04/12/2012 | 08:44:00

Hình ảnh Hồ Gươm trong lòng người Hà Nội

Nếu kể đến những di tích lịch sử và văn hóa nổi bật làm nên một Thăng Long ngàn năm văn hiến, Hồ Gươm chính là một “di tích ngàn năm” trên đất kinh kỳ, một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Thủ đô…

Từ cửa ngõ phía Nam, chạy theo phố Huế, đến hết Hàng Bài là bắt đầu vào “địa phận” của Hồ Gươm. Con đường Đinh Tiên Hoàng như một cánh cung ôm gọn cả một mặt phía Tây Bắc Hồ, bắt đầu là Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza. Những hàng liễu lơ thơ, e ấp như những cô gái thướt tha đứng cạnh Bờ Hồ, tô điểm cho mặt hồ xanh ngắt. Mà cũng thật kỳ lạ, Hồ Gươm hợp lắm, rất hợp với dáng liễu rủ ven hồ, mà xinh hơn nữa phải có cô gái mặc áo dài với chiếc nón lá làng Chuông cầm tay đung đưa, lúng liếng…


Hồ Gươm nhỏ nhắn như mắt cô gái đẹp chỉ khẽ chớp hàng mi liễu là đã thu hút được bao nhiêu tâm hồn… Đã có bao nhiêu bài thơ được sáng tác bên những chiếc ghế đá ven hồ, rất nhiều bài hát về Hà Nội có gắn với hình ảnh Hồ Gươm. Có mấy họa sĩ Hà Nội mà không một lần vẽ cảnh Hồ Gươm, có bao người chụp ảnh, hay khách du lịch không có cho mình ít nhất vài tấm hình liễu rủ Hồ Gươm?...

Hà Nội có nhiều thay đổi, nhưng Hồ Gươm bao đời vẫn thế. Nó đã chứng kiến sự lớn lên, ra đi của bao số phận con người, nó gắn bó với người Hà Nội như những người bạn tri giao. Với ông Hoàng Đình Hải, một người đã gắn bó cả đời với phố cổ, thì Hồ Gươm chính là một người bạn và luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim ông: “Tôi là người sống từ bé ở Hà Nội. Gia đình tôi nhiều đời sống trong khu phố cổ, nên Bờ Hồ gắn bó với tôi rất nhiều kỷ niệm. Hồi còn trẻ chưa lập gia đình, bạn bè đi chơi với nhau ở Bờ Hồ, những ngày lễ, những ngày trung thu, bạn bè ngồi với nhau bên Hồ cùng ngắm trăng rất vui vẻ. Sau này lớn lên, Bờ Hồ lại chứng kiến những tình cảm, kỷ niệm của thời thanh niên, tình cảm giữa nam nữ. Cho nên mỗi khi ngồi ở Bờ Hồ là tôi lại nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa…”

Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm của cả nước, và khu vực Hồ Gươm lại là trung tâm của Hà Nội, nên nhiều người Hà Nội luôn tìm đến đó để được tận hưởng cái cảm giác thanh bình, tĩnh tại. Không ồn ào, náo nhiệt, không vội vã, xoay vần, Hà Nội – Hồ Gươm như trái ngược hẳn với định nghĩa của người ta về một trung tâm hành chính, văn hóa… Từ những chị bán hàng rong tới anh trí thức, từ những đứa trẻ vẫn còn chập chững, đến những cụ già cổ lai hy đều chọn Hồ Gươm làm nơi dừng lại nghỉ ngơi, vui chơi, hóng mát…

Chẳng có gì đặc sắc, từ những công trình kiến trúc gắn liền với nó như Tháp Rùa nhỏ bé giữa hồ, hay phần còn lại của chùa Quan Thượng trên đường Đinh Tiên Hoàng mà ngày nay người ta gọi là tháp “Hòa Phong”. Ngay cả những di tích gắn liền với Hồ Gươm và nổi tiếng như Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, tháp Bút cũng vậy. Ấy thế nhưng, cùng với lịch sử của Thăng Long, Hồ Gươm đã vẫn, và sẽ mãi là một biểu tượng trong lòng người Hà Nội.

Hồ Gươm chính là một nhân chứng lịch sử, chứng kiến sự thăng trầm của dân tộc Việt Nam. Nói đến Hồ Gươm, người ta nghĩ ngay đến truyền thuyết vua Lê trả gươm báu cho thần Kim Quy… Là nơi đổ về của thợ thủ công khắp nơi trong cả nước để tạo thành một Hà Nội tràn trề văn hóa, một Hà Nội với 36 phố phường mang tình làng, tình nước…

Khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, đã lấy Hồ Gươm làm trung tâm đô thị để từ đó hình thành, phát triển rộng ra. Phía Bắc là khu phố cổ với các phố buôn bán đồ thủ công cũng như các phố nghề, cửa ngõ phía Nam để làm nơi giao thương với dân các vùng miền về đây buôn bán, phía Tây rất được người Pháp ưa chuộng để xây dựng nhưng khu biệt thự dành cho quan chức ở, bằng chứng là giờ còn rất nhiều biệt thự cổ ở khu vực này,…

Chẳng thế mà, Nguyễn Đình Thi đã có bài hát nói rằng đây chính là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đã có lúc cảnh quan Hồ Gươm bị xâm phạm nặng nề. Có những kiến trúc nguy nga, vĩ đại từ được xây dựng từ thời Vua Lê, Chúa Trịnh đã bị thực dân Pháp phá đi để xây dựng những công trình mới phục vụ cho đô thị của chế độ thực dân. Rồi đến những công trình thô kệch của thời hiện đại đã làm mất đi phần nào dáng vẻ yêu kiều của Hồ Gươm… Đến giờ, tuy rằng có những cái cũ đã mất đi thay bằng những cái mới theo cái nhìn, yêu cầu của cuộc sống hiện tại, nhưng vùng không gian văn hóa Hồ Gươm vẫn còn đó, và sẽ vẫn là trung tâm của Ngàn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội.

Và Hồ Gươm luôn luôn chứng minh chân giá trị, chẳng ai có thể phủ nhận giá trị vĩnh viễn trong lòng người Hà Nội, người Việt Nam…/.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark