24/01/2012 | 19:51:00

Hội đánh bài chòi cổ - loại hình văn hóa đặc sắc

Chơi bài chòi ở Nam Định. (Nguồn: yume.vn)

Từ 23 đến 25/1 (tức ngày 1 và 3 Tết Nhâm Thìn 2012), Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định phối hợp với huyện Tây Sơn tổ chức Hội đánh bài chòi cổ - một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc phục vụ nhân dân vui xuân.

Ông Nguyễn An Pha, nguyên phó giám đốc Sở văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định và thành viên Ban Tổ chức cho biết Hội đánh bài chòi cổ dân gian là dịp để người dự hội và người tham gia chơi bài được hòa mình vào một hội vui xuân, được nghe các Hiệu hô, được xem các Hiệu diễn trò, chúc tết và còn là dịp để người chơi bài cầu lộc, cầu may đầu năm, cũng như trút bỏ những điều phiền muộn của năm cũ để cầu chúc một năm mới an khang, thịnh vượng.

Hội đánh bài chòi cổ chỉ diễn ra trong dịp tết cổ truyền dân tộc, thường được tổ chức từ mùng một đến mồng 5 Tết âm lịch. Vì vậy còn gọi là “Hội Chòi Xuân.”

Để tổ chức được hội đánh bài chòi, ngày từ những ngày cuối tháng chạp, Ban Tổ chức đã huy động người dân trong làng đóng góp tranh, tre và cho mượn bàn, ghế, khay trà, bình rượu, người góp công, người góp của để dựng chòi.

Cách bố trí Hội đánh bài chòi gồm có 9 chòi theo hình chữ nhật, 2 dãy song song, đối diện nhau theo chiều dài, với mỗi dãy có 4 chòi (từ chòi số 1 đến số 8), chòi này cách chòi kia chừng 5m và chiều cao từ mặt đất lên sàn 1,2m và từ sàn ngồi lên mái lợp 1,3m và diện tích mỗi chòi gần 2m2.

Một đầu giữa 2 dãy chòi là chòi số 9 (hay còn gọi là chòi Trung ương, hoặc chòi cái) và đây là chòi cao, có diện tích rộng hơn các chòi con. Tất cả các chòi đều được trang trí đẹp và mỗi chòi còn trang bị một chiếc mỏ tre già và chòi Trung ương được trang trí đẹp nhất và được đặt một trống cán (trống lệnh).

Đối diện giữa chòi Trung ương và 2 dãy chòi con là bàn Hội đồng được đặt vị trí trang trọng và trên bàn được bày biện các vật dụng như ống thẻ, những con bài cái, bài con, cờ thưởng được cắm trên một khúc chuối cây và tiền thưởng đặt trong một hộp thau đồng còn có trà rượu cho các vị chức sắc và Ban Tổ chức.

Bên trái bàn Hội đồng là dàn cổ nhạc gồm trống chiến, mỏ, thanh la, đàn nhị, đàn bầu và đàn nguyệt. Trang phục người điều hành hội và nghệ nhân chơi nhạc mặc áo dài, khăn đóng và các hiệu mặc áo kiểu vạc hò, có khăn chít trên đầu.

Giữa sân trước bàn Hội đồng và các chòi dựng một ống thẻ để anh Hiệu (người chủ trò) sử dụng trong cuộc chơi, ống thẻ là một đạo cụ di động để khi kết thúc một ván, hoặc một hội, đây là chính nơi hô bài chòi và diễn trò của các Hiệu phục vụ các chức sắc trong làng, người chơi bài và người dự hội.

Bộ bài chòi hội Đánh bài chòi cổ, được phỏng theo bộ Tam cúc, gồm 3 pho (pho văn, pho vạn, pho sách) và mỗi pho có 10 con bài (hay còn gọi là quân bài). Riêng ở Bình Định chơi 27 con bài thành một bộ và chơi chín chòi.

Nhưng hấp dẫn, sôi động nhất là là ở cách chơi. Khi các trống chầu và dàn nhạc vang lên, thì các anh Hiệu, chị Hiệu đi mời chào bán các con bài cái cho những người dự hội. Khi bán đủ chín con bài cái, thì người mua bắt đầu lên chòi và anh Hiệu hô (mỗi hội ít nhất 3 Hiệu hô và 2 hiệu chạy).

Hiệu hô là rút thẻ hô bài, Hiệu chạy đưa thẻ, phát, thu thẻ và đến trước bàn Hội đồng thưa: Hiệu phát bài đã đủ, cho hiệu thủ bài tỳ và sau đó người điều hành ra hiệu trống chầu làm thủ tục ”đã cổ pháp” của một đêm hát bội xưa gồm xuân tam, hè cửu, thu thất, đông ngũ.

Sau thủ tục khai hội, anh Hiệu chính hai tay bê ống thẻ đã đựng 27 con bài con để giới thiệu và bắt đầu cuộc chơi. Mỗi hội đánh bài chòi gồm 8 ván và mỗi ván số tiền thưởng bằng tiền bán, mua một thẻ bài cái, trong đó 8 chòi con bán thẻ đồng hạng, riêng chòi cái bán thẻ giá cao nhất.

Tất cả số tiền thu được đều làm phần thưởng cho người thắng, phần bồi dưỡng cho các Hiệu hô và còn lại làm quỹ của làng phục vụ cho hội năm sau.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bình Định, hội đánh bài chòi cổ ra đời tại Bình Định kể từ khi cụ Đào Duy Từ, rời nhà Lê vào Nam theo chúa Nguyễn và ông cũng là người sáng kiến và ứng dụng vào trò chơi đánh bài chòi, dần dần có tên gọi là Hội đánh bài chòi và các thế hệ sau này gọi là Hội đánh bài chòi cổ dân gian.

Có thể nói Bình Định là nơi sản sinh ra Hội đánh bài chòi. Đây là một loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đã đi vào tiềm thức của mội người dân.

Tuy nhiên trong nhiều năm qua, hội đánh bài chòi bị dần dần mai một qua thăng trầm biến thiên của lịch sử dân tộc.

Vì vậy, việc từng bước phục hồi lại Hội đánh bài chòi cổ tại Bình Định là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Nó bồi đắp thêm nếp văn hóa dân gian đượm màu sắc dân tộc độc đáo và trở thành một món ăn tinh thần, hấp dẫn, lành mạnh không thể thiếu được cho nhân dân nhất là các dịp tết đến xuân về.

Ông Văn Trọng Hùng, giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định cho biết thêm để giới thiệu và quảng bá trò chơi dân gian hấp dẫn này với nhân dân Thủ Đô Hà Nội, từ ngày 20-31/1 (tức từ 27 tháng Chạp đến 9 tháng Giêng), tỉnh Bình Định tham gia tổ chức Hội đánh bài chòi cổ tại Hà Nội./.

Viết Ý (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark