16/03/2010 | 16:59:22

Hoài niệm về Hà Nội của lão nghệ sĩ đường phố

Những sinh viên trẻ bên cạnh lão nghệ sĩ Tạ Trí Hải tại Công viên 30/4.

Giữa ồn ào, náo nhiệt của phố thị Sài Gòn, nơi góc nhỏ của Công viên 30/4 (bên hông Nhà thờ Đức Bà, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), vẫn ngày ngày vang lên tiếng đàn violon, mandolin của lão nghệ sỹ du ca Tạ Trí Hải - cái tên đã trở nên quá quen thuộc đối với người Sài Gòn.

Và cũng có thể họ chưa biết đằng sau những cung bậc ngọt ngào đó không chỉ tạo nên từ tài hoa của người nghệ sỹ mà còn có cả những tình yêu của chàng trai Hà Nội năm xưa.

Chơi những bản nhạc về Hà Nội vì yêu Hà Nội

Như thường lệ, cứ vào mỗi buổi sáng, ông Tạ Trí Hải, sinh năm 1940, là dân Hà Nội chính gốc thầm lặng bước trên con đường quen thuộc từ nhà đến Công viên 30/4 để chơi đàn.

Suốt 6 năm qua, tiếng đàn của ông cất lên giữa dòng đời xuôi ngược, những âm thanh trong trẻo, ngọt ngào từ cây đàn violon và mandolin đã làm nhiều người phải “vương mang”, buông bỏ nhịp sống hối hả để tĩnh lặng, để trầm mặc và để suy tưởng.

Tôi đến công viên nghe ông chơi đàn vào một ngày cuối tuần đầu tháng Ba, những bản nhạc đầu tiên để bắt đầu cho “chương trình biểu diễn” của ông luôn là những bài hát về Hà Nội.

Tiếng mandolin réo rắt “Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô, đường lộng gió thênh thang 5 cửa ô...” bay vút lên không trung, rồi lắng đọng trong trái tim của những thính giả xung quanh là các em sinh viên, các bác xe ôm, cả những ông bà khách Tây.

Hỏi vì sao ông luôn chơi những bài Hà Nội, ông cho biết cụ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thời niên thiếu cụ sống ở phố Nam Ngư, quận Hoàn Kiếm. Đến năm 1977 cụ mới vào Sài Gòn.

"Hà Nội đã mang cả một thời trai trẻ, nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng của lớp thanh niên chúng tôi ngày ấy. Hà Nôi gieo vào trong tôi những kí ức tuyệt vời không bao giờ quên. Tôi chơi những bài hát về Hà Nội vì đơn giản tôi yêu Hà Nội." - cụ Hải nói.
 
 Đã có lần, mấy cháu hỏi tôi: Ông ơi, ông sống ở Sài Gòn lâu như thế mà ông không bị “lai” người Sài Gòn à? Tôi cười và nói: Ông bị “lai” thế nào được, ông nghĩ các cháu nói chuyện với ông nhiều sẽ bị “lai” cái chất người Hà Nội từ ông đấy!”.
 
 Từ cái ngày ông ôm cây đàn ra Công viên 30/4 này, đến nay tài sản lớn nhất của ông là Câu lạc bộ “Ngàn sao.” Hội viên của câu lạc bộ này đếm không xuể, hầu hết là các em sinh viên. Các em đến với ông, quây bên ông nghe ông đàn và có em còn đem đàn ra để “họa” cùng với ông.

Em Trịnh Hoàng Nam, sinh viên trường đại học Bách Khoa tâm sự: “Ông không bao giờ cô đơn, dù ông không có gia đình tại Sài Gòn, vì còn có bọn em bên cạnh ông. Xin cảm ơn ông đã đem đến nhưng âm thanh ngọt ngào làm cuộc đời thêm tươi đẹp.”

Ký ức

Những kí ức, hoài niệm về Hà Nội được ông Tạ Trí Hải “gói ghém” kĩ lưỡng, tận sâu thẳm trong lòng. Ông sống lặng lẽ, một mình trong một căn phòng nhỏ của nhà biệt thự cũ kĩ thời Pháp tọa lạc ở góc đường Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế.

Rồi những người Sài Gòn hâm mộ ông, đến với ông cốt chỉ muốn nghe ông chơi nhạc và họ cũng yêu quý ông với khuôn mặt nhân từ, râu tóc bạc phơ. Nhưng ít ai hỏi ông về những năm tháng chan chứa bao kí ức về Hà Nội.

Cái cách mà ông nhắc đến Hà Nội như là một sự quay về quá khứ, ông không còn là một ông lão 70 tuổi mà có lẽ qua giọng nói toát ra sự tự hào, nỗi nhớ Hà Nội. Ông Hải nói: “Trước năm 1954, tôi còn nhớ là Hà Nội đẹp lắm. Thưở ấy, bọn trẻ con chúng tôi đi chơi thể thao, chọi dế, tắm sông Hồng tại bãi Phúc Tân. Nơi ấy như là một sân chơi của thiếu nhi Hà Nội lúc đó.”

Ông kể tiếp về lần được gặp Bác Hồ, được nắm tay Bác với sự phấn khích khó tả, đôi mắt ánh lên niềm vui như thể câu chuyện chỉ mới vừa xảy ra hôm qua.

Ông kể lại: “Nhớ năm đầu năm 1955, tôi là học sinh lớp đệ ngũ của trường Nguyễn Trãi. Ngay giờ học, bỗng tiếng trống trường vang lên. Học sinh ùa ra tập trung ở sân trường. Hàng ngũ của lớp được các thầy, cô nhanh chóng ổn định, sắp xếp thẳng tắp. Rồi sau đó, chúng tôi nhao lên, reo hò khi nghe tin Bác Hồ sắp đến thăm. Tôi nhớ mãi câu mà Bác nói: Chắc các cháu rất thắc mắc tại sao Bác đến thăm mà không báo trước. Các cháu thông cảm, Thủ đô mới giải phóng, tình hình chưa ổn định cho nên Bác mới phải đi như vậy”.

Ông Vương Trí Hải lại tự hào kể về mình là 1 trong nhiều người được tham gia dàn nhạc biểu diễn bài "Kết Đoàn" và Bác Hồ trực tiếp chỉ huy dàn nhạc này vào năm 1960 để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 3.

Kết thúc câu chuyện kí ức, ông trầm giọng: “Năm 1963, tôi vào bộ đội, công tác tại Sư đoàn 338 có nhiệm vụ bảo vệ Thủ Đô. Thời ấy, thanh niên trai trẻ chúng tôi sục sôi ý chí, cắt máu viết huyết thư xin đi chiến đấu giành lại độc lập cho đất nước. Là những người lính cụ Hồ, chúng tôi đã chiến đấu và hy sinh để đất nước được hưởng hòa bình, độc lập.”

Lão nghệ sỹ du ca đường phố Vương Trí Hải vẫn thầm lặng mỗi ngày với tình yêu Hà Nội được thể hiện qua những cung bậc âm thanh. Và như một người lính cụ Hồ khi đất nước im tiếng súng, ông trở về với cây đàn để tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark