08/07/2010 | 10:16:00

Hòa tấu gốm Bát Tràng giữa lòng Thủ đô ngàn năm

Gốm Trần Độ trưng bày tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Ảnh: Nguyễn Anh/Vietnam+)

Tối ngày 7/7/2010, tại Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm “Gốm Trần Độ-Hồi cố và thể nghiệm.”

Đồng thời với triển lãm là sự ra mắt của cuốn sách “Gốm Trần Độ-Hồi cố và thể nghiệm.” Đây là công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long từ gia đình một nghệ nhân lừng danh của Thủ đô Hà Nội.

Nghệ nhân Trần Độ sinh năm 1957 và là thế hệ thứ 18 của dòng họ Trần làm gốm ở Bát Tràng. Ngay từ năm 10 tuổi, ông đã là người có tay nghề đặc biệt và duyên nghiệp với đất. Đến nay, sau hơn 40 năm Trần Độ là tác giả của hàng trăm món quà tặng ngoại giao bằng gốm quý giá.

Trong số này có thể kể đến sản phẩm nổi bật như chiếc bình rượu cổ triều Mạc mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004. Một năm sau đó, ông là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Những món đồ gốm được “thổi hồn” này cũng đã được đưa sang Hoa Kỳ, Canada làm quà ngoại giao.

Khi trả lời câu hỏi về bí quyết men gốm đặc trưng, nghệ nhân Trần Độ nói: “Men không ở đâu xa, men ở ngay dưới chân mình. Ở dưới mỗi con đường tôi đi. Tôi sẽ truyền lại cho con cháu và cho người thực sự có tâm với nghề gốm.”

Nghệ nhân giải thích: “Gốm được chia thành hai loại gốm đồ dùng và gốm đồ để. Ban đầu, tôi đã làm đồ dùng sau chuyển sang làm đồ để. Đồ để được bày ở mỗi gia đình, ở những nơi trang trọng.” Đó là quà tặng của mọi người, của các tổ chức, của các quốc gia.

Nghệ nhân Trần Độ đã tái phục chế hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê. Hơn 50 hiện vật ông phục chế đều đã cung tiến cho Ban Quản lý di tích đền Hùng (Phú Thọ), Đền Đô (Bắc Ninh), Đền Cổ Loa, Khu Di tích vua Lê, và Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu (Hà Nội).

Triển lãm “Gốm Trần Độ-Hồi cố và thể nghiệm” như một bản hòa tấu bằng kiểu dáng, sắc màu của gốm Bát Tràng ngân vang hướng về Đại lễ./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark