05/03/2010 | 16:28:00

Hoàng Diệu - Biểu tượng bất tử của khí phách Hà Nội

Tượng Tổng đốc Hoàng Diệu. (Ảnh: Internet)

Hoàng Diệu, tự là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai, xuất thân trong một gia đình nho học ở xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm 1828.

Không sinh ra tại Hà Nội nhưng chết vì Hà Nội, Hoàng Diệu được coi là một biểu tượng của khí phách Thăng Long-Hà Nội.

Hoàng Diệu là người thông minh, chăm chỉ, học giỏi nên sớm thành đạt. Năm 20 tuổi, ông đỗ Cử nhân (1848), năm 25 tuổi đỗ Phó bảng (1853), ra làm quan được bổ làm Tri phủ Tuy Phước rồi Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định).

Năm 1864, khi nhậm chức Tri phủ Hương Trà (Thừa Thiên), do có nhầm lẫn trong tra xét vụ Hồng Tập, ông bị cách chức, nhưng ít lâu sau Đặng Huy Trứ dâng sớ giải oan cho ông, nhấn mạnh vai trò của hiền tài đối với đất nước.

Ông được đánh giá “là người cương trực, mẫn cán, từng kinh qua địa phương hoặc kinh qua phủ huyện, cai trị không nhiễu dân. Tuy mắc lỗi lầm chưa được khôi phục, nhưng khi ở địa phương hay phủ huyện đều được chúng dân tin yêu, khi ra đi được mọi người tưởng nhớ…” (Sớ dâng vua ngày 1 tháng 8 năm Giáp Tý-1864).

Ngay sau đó, Hoàng Diệu được điều về làm Tri phủ Đa Phúc (Phúc Yên) rồi thăng Án sát tỉnh Nam Định, Bố chánh tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1873, ông được thăng chức Tham tri bộ Hình, rồi Tham tri bộ Lại kiêm Đô sát viện, sung Cơ mật đại thần.

Năm 1878, ông được bổ làm Tổng đốc An Tĩnh, được cử làm Phó toàn quyền của Việt Nam đàm phán với Tây Ban Nha về hoạt động thương mại của Tây Ban Nha ở Việt Nam.

Năm 1879, ông lại được thăng Thượng thư bộ Binh.

Năm 1880, những năm tháng đen tối của đất nước do sự xâm lăng của thực dân Pháp, ông được bổ làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình).

Hoàng Diệu đến Hà Nội khi lãnh thổ toàn vẹn của Việt Nam đã bị triều đình bạc nhược nhà Nguyễn cắt bớt cho thực dân Pháp, cắt dần đến những mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc. Hà Nội đón rước ông như vị cứu tinh mà triều đình gửi tới.

Qua 10 năm làm quan tại các tỉnh huyện chung quanh Hà Nội như Phúc Yên, Bắc Giang, Nam Định, Bắc Ninh, tên tuổi, tài năng, đức độ của Hoàng Diệu đã được nhiều người biết tới.

Nhân dân Hà Nội kính trọng Hoàng Diệu, cũng như trước đây đã quý trọng Nguyễn Tri Phương, vị Tổng đốc Hà Nội đã cùng nhân dân chiến đấu oanh liệt chống lại sự tấn công lần thứ nhất của thực dân Pháp vào Hà Nội.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc đối với Hoàng Diệu lúc đó, cũng như đối với Nguyễn Tri Phương khi trước, triều đình đã giội gáo nước lạnh vào nhiệt tình chiến đấu của nhân dân Hà Nội và người cầm đầu đầy tâm huyết của họ.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Hà Nội đã diễn ra trong hoàn cảnh không thuận lợi, trước hết là do thái độ bạc nhược và chủ hòa của triều đình Huế.

Sáng sớm ngày 20/11/1873, bọn xâm lược Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội. Quân dân ta tuy đông nhưng vì phải chờ lệnh triều đình nên đối phó bị động. Tuy vậy, khi súng đã nổ thì quân dân ta chiến đấu rất anh dũng.

Suốt 6 tiếng đồng hồ, địch không tiến lên được và bị tiêu diệt rất nhiều. Các dũng sĩ của ta đã hy sinh đến người cuối cùng ở cửa Ô Quan Chưởng. Nguyễn Tri Phương đã hăng hái lên cửa thành phía Nam trực tiếp chỉ huy chiến đấu.

Súng của ta không thể sánh được với hỏa lực của địch. Giặc tràn vào, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt trên mặt thành.

Nguyễn Tri Phương bị thương nặng ở bụng. Con của Nguyễn Tri Phương là Đô úy Nguyễn Lâm cùng với Hiệp quản Trần Văn Cát và Suất đội Ngô Triều không chùn bước, xông lên rồi hy sinh tại trận.

Khi giặc vào thành, Nguyễn Tri Phương không chịu để cho giặc băng bó. Ông tuyệt thực để cùng chết với thành, nêu trước nhân dân tấm gương yêu nước và bất khuất.

Sau cái chết của ông, ngọn lửa kháng chiến của nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục bùng cháy dưới sự chỉ huy của các sĩ phu, văn thân yêu nước. Phùng Tế Nghĩa tế cờ ra quân ở Cổ Nhuế. Trai làng Chèm theo Tôn Thất Thuyết đánh tàu chiến Pháp trên sông Hồng. Hai cánh quân lớn của ta kéo về áp sát và uy hiếp Hà Nội.

Tên Garnier chỉ huy quân đội xâm lược sa vào trận địa phục kích của quân ta, đã đền tội tại Cầu Giấy ngày 21/12/1873. Chiến công Cầu Giấy làm nức lòng Hà Nội, cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân.

Chín năm sau, năm 1882, giặc Pháp quay trở lại tấn công Hà Nội lần thứ hai. Một lần nữa, chúng lại đụng phải tinh thần kháng chiến của nhân dân, đứng đầu là Tổng đốc Hoàng Diệu.

Ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội, Hoàng Diệu đã cho thao dượt quân sĩ tổ chức phòng thủ chặt chẽ, xây dựng công sự chiến đấu, đưa ra kế hoạch bảo vệ Hà Nội và vùng trung châu, đồng thời xin triều đình tăng viện, nhưng triều đình đã làm ngơ.

Ông ra lệnh cho người ngoại quốc muốn vào thành Hà Nội phải xin phép chính quyền Việt Nam. Ông rất ghét những người liên lạc với Pháp và ỷ thế người Pháp. Có lần ông đã cho bắt và đánh đòn một viên thông ngôn xấc xược.

Nhân dân Hà Nội nhiệt liệt đồng tình và hưởng ứng thái độ của Hoàng Diệu. Lệnh bất hợp tác với địch đã được nghiêm chỉnh thi hành.

Chính giặc Pháp phải thừa nhận rằng không một giáo dân hay thường dân nào dám lui tới nơi chúng đóng quân. Quân giặc lâm vào tình thế ngày càng nguy khốn. Các giếng nước uống thường bị bỏ thuốc độc. Ban đêm, kho thuốc súng của chúng trên bờ sông nhiều lần bị đốt cháy.

Sau khi được tăng viện quân số và vũ khí từ Sài Gòn và Hải Phòng, quân Pháp liền mở cuộc tấn công vào thành Hà Nội. Tiếng súng của kẻ thù vừa vang nổ, Hoàng Diệu đã hăng hái dẫn đầu tướng sĩ lên thành chiến đấu.

Một hiệp quản bắn chết sĩ quan Pháp, đã được Tổng đốc Hoàng Diệu thưởng tại trận 30 lạng bạc để cổ vũ tinh thần quyết chiến trong quan quân.

Tinh thần yêu nước chống giặc xâm lược của nhân dân Hà Nội lúc này lại có dịp bùng cháy. Ngay từ giờ phút đầu tiên, đông đảo nhân dân Hà Nội đã nô nức từng đoàn mang theo khí giới đến cửa thành xung phong giết giặc.

Các nhà dân và đình chùa đều đánh trống, gõ mõ, khua chiêng vang dội để khoa trương thanh thế áp đảo địch và hỗ trợ cho tinh thần của quan quân trong thành.

Cùng lúc đó, hàng nghìn dân quân vũ trang giáo mác, gậy gộc do cử nhân võ Nguyễn Đồng, người làng Bích Câu (nay là phố Bích Câu-Đống Đa) đốc quân kéo nhau đến tập hợp trước đình Quảng Văn (vườn hoa Cửa Nam bây giờ) rồi thẳng tiến vào thành tham gia chiến đấu.

Thật đáng tiếc vì quan quân chưa vào được đến nơi thì kho thuốc súng trong thành đã bốc cháy. Quan quân trong thành bắt đầu tan rã. Quân địch được thế, vượt hào, dùng thang tre vào thành.

Ở góc Tây Bắc, viên quản đội Hùng Nhuệ bị đạn chết. Chỉ còn thủy sự lãnh binh Nguyễn Đình Đường chống cự đến phút cuối cùng ở Cửa Nam.

Tổng đốc Hoàng Diệu khi thấy quân giặc tràn vào, biết không thể cứu vãn, ông quay về dinh, lấy máu viết lời di biểu gửi triều đình. Sau đó ông thắt cổ tự vẫn trong vườn Võ Miếu, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân.

Di biểu của Hoàng Diệu là để gửi về triều đình, nhưng nhân dân còn coi đó là những điều tâm huyết mà ông nhắn nhủ cho nhân dân yêu quý của mình. Hoàng Diệu mất đi, nhưng tâm huyết của ông vẫn còn đó.

Qua di biểu, từ âm mưu đen tối và hành động điên cuồng càn rỡ của giặc Pháp xâm lược, đến thái độ bạc nhược vô trách nhiệm của triều đình Huế và bộ mặt đê hèn của lũ quan lại ham sống sợ chết; từ tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm đến những tấm gương hy sinh oanh liệt của quân dân ta; tất cả đều được phản ánh rất chân thật, mộc mạc và đầy cảm xúc.

Hoàng Diệu bộc bạch rằng: “Tôi từ khi vâng mệnh ra đây, đã được 3 năm, thường huấn luyện quân sĩ sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chặn loài lang sói nữa. Ngờ đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng.

Ngày tháng 2 năm nay bỗng thấy Tàu Tây tụ tập, dồn quân thêm nhiều. Quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao.

Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nên một khi mà sụp đổ, thì các tỉnh khác cũng tan rã theo. Vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kịp tư cho các hạt lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó.”

Tình hình nghiêm trọng nhưng triều đình lại làm ngơ. Vậy nên, theo ông, phải vạch rõ trách nhiệm của triều đình trong việc để mất thành: “Không ngờ mấy lần có chiếu xuống, hoặc trách tôi nắm binh quyền mà lòe nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý không được thích nghi. Cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lui.”

Ông cho rằng bởi thế mới có tình trạng: “Chúng nó sung sức mà quân ta tuột hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đường cùng, quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt. Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì.”

Và bi kịch đời ông đã xảy ra. Ông viết lời đau xót từ đáy lòng: “Nơi trung thổ trở nên đất địch, sống thẹn cùng nhân sĩ Bắc Hà. Lòng cô trung thề với thành Long, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất.”

Hoàng Diệu mất đi, nhưng ngay sau đó nhân dân ta noi gương ông vẫn tiếp tục chiến đấu kiên cường chống quân xâm lược.

Quân Pháp vào Hà Nội. Chúng đóng quân trong thành phố, nhưng hai cánh quân của Hoàng Tá Viêm và Trương Quang Đảng vẫn bao vây vòng ngoài. Nhân dân không hợp tác với địch, không bán lương thực cho chúng. Khắp nơi thành lập các đội dân quân đánh địch.

Quân ta pháo kích từ Gia Lâm sang Đồn Thủy, đột kích căn cứ nhà thờ Hàm Long. Xung quanh Hà Nội dán những tờ cáo thị thách thức tướng giặc, lúc này là Rivière, đưa quân ra đánh.

Sáng sớm ngày 19/5/1882, Rivière bí mật mở cuộc tấn công, toan đánh úp quân ta ở phủ Hoài Đức. Trận chiến diễn ra ác liệt.

Chỉ trong hai tiếng đồng hồ, hơn 300 quân giặc bỏ mạng trên đường Cầu Giấy-Dịch Vọng. Rivière chết gục tại trận. 200 tên giặc sống sót bỏ chạy về Hà Nội. Đó là chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai của quân ta.

Hoàng Diệu mất đi, nhưng tinh thần và khí phách của ông vẫn còn mãi với những bài sử ca và hàng loạt tác phẩm mang đề tài nóng hổi về người anh hùng Hoàng Diệu và cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội của quân dân ta.

Sử sách nghìn năm còn truyền tiết liệt

Người cô thần lấy cái chết để tỏ gan trung nghĩa



Nghìn năm núi Nùng còn nêu chính khí

Khách anh hùng tới đó dòng lệ ngổn ngang.

"Sĩ tử Hà Thành viếng Hoàng Diệu"

“Hà Thành chính khí ca” phản ánh khí thế hào hùng của quân ta đánh giặc:

Lửa phun súng phát bốn bề,

Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu.

Bắn ra kể chết cũng nhiều,

Phố phường trông thấy tiếng reo ầm ầm.

Còn đây, ngược lại, là thái độ của lũ quan lại hèn nhát:

Khi bình làm hại dân ta

Túi tham mở rộng chẳng tha miếng gì.

Đến khi hoạn nạn gian nguy,

Mắt trông ngơ ngác, chân đi gập ghềnh.

Về điều này, “Hà Thành thất thủ ca” cũng vạch mặt bọn chúng. Đó là những kẻ “đều ăn cơm mặc áo trên đời”, nhưng “đến khi có việc tày trời, trơ trơ chỉ thấy một người tận trung”.

Tấm gương bất diệt của Hoàng Diệu và tinh thần chiến đấu dũng cảm, sáng tạo của nhân dân Hà Nội từ những năm đầu của chính quyền thực dân, đã chuẩn bị cho những cao trào cách mạng trong thế kỷ XX ở Hà Nội và toàn quốc.

Năm 1946, 63 năm sau ngày tuẫn tiết của Hoàng Diệu, thực dân Pháp lại một lần nữa đánh chiếm Hà Nội. Thanh niên thủ đô với tinh thần Hoàng Diệu "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", đem xương máu bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ Hà Nội, bảo vệ thành phố được mang thêm một tên danh dự nữa là thành Hoàng Diệu.

Hoàng Diệu đã trở thành biểu tượng bất tử về tinh thần chống Pháp xâm lược của người Hà Nội./.

(Danh nhân Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark