa là một trong những công cụ để quản lý xã hội có vai trò hết sức quan trọng. Với xã hội hiện đại, quản lý đất nước nói chung, quản lý đô thị nói riêng bằng hệ thống pháp luật trở thành một yêu cầu bức thiết, đang ngày càng thu hút sự quan tâm các nhà quản lý và đông đảo giới khoa học.Việc quản lý bằng hệ thống pháp luật xuất phát từ đặc điểm, truyền thống dân tộc để đổi mới và hoàn thiện cơ chế là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Do vậy, những nghiên cứu đầy đủ, hệ thống về các văn bản pháp luật cổ không những cung cấp cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về hoạt động quản lý Thăng Long trong lịch sử, mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề của hiện tại. Bài viết này cũng không nằm ngoài mong muốn đó.
 
1. Nguồn tư liệu và vấn đề nghiên cứu
 
1.1. Về các văn bản pháp luật cổ
 
Khác với quá trình hình thành sớm của Nhà nước trong lịch sử, hệ thống pháp luật thành văn xuất hiện ở nước ta khá muộn. Phải sau hơn một nghìn năm đấu tranh thoát khỏi ách đô hộ của các chính quyền phong kiến phương Bắc, cũng như nỗ lực thiết lập nhà nước độc lập tự chủ dưới triều Lý - Trần, các văn bản pháp luật mới thực sự xuất hiện và dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, những văn bản pháp luật hiện còn lưu giữ được chủ yếu là từ thế kỷ XV trở về sau. Liên quan đến các lĩnh vực quản lý Kinh đô Thăng Long giai đoạn này có thể kể đến bốn văn bản sau:

- Quốc triều hình luật[1] (còn gọi là Lê triều hình luật hay Luật Hồng Đức) là một bộ luật cổ nhất và đặc sắc nhất trong lịch sử Nhà nước và pháp quyền Việt Nam. Bộ luật được khởi thảo ngay từ những năm đầu của triều Lê, hoàn chỉnh dưới niên hiệu Hồng Đức thời Lê Thánh Tông (1470-1497) và tiếp tục được bổ sung trong nhiều năm tiếp sau. Nội dung chính của Quốc triều hình luật được chia thành 722 điều, 13 chương, phản ánh nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước. Trong số các điều luật này có nhiều quy định riêng cho Kinh đô Thăng Long, chủ yếu trong giai đoạn thế kỷ XV-XVI (xin xem bảng 2).
 
- Thiên Nam dư hạ tập[2] là bộ sách mang tính chất của một bộ hội yếu ghi chép về điển chương chế độ thời đầu Lê. Năm Hồng Đức thứ 14 (1483), vua Lê Thánh Tông “sai văn thần Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận soạn, ghi chép đủ các chế độ, luật lệ, văn thư, điển lễ, cáo sắc, đại khái phỏng theo Hội điển các các triều Đường - Tống”[3]. Dù không nhiều, Thiên Nam dư hạ tập cũng có những quy định riêng đối với Thăng Long.
 
 - Quốc triều chiếu lệnh thiện chính[4]gồm tập hợp các văn bản chiếu lệnh, sắc dụ quy định về chế độ điển chương, quan chế, tô thuế, tài dụng, hình án... được ban hành từ năm Vĩnh Tộ 7 (1625) đến niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời Lê Hy Tông. Trong văn bản điển chế này, nhiều lĩnh vực của hoạt động quản lý Kinh đô Thăng Long được đề cập khá chi tiết.

- Lê triều hội điển[5]là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật được triều đình Lê - Trịnh ban hành trong khoảng thời gian từ 1645 đến 1734. Nội dung các quy định trong Lê triều hội điển được hệ thống hóa lần lượt theo các Bộ: Hộ, Lại, Binh, Hình, Công và Lễ. Những điều khoản áp dụng riêng cho Thăng Long chủ yếu nằm trong những quy định thuộc bộ Hộ và bộ Hình.
 
Đến thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn chuyển Kinh đô về Phú Xuân - Huế, Thăng Long không còn giữ vai trò như trước. Hệ thống pháp luật do đó cũng không còn những quy định riêng đối với đô thị này với tư cách là trung tâm hành chính - chính trị và kinh tế lớn nhất nước.
 
Để quản lý Kinh đô, ngoài hệ thống văn bản pháp luật do Nhà nước Trung ương ban hành, còn bao gồm những quy định, chế định của riêng chính quyền Thăng Long. Dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau, những văn bản thuộc loại này hiện rất hiếm. Hạn chế đó đặt ra những khó khăn nhất định trong nhận thức về tổ chức và hoạt động quản lý của Thăng Long xưa. Bên cạnh đó, hương ước, tục lệ, khoán ước... tuy là những văn bản phi chính thống song có vai trò và tác động không nhỏ đối với các phường xã Thăng Long thời trung đại. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chưa có điều kiện đề cập. Hy vọng vấn đề sẽ được trở lại trong một dịp gần đây.
 
Như vậy, nguồn tư liệu chủ yếu được sử dụng trong bài viết này là hệ thống các văn bản pháp luật Nhà nước được biên soạn và ban hành trong giai đoạn thế kỷ XV - XVIII. Từ tư liệu, các thông tin liên quan, đến tổ chức và hoạt động quản lý ở Kinh thành Thăng Long được chắt lọc, phân tích và đánh giá. Ngoài ra, để hiểu rõ hơn nội dung vấn đề, những ghi chép trong các bộ chính sử: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều tạp kỷ... cũng được khai thác sử dụng ở một mức độ nhất định.
 
1.2. Quản lý nông thôn và quản lý đô thị trong các văn bản pháp luật
 
 Nếu như quản lý nông thôn từ lâu đã trở thành nỗi trăn trở và yêu cầu bức thiết với Nhà nước thì quản lý đô thị dường như là lĩnh vực khá khiêm tốn và chỉ thực sự được nhìn nhận đúng vai trò trong thời gian gần đây. Một trong những cảm nhận của người phương Tây khi đến Thăng Long mấy thế kỷ trước là sự ngạc nhiên về một thành phố phát triển mang tính tự nhiên và đậm chất nông thôn. “Không những mỗi làng là một công xã, mà các thành thị lớn cũng được phân chia thành các phường, mỗi phường cũng là một công xã”[6]. Ngược lại, ở nhiều làng xã Việt Nam truyền thống, không khó để có thể nhận ra những yếu tố kinh tế phi nông nghiệp - tiền đề của một xã hội thành thị. Người ta gọi đó là “sự dung hợp giữa thành thị và nông thôn” và theo một quan niệm, đó là “Thế lưỡng nguyên đối trọng”[7].
 
 Tuy vậy, vấn đề được đặt ra là trước thực tế lịch sử phức tạp như vậy, quan niệm và thái độ của các Nhà nước phong kiến đối với việc xử lý mối quan hệ giữa các thiết chế xã hội này ra sao? Và trên nền tảng của một xã hội nông dân và kinh tế nông nghiệp, việc tổ chức và quản lý đô thị ở nước ta nói chung, Kinh đô Thăng Long nói riêng có khác gì so với hoạt động quản lý nông thôn truyền thống?
 
 Dưới thời Lý - Trần, dù không có những tư liệu trực tiếp, song qua phân tích thông tin ghi chép từ chính sử có thể thấy, thời kỳ này đã có sự phân biệt khá rõ ràng giữa các khu vực trong Kinh và ngoài Kinh, giữa người Kinh thành với dân các địa phương khác. Điều đó phần nào phản ánh về các không gian riêng biệt trong quản lý, cũng như trong đời sống văn hóa, xã hội Đại Việt đương thời. Từ thế kỷ XV, khi các quy định về quản lý xã hội dần được thể chế bằng hệ thống luật pháp, qua đó chúng ta có được cái nhìn đầy đủ hơn về các chính sách quản lý xã hội nói chung và quản lý đô thị nói riêng.
 
Như vậy, cho đến thế kỷ XV, quản lý nông thôn vẫn là vấn đề được chính quyền Nhà nước ưu tiên, chú trọng hơn. Chính sách đó xuất phát từ thực tế xã hội và hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh. Xây dựng một đất nước ổn định, phát triển dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp và chế độ sở hữu tối cao về ruộng đất được coi là một sự lựa chọn khôn khéo, phù hợp của triều Lê sơ. Sang thế kỷ XVII-XV, trong bối cảnh tan rã từng mảng của nền kinh tế tiểu nông, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế hàng hóa và đô thị, thì các chính sách của nhà nước Lê - Trịnh không vì thế mà lơ là khu vực nông thôn, nông nghiệp - bệ đỡ quan trọng của chính quyền.
 
Tuy chiếm số lượng không nhiều, nhưng sự xuất hiện và tồn tại của những quy định riêng về quản lý đô thị trong hệ thống văn bản pháp luật Nhà nước thế kỷ XV-XVIII cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của loại đối tượng này. Sự hình thành và phát triển của các đô thị là một xu thế tất yếu của lịch sử. Cùng với đó, sự xuất hiện và ngày càng hoàn thiện của các định chế pháp luật trong quản lý mọi mặt đời sống đô thị là một yêu cầu khách quan.

2. Pháp luật về quản lý Kinh đô Thăng Long
 
2.1. Quản lý an ninh chính trị, trật tự xã hội
 
Với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị của đất nước, hệ thống luật pháp đối với Kinh thành Thăng Long trước hết nhằm đảm bảo trật tự xã hội, an ninh chính trị. Căn cứ đối tượng chịu sự điều tiết, có thể chia những quy định trên thành các điều khoản nhằm đảm bảo an ninh nơi cung cấm (khu vực Cấm thành và Hoàng thành) và giữ gìn trật tự trong Kinh thành.
 
* Đảm bảo an ninh nơi cung cấm:
 
Cung cấm là chỗ Vua ở và triều đình làm việc. Đó là những nơi tuyệt đối quan trọng được bảo vệ hết sức quan trọng. Thống kê của chúng tôi cho thấy, có đến 30 điều luật, chủ yếu trong chương Vệ cấm của Quốc triều hình luật liên quan đến nội dung này.
 
Theo luật định, tội xâm nhập trái phép Hoàng thành và Cấm thành đều bị xử phạt rất nặng. Luật nhà Lê ghi rõ: Người tự tiện vào cửa Hoàng thành (các cửa Đông Hoa, Thiên Hựu, Đại Hưng và Bắc Thần), bị tội trượng hoặc biếm; vào cửa Cấm thành (các cửa Đoan Minh, Tả Dực, Hữu Dực, Tường Huy, Đại Định, Trường Lạc, Đại Khánh, Kiến Bình, Huyền Vũ) phải tội đồ làm khao đinh; vào cửa thứ nhất trong điện (các cửa Tổ Võ, Minh Văn, Thông Vân, Sùng Hóa) phải tội đồ làm chủng điền binh; vào cửa thứ hai (các cửa Gia Hựu, Thái Hòa) phải tội lưu đày đến châu gần; vào cửa cung môn (các cửa Tả, Hữu Dịch và Vọng Vấn) thì bị xử chém. Nếu mang gươm, cầm trượng thì tội nặng thêm hai bậc và tài sản phải tịch thu xung công. Người tự tiện vào nơi Vua ở cũng chịu mức xử phạt tương tự; người dẫn kẻ gian cũng bị xử cùng một tội. Người được phép vào mà mang theo gươm, cầm trượng thì tội nặng hơn người tự tiện vào một bậc. Nếu tự tiện vào nơi sắc thuốc và nơi nấu ăn của Vua thì phải đày đi châu xa. Người vào vườm cấm phải đồ làm khao đinh (Quốc triều hình luật, điều 51). Người trèo qua tường điện bị xử tội chém, trèo qua tường cấm xử tội giảo, trèo qua Hoàng thành phải đày đi châu xa, trèo qua Kinh thành xử tội đồ làm khao đinh (điều 52). Những người vì việc công được vào cung điện mà ngủ lại qua đêm thì bị đày đi châu xa (điều 54). Nếu vào trong cung điện làm việc hết giờ mà không ra khỏi khu vực nội điện thì xử tội lưu, ở lại trong cung bị xử tội giảo, ở lại nơi vua ngự thì xử tội chém (điều 55). Người có chức phận được ra vào cửa cung điện nhưng không được ra vào ban đêm, trái luật sẽ bị xử tội đồ. Người không được phép nhưng ra vào ban đêm thì phải xử tử (điều 63). Những kẻ làm giả môn phù cửa Cung điện, cửa Hoàng thành, cửa Kinh thành để ra vào đều bị xử chém (điều 1518).
 
 Công tác canh phòng, đảm bảo an ninh nơi cung cấm được quy định cụ thể trong hệ thống luật pháp. Theo đó, những binh lính canh giữ các cung điện trong Hoàng thành (quân túc vệ) nếu nhờ người không thuộc đơn vị trực thay, thì cả người nhờ và người được nhờ đều bị xử chém. Quan Chủ ty không biết việc ấy bị biếm 34, nếu biết mà làm ngơ thì phải tội lưu; người đội trưởng thường trực phiên canh phải chịu tội nặng hơn quan Chủ ty hai bậc. Nếu nhờ lính túc vệ khác không phải phiên canh đi thay, thì người nhờ và người canh thay, nếu là lính canh ở trong đều bị xử đánh 60 trượng, biếm hai tư, nếu là lính canh ở ngoài thì xử tội như người ngoài tự tiện vào cung; quan Chủ ty phải tội trượng hoặc biếm; người đội trưởng thường trực phải tội đồ (điều 53). Dung túng cho người ngoài ngủ lại qua đêm trong cung bị xử tội lưu đày châu xa. Những tướng lĩnh đem người vào cung điện để khuân dọn, nếu người giữ cửa chưa nhận được giấy phép mà để cho vào, hay số người vào nhiều hơn số đã định trong giấy phép thì phải tội chết hay tội lưu châu xa. Quan Chủ ty biết việc ấy mà cố ý dung túng thì chịu tội, cũng như người tự tiện vào cung nếu không biết thì được giảm tội ba bậc (điều 54). Những quan nhận lệnh ban đêm khóa cửa Hoàng thành, cung điện và nội cấm thì sau đó phải dâng lại chìa khóa ngay; nếu không dâng lại hay chậm trễ bị xử tội biếm hay trượng. Nếu không phụng sắc mà tự tiện mở cửa thì bị lưu đày châu xa, tội nặng phải xử tử (điều 62). Giữ cửa Hoàng thành mà khiếm khuyết thì tướng hiệu phải tội biếm, quân lính phải tội trượng; giữ từ cấm môn trở vào trong tội bị xử nặng hơn (điều 92).
 
Tất cả những hành động dù chỉ là nguy cơ gây phương hại đến tính mạng nhà vua và an toàn trong cung đều bị nghiêm trị. Quốc triều hình luật quy định: Nếu không có chuyện gì mà trèo lên cao trông vào cung điện nhà vua thì bị xử tội đồ (điều 59). Người đem cung nỏ bắn vào trong cung điện thì bị xử tội đồ làm tượng phường binh; bắn vào trong cung thì bị tội đồ làm chủng điền binh; bắn vào nơi vua ở thì bị chém. Nếu làm chết người hoặc bị thương thì phải tội cố ý. Lính túc vệ tại nơi vua ở lỡ rút dao ra thì bị chém; người đứng hầu hai bên vua không ngăn bắt ngay người rút dao ấy thì phải tội lưu đi châu xa (điều 64). Khi xa giá đi qua, người nào xông thẳng vào đội quân hầu cận thì bị tội đồ khao đinh, xông thẳng vào gần kiệu vua thì bị chém. Người canh gác không đề phòng để xúc vật chạy đến gần kiệu vua thì biếm một tư, để xông vào cửa điện thì bị biếm ba tư (điều 65)...
 
Những điều khoản trên trước hết nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của Hoàng đế, bảo vệ cơ quan đầu não của chính quyền Trung ương, cũng tức là bảo vệ an ninh chính trị và thể chế quân chủ tập quyền.
 
*Giữ gìn trật tự trong Kinh thành:
 
Trong Kinh thành, ngoài trung tâm là Cấm thành và Hoàng thành còn là nơi đóng trụ sở của phủ Phụng Thiên và khu vực dân gian. Luật pháp Nhà nước có những điều khoản riêng quy định việc giữ gìn an ninh, trật tự trong Kinh thành.
 
Luật pháp quy định, buổi tối sau tiếng trống thu canh (trống báo hiệu bắt đầu buổi tối) người dân trong Kinh thành không được tự ý ra khỏi nhà, đến buổi sớm sau tiếng trống tan canh mọi người mới được phép đi lại (Quốc triều hình luật, điều 67). Ban đêm, những người trong Kinh thành không phải vì việc công và những người dân đi tìm thầy thuốc, bà đỡ hay người thân mà không cầm đèn đuốc thì bị bắt đưa đến tòa đô sảnh. Nếu là quan lục phẩm trở lên phạm tội thì bị phạt 5 quan tiền, quan thất phẩm trở xuống bị đánh 50 roi, người dân phải đánh 60 trượng. Nếu người mang dao hay cầm gậy bị tội đồ làm chủng điền binh. Khi bị bắt mà chống cự lại bằng tay không thì phạt 80 trượng, nếu có dao hay gậy thì bị lưu đi châu gần, nếu đánh lính bị thương thì tội nặng thêm một bậc. Quan thường trực không biết chuyện thì bị phạt; vu oan cho người đi đường là phạm cấm, đi đêm thì bị đánh 60 trượng; nếu cưỡng bức lấy tiền hay đồ vật thì bị khép vào tội nạt người lấy tiền của (điều 68). Ban đêm, những người dân cấm không được đánh trống hò la, gây mất trật tự. Nếu ai mở trò vui mà không xin phép quan phường và quan coi lính tuần thường trực thì bị tội đánh roi hay phạt. Người ở phường khác đến xem mà không cầm đèn đuốc thì bị phạt theo luật cầm đèn như quy định ở điều 68 (điều 69). Người vô cớ phóng ngựa trên phố phường, đường ngõ trong Kinh thành hay nơi đám đông thị bị xử 60 trượng. Nếu vì thế mà làm bị thương hay chết người thì bị xử tội nhẹ hơn tội đánh bị thương hay chết người một bậc; làm bị thương hay chết các súc vật thì phải đền số tiền theo sự mất giá (ví như con vật đáng 10 phần, nay làm chết giá chỉ còn hai phần, thì phải đền giá 8 phần; làm bị thương mất giá 1 phần thì phải đền 1 phần) (điều 553).
 
Đối với việc tuần hành trong Kinh thành, pháp luật quy định: Những người có trách nhiệm canh phòng nếu không đến địa điểm đúng giờ, không mang đủ dụng cụ đi tuần hoặc kiểm soát người ra vào thành không đúng phép thì quan Chủ ty thường trực bị phạt 5 quan tiền, lính thường trực bị đánh 80 trượng (điều 67). Quân lính đi tuần bắt được kẻ phạm điều cấm đi đêm mà tự ý tha thì bị xử tội như kẻ phạm cấm: bắt được trộm mà ăn hối lộ thì cũng phải tội như trộm cướp (điều 93). Nhưng quan binh trong Kinh thành cắt cử lính tuần không đúng phép thì bị xử phạt trên 60 trượng. Nếu có trộm cướp kẻ đánh bạc trong phường mà không cáo quan trên thì bị xử tội biếm hay đồ. Các quan Đô tuần, Đô sát và Cảnh tuần cố ý tha không bắt kẻ có tội thì bị xử tội biếm hay phạt (điều 329).
 
Những hành động gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của người dân trong Kinh thành đều bị xử phạt nặng. Điều 554 Quốc triều hình luật quy định: Kẻ bắn cung tên vào trong thành, vào nhà quan hay nhà dân, hoặc ở ngoài đường cái đều bị xử đánh 80 trượng. Kẻ phóng đạn, ném gạch đá bị xử 60 trượng. Nếu vì thế mà làm cho người bị thương hay chết thì xử nhẹ hơn tội đánh người bị thương, chết một bậc; nếu cố ý bắn vào thành hay vào nhà dân gây chết người hoặc bị thương thì chịu tội như đánh người chết hoặc gây thương tích.
 
Từ cuối thập niêm 40 của thế kỷ XVIII về sau, trước tình hình khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, an ninh Kinh thành được siết chặt hơn trước. Ngoài việc đắp thành Đại Độ, củng cố hào lũy chúa Trịnh Doanh còn cho đặt 8 cửa để khám xét người ra vào, tuyển thêm đinh tráng để tuần phòng, lập ra các đồn trên bộ suốt từ phường Nhật Chiêu trở xuống để canh giữ; trong thành chia làm 36 khu, gồm 9 điện, một điện 4 khu, đặt chức Điện chánh để trông coi[8].
 
 Để phòng tránh hỏa hoạn trong Kinh thành, luật pháp quy định: Nếu người nào để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà mình thì bị phạt 80 trượng; cháy lan sang nhà người khác cũng bị phạt 80 trượng, đồng thời bêu trước dân chúng ba ngày, phạt 10 quan tiền sung công. Mức xử phạt như vậy đều cao hơn một số bậc so với vụ việc tương tự xảy ra ở hương thôn. Nếu cố ý đốt nhà người khác thì xử như tội ăn cướp. Đàn bà ghen tuông mà cố ý đốt nhà thì xử như tội ăn trộm. Người phát giác sẽ được thưởng như người bắt được trộm cướp (điều 617). Đến năm Chính Hòa thứ 8 (1687), Nhà nước bổ sung điều lệnh: Người đến cứu hỏa mà lợi dụng để vào nhà cướp của cải đồ vật thì luận tội ăn cướp. Nếu cố ý đốt nhà người khác thì bị luận tội cướp, xử chém, đồng thời thưởng cho người bắt được 50 quan tiền quý (Lê triều hội điển, tr. 115; Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, tr. 697).
 
Khi trong Kinh thành xảy ra trộm cướp, quan binh và dân chúng phải có trách nhiệm vây bắt. Nếu có sự việc xảy ra mà quan phường không mang theo người, quan đương trực không dẫn theo quân lính vây bắt đều bị xử tội đồ; người trong phường hay quân lính không đến cứu thì xử tội trượng hay biếm. Nếu giặc cướp quá đông, cần đến sự chi viện mà quan binh ở phường bên cạnh không đến ứng cứu cũng bị xử tội tương tự. Nếu có người bị giết mà không đến cứu và bắt hung thủ thì xử theo tội không phó cứu lúc có cướp (Quốc triều hình luật, điều 458). Những người bắt được kẻ cướp nhưng lại tự ý thả ra thì xử tội lưu đày châu ngoài; bắt được kẻ trộm mà thả thì xử tội đồ làm tượng phường binh; nếu ăn hối lộ mà tha bỏ thì bị xử giống như kẻ phạm tội (điều 459).
 
Về việc xét án trong Kinh, luật nhà Lê quy định: Quan Phủ doãn có trách nhiệm khám hỏi các vụ về hộ khẩu, hôn nhân, ruộng đất và các việc kiện tụng khác đối với những người có tên trong sổ bạ ở phố phường, không được xử những người thuộc xứ khác; quan Đề lĩnh chỉ được bắt khám trong Kinh kỳ và việc kiện tụng trộm cướp trong các doanh trại cơ đội (Lê triều hội điển, tr. 113). Thời hạn khám xét kiện tụng trong Kinh được định rõ là 4 tháng đối với vụ việc lớn và 3 tháng đối với vụ việc nhỏ. Vào dịp cuối năm, trừ những vụ đã xử, còn các án tồn đọng hình quan có trách nhiệm rà soát, phân loại và ghi chú vào hồ sơ để khải lên chúa theo quy định của lệ loát tụng (Lê triều hội điển, tr.121; Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, tr.696).
 
Do vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng, việc giữ gìn trật tự trong Kinh thành không nằm ngoài mục đích đảm bảo an ninh chính trị, kỷ cương phép nước.
 
2.2. Quản lý dân cư
 
 Thế kỷ XV - XVIII Thăng Long là đô thị lớn nhất, tiêu biểu nhất, nơi tập trung một số lượng đông đảo mọi tầng lớp cư dân. Không có số liệu thống kê chính thức về dân số Thăng Long thời kỳ này. Tuy nhiên, theo ước đoán của các Giáo sĩ và thương nhân phương Tây đương thời thì “dân số của thành phố đông đúc này có thể lên đến một triệu người”, với “khoảng gần 20.000 nóc nhà”, vượt cả những thành phố lớn ở châu Âu “về sự hoạt động và dân cư”. Từ những cảm nhận, các du khách đều nhất trí cho rằng “Kẻ Chợ là thành phố đông dân nhất Việt Nam lúc bấy giờ, là một trong những thành phố có mật độ dân số cao ở châu Á và trên thế giới”[9].
 
Từ thực tế trên, quản lý dân chúng, đặc biệt là vấn đề nhập cư trở thành một yêu cầu bức thiết đối với các cấp chính quyền. Ngay từ cuối thế kỷ XV trước tình trạng dân cư từ khắp mọi miền tràn về Kinh làm ăn, sinh sống, quan Phủ doãn phủ Phụng Thiên đã ra lệnh đuổi hết dân trú ngụ trở về quê cũ. Biện pháp đó rõ ràng không tối ưu. Về việc này năm 1481, Phó đô Ngự sử Quách Đình Bảo đã dâng biểu lên triều đình đề nghị xét lại, ngoại trừ những kẻ tạp cư vô nghề nghiệp bị đuổi hết, còn những người có cửa hàng, cửa hiệu đã được biên vào ngạch thuế thì được phép ở lại cư trú, buôn bán như cũ[10].
 
Trong một đạo dụ ban hành năm Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Lê Thánh Tông ra lệnh: “Người quanh Kinh thành muốn nhập tịch ở Kinh thành nếu quả thật là người lương thiện thì cho phép. Nếu người quanh Kinh thành muốn nhập tịch vào các nơi khác thì đều không cho phép, nha môn nào tự ý cho bọn họ đổi sổ thì bị xử tội lưu (Hồng Đức thiện chính thư, tr.294-295). Như vậy, chính sách của Nhà nước là cho phép, tạo điều kiện để những người dân đến sinh sống, làm ăn hợp pháp tại Kinh đô.
 
 Tuy nhiên, Nhà nước cũng có những chính sách kiểm soát rất chặt chẽ đối với vấn đề nhập cư vào Thăng Long. Trước tình trạng quân chí nguyện (lính mộ từ các đạo) trong Kinh thành quá đông, có nhiều hành động gây mất trật tự trị an, năm 1740 chúa Trịnh đã lệnh cho các đơn vị này phải đóng ở ngoài, cấm không được vào thành ở lẫn với dân chúng. Năm 1777, chúa Trịnh ban chỉ truyền yêu cầu quan Đề lĩnh phải tăng cường kiểm soát, khám xét các khu, điện, những người không có nhiệm vụ hoặc hộ khẩu đều không được trú ngụ trong Kinh thành[11].
 
Với người nước ngoài, chính sách của Nhà nước còn khắt khe hơn. Nhiều lần, triều đình Lê - Trịnh ban lệnh “cấm người ngoại quốc không được ở lẫn với dân gian” trong Kinh thành. Năm 1687 chúa Trịnh ban chỉ chuẩn nhắc rõ lệnh này. Nội dung gồm 6 khoản sau:
 
1- Nghiêm cấm người ngoại quốc không được định cư trong Kinh kỳ. Quan Đề lĩnh có trách nhiệm thể sát, nếu có người ngoại quốc đến Kinh chúc mừng phải có người theo sát, làm việc theo nhật kỳ, không được vãng lai. Trái lệnh, quan chức phải xử tội còn người ngoại quốc bị trục xuất.
 
2- Người ngoại quốc trước khi vào Kinh đã được quan Trấn thủ cho trú tại dinh Cao Đào (Gia Lâm), nếu có việc gì sai đại diện đến điều trần, xong việc phải về dinh, không được ở lại trong Kinh.
 
3- Trưởng tàu các tàu ở Vạn Lai triều (Phố Hiến) nếu đến Kinh chúc mừng đã có quan Kiêm chi theo sát, hoặc quan Cai điều sai người đến điều trần, xong việc lại về Vạn Lai triều, không được ở lại Kinh.
 
4 - Người trên các tàu khi đến phải ở tại dinh quan Trấn thủ xứ Hải Dương, nếu có việc gì đã có quan cai điều sai người đến điều trần, việc xong lại về Hải Dương, không được ở lại.
 
5- Đò ngang, đò dọc và phu đò các xứ nếu chở trộm người nước ngoài sẽ tùy nặng nhẹ xử tội.
 
6- Những người ngoại quốc đã được lệnh dụ, chỉ truyền của Chúa hoặc đã có sổ cho được ở trong Kinh thì không phải thực hiện các lệnh cấm trên (Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, tr.643).
 
 Với chính sách quản lý chặt chẽ đó, có thể thấy số người nước ngoài được phép đến buôn bán và lưu trú tại Thăng Long không nhiều. Bên cạnh lý do đảm bảo an ninh là chủ yếu, chính sách đó rõ ràng có những hạn chế và phần nào biểu hiện tính cực đoan, chuyên chế của chính quyền Trung ương.
 
2.3. Quản lý các hoạt động kinh tế
 
Dưới thời Lê Sơ, hệ thống pháp luật Nhà nước về quản lý các hoạt động kinh tế ở Kinh thành Thăng Long hầu như chưa xuất hiện. Trong Quốc triều hình luật, duy chỉ thấy điều 82 quy định: ở trong Hoàng thành thì những thợ thủ công, người buôn bán không được phép mở cửa hàng, cửa hiệu; trái lệnh thì phải phạt 50 trượng, người Chủ thủ phải biếm một tư, người Chủ ty không biết thì bị phạt 10 quan, dung túng mà không cấm thì phạt 30 quan. Tuy nhiên, có thể thấy lệnh cấm trên chủ yếu là nhằm giữ gìn an ninh, trật tự cho Kinh thành, ít liên quan đến quản lý các hoạt động kinh tế.
 
Đến thế kỷ XVI-XVII, Thăng Long với những bước chuyển mình mạnh mẽ đã trở nên một đô thị công thương nghiệp thịnh đạt bậc nhất. Sự lớn mạnh của các làng nghề thủ công chuyên môn hoá, sự hình thành một thị trường vùng, liên vùng và với mức độ nào đó là sự kích thích của nền ngoại thương đã tạo nên bức tranh kinh tế Thăng Long với khung cảnh sôi động, náo nhiệt hơn bất cứ nơi đâu và bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Điều này tất yếu dẫn tới nhu cầu cần phải mở rộng, hoàn chỉnh hệ thống quản lý, trước hết là luật pháp.
 
Do tính đặc thù và tầm vóc của nó, Thăng Long - Kẻ Chợ đã vượt ra khuôn khổ quản lý của cấp chính quyền địa phương, chịu sự chi phối mạnh mẽ của Nhà nước phong kiến Trung ương. Tại đây, các phường nghề và mạng lưới chợ, ngoài sự phụ thuộc quyền cai quản của các cấp chính quyền sở tại (dù rằng mờ nhạt hơn so với vùng nông thôn) còn chịu sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước phong kiến.
 
Trước hết, chính quyền Nhà nước quản lý hoạt động trao đổi, buôn bán ở Thăng Long thông qua quy định về thể lệ lập chợ. Theo luật, “chợ là để lưu thông hàng hóa trong thiên hạ, phát triển việc giao dịch làm thỏa mãn mong muốn của con người”. Trên cơ sở đó, Nhà nước đặt ra phương thức họp chợ luân phiên chu kỳ, thực chất là nắm quyền điều hành cả hệ thống chợ. Tất cả những làng, xã hay thôn, phường không tuân theo phương thức đó đều bị trừng phạt thích đáng (Hồng Đức thiện chính thư, tr.492).
 
Để tăng cường khả năng kiểm soát, đảm bảo cho các hoạt động trao đổi, buôn bán diễn ra trong Kinh thành, năm 1740, Nhà nước đặt chức “quan phụ trách bình ổn giá chợ” để trông nom việc lưu hành tiền bạc[12]. “Mỗi chợ lại đặt ra một Thị trưởng” (hay Thị giám) xét kỹ bạc thật giả mà cho mua bán. Bởi thế giá bạc được công bằng, bọn phú thương không cầu lợi nhiều vào dân được”[13]. Pháp luật Nhà nước nghiêm cấm Thị trưởng, Thị giám và những người buôn bán làm sai quy định, Điều 576 Quốc triều hình luật có ghi: “Những người buôn bán hàng trong chợ, cùng người coi chợ (Thị giám) mà không làm theo đúng pháp luật thì đều phải xử tội biếm hay đồ”.
 
 Vì Thị giám là một chức quan trọng đối với việc buôn bán trong các chợ ở Kinh thành và do nhiều lợi lộc có thể đem lại từ chức ấy nên một số Thị giám thường hay lạm quyền, thậm chí một số người còn giả mạo để sách nhiễu thương nhân. Để ngăn cấm, luật nhà Lê quy định: “Giả xưng là Thị giám mừng lễ tết thì xử biếm 2 tư, bồi thường một phần, nêu ra công chúng giữa chợ 3 ngày; nếu là người quyền quý thì phạt tiền 30 quan, bắt tội người bị sai”[14].
 
Đối với những người làm nghề buôn bán trong Kinh thành, chính sách của chính quyền Trung ương nhìn chung là khuyến khích, tạo điều kiện và bảo vệ quyền lợi cho họ. Quốc triều hình luật quy định: Những người coi chợ trong Kinh thành sách nhiễu tiền lều chợ thì xử tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư, lấy thuế chợ quá nặng biếm hai tư, mất chức coi chợ, phải bồi thường lấy tiền trả cho dân; tiền phạt thưởng cho các người cáo giác theo như lệ. Nếu lấy thuế chợ không đúng luật thì xử tội đánh 80 trượng và dẫn đi rêu rao trong chợ ba ngày (điều 186). Trong lệnh dụ ban hành tháng 12 năm Đức Long 6 (1634) chúa Trịnh ra lệnh: “Các chợ trong khi mua bán giao dịch là để lưu thông hàng hóa, tiện dụng chi dùng. Từ nay về sau các nhà quyền quý và các nha môn phải chấm dứt việc sai người ra chợ ức hiếp tài vật, để được yên nhân tâm. Kẻ nào trái lệnh, cho Xá nhân xét hỏi, hoặc cho người biết chuyện bắt chính kẻ đó cùng tang vật đưa nộp, tra đúng sự thật xử trọng tội” (Quốc triều chiếu lệnh thiện chính). Năm 1647, khi ban lệnh cử hành thiện chính chúa Trịnh nhắc lại: “Kinh kỳ là nơi đô hội văn vật nên người ở các phố phường hoặc người buôn bán có hàng hóa đều dồn đến chợ Kinh, phải cấm các nha môn không được lấy tiền các chợ trong Kinh để dân được lạc nghiệp” (Quốc triều chiếu lệnh thiện chính)
 
Sách Lịch triều hiến chương loại chí cũng chép một sắc dụ khác về việc nghiêm cấm những sắc dịch làm bếp của nhà vua và đầu bếp của các nhà quyền quý không được ép lấy hoặc mua rẻ hàng hóa ở chợ. Những người vi phạm đều bị xử tội đồ. Nếu người coi chợ (Thị giám) a tòng thì tùy theo mức nặng nhẹ có thể bị xử trượng, biếm hoặc hơn[15].
 
Tuy nhiên, luật pháp Nhà nước cũng nghiêm cấm những hành động buôn bán gian lận của các thương nhân. Theo quy định năm Quang Thuận thứ 6 (1465) chép trong Thiên Nam dư hạ tập và điều 187 Quốc triều hình luật thì trong các chợ tại Kinh thành, những người mua bán không theo đúng cân, thước, thăng, đấu của Nhà nước mà làm riêng của mình để mua bán thì xử tội biếm hoặc đồ.
 
Quyền chi phối của chính quyền Nhà nước đối với các hoạt động trao đổi, buôn bán ở Thăng Long cũng được thể hiện trong các quy định về thuế. Thế kỷ XVII - XVIII đánh dấu những bước tiến lớn của triều đình Lê - Trịnh trong việc ban hành các luật lệ liên quan đến quản lý kinh tế nói chung, về thuế nói riêng. Theo thống kê, chỉ tính từ năm 1627 đến 1764 Nhà nước đã cho ban hành tất cả 15 lệnh dụ bổ sung, sửa đổi về biểu thuế. Ngoài thuế nông nghiệp, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đều có định mức nộp thuế, gọi chung là thuế chuyên lợi.
 
Tại Thăng Long, hai mặt hàng chủ yếu phải nộp thuế chuyên lợi là đồng và quế. Năm 1720, nhà nước ban hành quy định thuế chuyên lợi về đồng, theo đó: Trong Kinh ai muốn buôn bán đồng phải làm tờ khải tâu xin lên Chúa và nộp lễ cung tiến tùy theo số lượng hàng mua, nộp lệ là 3 nén bạc. Quan Giám đương theo chỉ chuẩn được quyền cấp bằng cho họ làm đồng hộ. Thuyền của đồng hộ đến các mỏ đồng mua bán, khi đi qua tuần ty phải nộp tiền khám, mỗi thuyền 6 quan tiền quý, rồi đến quan Cai trưng trình bằng. Đồng hộ mua bao nhiêu sẽ được quan Cai trưng cấp cho bài chỉ ghi rõ về số lượng giá tiền. Ngày trở về thuyền buôn đi qua tuần ty phải mang thẻ bài ra trình và nộp tiền khám xét mỗi thuyền là 10 quan, tuần ty khám xong cấp giấy cho đi. Khi về đến Kinh sư đồng hộ đem thẻ bài của quan Cai trưng và giấy khám của các tuần ty trình quan Giám đương, chiếu theo giấy khám nghiệm thực số, cứ 100 cân giá 15 quan tiền quý thì đóng thuế 3 phần 10 thì mới được phép đem hàng cất trữ. Đối với những thuyền buôn nước ngoài đến mua hàng tại Thăng Long, họ cũng phải làm tờ khải, nộp quan Giám đương đề đạt lên Chúa. Được chỉ chuẩn, lượng theo thời giá, họ phải nộp thuế quan theo mức 100 cân đồng giá 15 quan tiền quý nộp 3 phần 10 (tức 1 quan 5 tiền quý nộp 4 quan 36 đồng). Tuy nhiên, số lượng đồng họ đề đạt mua và được chỉ của Chúa còn phụ thuộc vào lượng đồng cất trữ của các đồng hộ. Tùy theo số đồng cất trữ, quan Giám đương quyết định lượng hàng cho bán ra. Khi thuyền buôn trở về nước quan Đề lĩnh có trách nhiệm cử người đưa đi hết địa phận trấn Sơn Nam, rồi luân lưu các trấn cho người đưa họ ra khỏi biên giới, để “đề phòng việc chở lậu” (Lê triều hội điển, tr.30-31).
 
Cùng năm 1720, Nhà nước ban hành thể lệ thuế chuyên lợi về quế. Người dân trong Kinh thành muốn đi bóc quế cũng phải làm tờ khải xin phép và cung tiến lễ mừng như đồng hộ. Quan Giám đương đợi chỉ cấp bằng cho làm quế hộ. Các quế hộ vào rừng lấy quế, trước hết phải đến trấn quan trình bằng và nộp lễ mừng 10 quan tiền quý. Xét bằng xong, quan trấn cấp giấy cho quế hộ ghi rõ địa phương quế hộ đến, số lượng quế được phép khai thác, rồi cử người đi trước báo cho xã dân ấy biết, sao cho bản giấy phép giữ làm bằng để tiện khám xét. Khi quế hộ vào rừng bóc quế, được bao nhiêu cân phải báo cho xã dân ghi chép làm bằng, đem về đựng vào sọt, mỗi sọt nặng 100 cân, chuyên chở đến quan bản trấn, cân lại đúng số, rồi cấp bài chỉ cho trở về. Khi về đến Kinh đô, quế hộ đem bài chỉ của trấn quan và giấy của tuần ty trình quan Giám đương chiếu sổ kiểm tra lại để bổ thuế. Mức thuế là cứ 100 cân định giá 100 quan tiền quý thì thu 5 phần 10. Quế hộ sau đó được đem hàng cất giữ. Những thuyền buôn ngoại quốc nếu muốn mua quế của các quế hộ trong Kinh thành cũng phải làm tờ khải nộp quan Giám đương đệ lên đợi chỉ. Khi được phê chuẩn, tính theo thời giá, thuyền buôn ngoại quốc phải nộp mức thuế 5 phần 10 cho 100 cân định giá 100 quan tiền quý (tức 1 quan tiền quý nộp 5 tiền). Khách buôn khi trở về, trấn quan có trách nhiệm sai binh lính đưa ra biên giới, mỗi lần được phép thu lộ phí 10 quan tiền quý (Lê triều hội điển, tr.31-32).
 
Đối với thuế chợ trong Kinh thành, có lẽ ngay khi được phép dựng hàng quán buôn bán những chủ hiệu ở đây phải đóng một khoản tiền đất mà theo đó năm 1724 nhà nước có quy định: “Các hạng thổ ở phố, mỗi năm mỗi thước phải nộp tiền là 10 đồng”[16]. Năm 1727, nhà nước định rõ thuế chợ. Theo lệ cũ, có 8 chợ trong nước phải nộp thuế, đến đây đều được bãi miễn. Duy có một số chợ trong Kinh thành được quyền giết và bán thịt trâu thì phải nộp thuế theo các biểu mức khác nhau. Đó là: chợ Cửa Đông lệ thuế 318 quan 8 tiền, 100 tấm da trâu, chuẩn định mỗi tấm 1 quan 5 tiền; chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang và chợ Bà Đá lệ thuế 310 quan 8 tiền, 100 tấm da trâu; chợ Văn Cử 19 quan 2 tiền quý; chợ Bác Cử mới lập chưa định lệ; chợ Ông Nước 46 quan 8 tiền (Lê triều hội điển, tr.36). Với thể lệ thuế bổ cho những chợ có bán thịt trâu, khoán tổng số mức thuế cho từng chợ, ngoài tiền còn thu bằng hiện vật (da trâu) cho phép đoán định đây là một loại thuế sát sinh và buôn bán thịt trâu chứ không phải biểu thuế đánh vào những người buôn bán ở chợ.
 
Sự quản lý của chính quyền phong kiến Trung ương đối với Kinh thành Thăng Long còn bao gồm những quy định liên quan đến hoạt động ngoại thương. Năm Canh Dần, niên hiệu Khánh Đức thứ 2 (1650), chúa Trịnh Tráng ban lệnh dụ quy định rõ việc các tầu buôn nước ngoài đến Kinh thành Thăng Long. Theo đó, các tầu Hoa Lang (Pháp), Ô Lan (Hà Lan), Nhật Bản và Phúc Kiến (Trung Quốc) tới buôn bán đều không được phép vào tận Thăng Long, mà trước hết phải đỗ ngoài cửa biển, cử người tới Kinh xin phép, trình bày rõ lý do. Sau đó, nếu được triều đình chấp thuận, tàu trưởng và các tàu viên sẽ đến trú ngụ tại hai địa điểm gần Kinh thành là: Thanh Trì và Khuyến Lương (hoặc trạm Yên Thường (Gia Lâm) đối với những đoàn khách đường bộ từ phương Bắc đến). Nhà nước sẽ chọn sai các quan chức đến cai quản và cử người làm phiên dịch để giao thiệp (Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, tr.580-81). Khi đến Kinh thành, họ phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của chính quyền: không được đi tới những nơi có lệnh cấm, ép buộc để mua các hàng hóa của nhân dân, lén lút trao đổi những loại hàng quý dành riêng cho vua chúa hoặc mua bán các hàng quốc cấm[17]...
 
Trong các năm 1687, 1696, chúa Trịnh tiếp tục ban hành nhiều lệnh dụ nhằm giám sát chặt chẽ người ngoại quốc đến trú ngụ, buôn bán tại Thăng Long. Theo lệnh dụ năm 1696 thì thương nhân từ các tàu buôn nước ngoài đến Kinh đô phải có người quen đưa dẫn, nếu tự tiện vào Kinh sẽ bị quan Đề lĩnh nã bắt và trừng phạt nặng[18].
 
Những chính sách trên của Nhà nước Trung ương nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động kinh tế diễn ra ở Kinh thành. Bên cạnh những tác động tích cực, rõ ràng sự kiểm soát đó, nhất là trên lĩnh vực ngoại thương đã tạo ra những hạn chế nhất định đối với quá trình đô thị hóa của Thăng Long thời trung đại.
 
2.4. Quản lý cơ sở hạ tầng
 
Trong hệ thống cơ sở hạ tầng của Thăng Long xưa, đường xá, cầu cống đóng vai trò quan trọng. Pháp luật Nhà nước có những điều khoản riêng quản lý lĩnh vực này. Quốc triều hình luật nêu rõ: “Các chủ ty thấy cung điện, cửa thành hư hỏng hay là đường xe vua đi, cầu cống đổ nát mà không tâu trình; khi có chiếu chỉ vua sai sửa chữa mà lại không sửa cho bền chắc, thì đều phải biếm một tư và bãi chức; để tổn hại đến xa giá thì xử nặng thêm hai bậc” (điều 85). “Những đường ngõ trong Kinh thành nguyên có ngòi rãnh cho nước chảy mà các quan chức và quân dân sở tại cậy thế chiếm đắp làm hồ ao của mình, để cho nước mưa không chảy thoát, lại tràn ra làm hại thì bị xử tội biếm hay đồ; nếu làm tổn hại những lúa má, hoa quả của quan, hay của dân thì phải bồi thường số thiệt hại” (điều 635).
 
 Đối với giao thông thủy, tháng 10 năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) chúa Trịnh ban chỉ truyền quy định việc chuyên chở ở những bên đò dọc sông Hồng qua đoạn Kinh thành Thăng Long. Theo chỉ truyền các bến đò dọc sông ở Kinh thành đều được Nhà nước tha bỏ tiền thuế. Quan Giám đốc có trách nhiệm sai phái lại viên đôn đốc các khu đò làm thuyền đó lớn hơn những nơi khác để chuyên chở người qua sông. Những đơn vị quân đội là các dinh, cơ, đội, thuyền nếu vì việc công mà chuyên chở vật gì, phải trình quan Đề lĩnh phái người đưa đến các bến đò thuyền để tính toán chuyên chở, không được dùng quyền bắt ép. Nếu bị ép chở hoặc không được trả tiền, phu đò có quyền khuyến cáo, khải lên Chúa để xử tội. Phí đò theo quy định là 1 văn tiền quý/1 người vào ngày nước cạn và 2 văn tiền quý/1 người vào mùa nước lớn. Nếu lạm thu phu đò sẽ bị quan giám đốc xử phạt. Quan giám đốc nếu không làm tròn chức trách cũng phải chịu tội tùy theo mức độ nặng nhẹ (Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, tr.566).
 
 2.5. Quản lý văn hóa - xã hội
 
Bên cạnh những lĩnh vực khác, quản lý các hoạt động văn hóa - xã hội trong Kinh thành cũng được Nhà nước hết sức lưu tâm. Giữ gìn phong tục, nếp sống; cấm cờ bạc, rượu chè, chơi bời quá mức... đều được định rõ trong luật pháp.
 
Kinh đô là trung tâm của đất nước, nơi biểu trưng cho uy quyền, vị thế và truyền thống quốc gia nên việc giữ gìn lễ nghi, phong tục được đặt lên hàng đầu. Cung vua, phủ chúa là những nơi tôn nghiêm: “vào cung điện cấm không được hát dâm thanh hòa dâm nhạc, nếu trái bị tội xuy đánh 50 roi và đốt hết nhạc cụ; người giữ cửa không biết đánh 60 trượng, người dung túng biếm một tư” (Quốc triều hình luật, điều 9), “trong cung điện mà đùa cợt ngạo mạn vô lễ thì bị xử tội biếm hay tội đồ” (điều 46). “Đám ma đưa đi qua bốn cửa Hoàng thành thì xử tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư” (điều 49). “Trước sau ngày hoàng đế lên ngôi 1 tháng cấm các nhà ở trong Kinh thành cử hành việc tang, người nào vi phạm thì phạt 50 roi, biếm một tư” (điều 40)...
 
 Về đồ dùng, trang phục có những quy định riêng phân biệt giữa quan lại và dân thường. “Các thứ vẽ màu sắc rồng, kỳ lân, phượng chỉ dành cho vua”, “các loại áo, mũ thanh cát chỉ dành riêng cho quan lại”, “quan, dân nhất thiết không được tiếm dùng màu tía”[19]. Đối với dân thường, lệnh chỉ năm 1665 quy định trang phục của nam là áo có thắt lưng và có quần, nữ áo không thắt lưng và không được mặc quần. Cấm y phục của nữ không được chế theo kiểu của nam. Ty xá nhân có trách nhiệm thể soát trong cung, các điện, sân Đan Trì và sân Phủ; Các nha môn Đề lĩnh, Phủ doãn có trách nhiệm thể soát phố phường trong Kinh thành và các doanh cơ. Nếu ai ăn mặc trái phép sẽ bị tịch thu quần áo, phạt 5 quan tiền quý để răn đe (Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, tr.628-629).
 
Lệnh cấm chơi cờ bạc và tụ tập uống rượu được ban hành ngay sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi. Theo lệnh cấm, nếu bị phát giác, kẻ đánh bạc bị chặt 5 ngón tay, đánh cờ bị chặt 1 ngón tay, vô cớ tụ họp uống rượu xử phạt 100 trượng[20]. Đến năm 1649, chúa Trịnh ban chỉ truyền nhắc lại lệnh cấm đánh bạc và quy định khung hình phạt mới cho tội danh này. Theo đó, kẻ đánh bạc nếu là quan viên thì bị phạt 200 quan tiền quý, nếu là dân thường thị bị phạt 100 quan tiền quý, đánh 100 trượng, đồng thời thu hồi toàn bộ tang vật (tiền bạc đang chơi) (Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, tr.580). Tuy nhiên, không vì lệnh cấm mà tình trạng chơi cờ bạc trong Kinh thành giảm đi. Trước thực tế ấy, năm 1698, chúa Trịnh ban lệnh tăng mức hình phạt đối với tội đánh bạc, và chủ yếu nhằm vào đối tượng quan lại. Theo quy định mới, các đại thần ở hàng Tam thái, Tam thiếu, Tả hữu đô đốc, Thượng thư, Đô đài Ngự sử ai chứa gá phải phạt 500 quan tiền, ai đánh bạc phải phạt 300 quan; các quan viên khác cứ theo thứ tự phẩm trật mà giảm dần số tiền phạt; các hạng quân dân ai chứa gá phải phạt 30 quan; đánh bạc phải phạt 20 quan[21].
 
Với tội “tụ tập chọi gà”, lệnh dụ năm 1662 quy định: “Quan binh các cơ, doanh, đội thuyền trong ngoài Kinh và nơi phố phường đều không được tụ tập chọi gà, đam mê chơi bời bỏ bê chức nghiệp. Kẻ nào trái lệnh cho Đề lĩnh, Phủ doãn hoặc người thấy biết, bắt quả tang giải nộp để xử tội” (Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, tr.613).
 
Bên cạnh các lệnh cấm, luật pháp Nhà nước cũng có những quy định về tương trợ xã hội. Điều 294 Quốc triều hình luật quy định: Trong Kinh thành hay phường, ngõ nếu có người đau ốm không ai phụng dưỡng, sống lang thang ngoài đường sá, cầu, điếm, chùa, quán, thì quan phường xã đó phải có trách nhiệm dựng lều quán để nuôi dưỡng, chăm sóc, thuốc thang. Khi có người không may bị chết thì phải trình quan trên, tùy điều kiện mà chôn cất, không được bỏ mặc. Nếu trái lệnh quan phường xã bị tội biếm hay bãi chức.
 
 Có thể thấy, quản lý các hoạt động văn hóa, xã hội trong Kinh thành là một nội dung quan trọng trong hệ thống luật pháp Việt Nam thế kỷ XV - XVIII. Bất chấp mọi biến động của đời sống xã hội, các triều đại Lê Sơ, Mạc và Lê - Trịnh vẫn luôn duy trì và đề cao những giá trị truyền thống, chuẩn mực đạo đức, trật tự xã hội trong khuôn khổ đạo Nho.
 
3. Một số nhận xét
 
Với tiền đề được tạo dựng từ hàng ngàn năm trước, đến thế kỷ XI Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của nước Đại Việt tự chủ. Suốt thời trung đại, Thăng Long cũng là thành thị lớn nhất, tiêu biểu nhất và gần như là duy nhất của Việt Nam. Hệ thống luật pháp Nhà nước về quản lý đô thị trước hết và chủ yếu là dành riêng cho Thăng Long.
 
Sự tập trung một số lượng không nhỏ những quy định trong hệ thống luật pháp về Kinh đô Thăng Long phản ánh tầm vóc, vị thế và vai trò đặc biệt của nó; mặt khác cũng cho thấy sự cần thiết và tính chất phức tạp trong hoạt động quản lý đô thị này. Do đặc thù, Kinh đô là nơi song hành tồn tại của cả hai hệ thống chính quyền Trung ương và địa phương. Bên cạnh những thiết chế quản lý riêng, Thăng Long chịu sự kiểm soát, chi phối mạnh mẽ của chính quyền Nhà nước. Rõ ràng, đã có một hệ thống luật pháp quản lý mọi mặt đời sống nơi đây.
 
 Phân tích nội dung các điều luật, lệnh, đặc biệt được ban hành dưới thời Lê Sơ thế kỷ XV cho thấy hệ thống luật pháp về Kinh đô Thăng Long chủ yếu nhằm đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự kỷ cương xã hội. Điều này phản ánh rõ Thăng Long trước hết là trung tâm hành chính - chính trị quan trọng của đất nước. Sang thế kỷ XVI - XVIII, trước những biến động to lớn của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước và của Thăng Long, hoạt động quản lý ở Kinh đô ngày càng được mở rộng. Bên cạnh ưu tiên hàng đầu cho vấn đề trị an, các lĩnh vực quản lý về dân cư, kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội cũng được chính quyền Trung ương hết sức chú trọng. Sự phát triển và hoàn thiện đó của hệ thống luật pháp là tất yếu nhằm đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn xã hội.
 
Bên cạnh những tác dụng tích cực là điều không thể phủ nhận, chính sách quản lý của Nhà nước Trung ương đối với Kinh đô Thăng Long cũng có những hạn chế nhất định, vô hình chung đã tạo ra những rào cản, kìm hãm sự phát triển của đô thị này. Người ta đã thấy một Thăng Long với nhiều dáng vẻ mới trong các thế kỷ XVII - XVIII, nhưng do thiếu một sức bật quyết định, lại vì chính sách quản lý chặt chẽ đến mức khắt khe của mô hình quân chủ Nho giáo đã khiến Thăng Long không có điều kiện chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ. Sự tiến triển của đời sống xã hội đòi hỏi sự hoàn thiện của mô hình quản lý, và tất nhiên, khi không theo kịp nó sẽ bị thay thế.
 
Sự nghiệp phát triển toàn diện đất nước và Thủ đô đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Với lịch sử nghìn năm tuổi Thăng Long - Hà Nội đã để lại biết bao bài học quý báu trên nền tảng truyền thống, hội nhập, xu thế thời đại chính là động lực và sức mạnh để xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark