23/02/2011 | 08:45:09

Hội làng Thổ Hà

Các bậc bô lão rước sắc phong vua ban về đình. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, lâu nay được coi là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt," nơi có không gian văn hóa làng đặc trưng với các công trình đình, đền, chùa, tiêu biểu cho vùng Kinh Bắc.

Cùng với nó còn có sự góp mặt của hội làng Thổ Hà, một trong những lễ hội đặc sắc ở Việt Nam.

Hội làng Thổ Hà được tổ chức trong ba ngày, từ 20-22 tháng Giêng âm lịch, nhưng chính hội là ngày 21. Hội ba năm mới tổ chức rước một lần nên mỗi dịp có lễ hội là dân làng lại náo nức đón chờ.

Từ Hà Nội, để có thể sang dự hội, chúng tôi phải qua bến đò Thổ Hà phía bờ hữu ngạn sông Cầu. Bến đò vào ngày hội làng tấp nập khác thường.

Hướng tầm mắt về phía làng Thổ Hà thấy cổng chào bằng gỗ được dựng lên rất trang trọng. Anh lái đò giải thích rằng, tục lệ dựng cổng chào này đã có cả ngàn năm nay, từ thời nhà Lý (1010-1225). Thời ấy, cứ ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, nhà vua lại cùng cận thần từ Thăng Long (nay là Hà Nội) đi thuyền xuôi sông Hồng xuống Hải Phòng rồi ngược sông Cầu lên đình Thổ Hà uống rượu làng Vân.

Mới tờ mờ sáng, làng Thổ Hà đã được đánh thức bởi tiếng trống hội rền vang. Đình làng trở nên nghi ngút khói hương khi lớp lớp con cháu về dự hội thành kính thắp nén hương thơm tưởng nhớ tới công ơn của tổ tiên.

Ba xóm trong làng đều tổ chức rước kiệu ra đình. Có tới hàng trăm người lo việc rước kiệu này. Người tham gia ai nấy đều ăn vận rực rỡ. Người sắm vai quan thì áo thụng, râu dài. Người sắm vai lính tráng thì vận áo ngắn màu đỏ, đội nón đỏ, quần xà cạp vàng và cầm nghi trượng. Các cụ, các bà, các cô, các chị… đầu vấn khăn, xúng xính trong tấm áo tứ thân, chiếc áo dài thướt tha nhiều màu sắc.

Trai làng lực lưỡng, nhanh nhẹn trong sắc phục ngày hội khiêng kiệu hoa, đồ tế. Đội bát nhã đủ cả kèn, trống, nhị, cò, thanh la não bạt. Trống cái đi giữa cầm trịch, người điều khiển vừa đi vừa múa. Hai bên đường, cờ ngũ sắc rợp trời. Không khí thật sôi động. Người xem hội đứng chật ních.

Đoàn rước ra tới đình thì hạ kiệu tại sân đình. Kiệu được xếp đặt rất lề lối, trình tự. Tại đây, từ sáng sớm, chánh tế, thông xướng, cùng toàn bộ bô lão trong ban tế quần áo đã chỉnh tề đón đám rước từ các miếu về đình làng. Chủ tế đứng ở bậc tam cấp đón đám rước. Khi mọi người yên vị, cuộc tế bắt đầu với những nghi thức long trọng.

Sau tế lễ là phần hội. Dân làng tổ chức thi làm đồ gốm, làm bánh tráng. Thanh niên tham gia đấu vật, chơi hội chọi gà, thi đấu cờ tướng… Đám trẻ con chạy hết góc này sang góc khác hào hứng với các trò vui.

Trên dòng sông Cầu, dân làng tổ chức bơi trải, chèo thuyền bắt vịt, nhưng đông vui, náo nhiệt nhất vẫn là đám Quan họ Thổ Hà. Lời hát trữ tình và mượt mà của các “liền anh, liền chị” làm nao lòng biết bao du khách gần xa. Tối đến, các “nghệ sỹ” làng Thổ Hà còn tổ chức hát tuồng tại sân đình. Khách và dân đến xem ngồi chật kín quanh sân khấu.

Dịp lễ hội, dân làng Thổ Hà có một tục lệ đặc biệt là nhà nào cũng mở cửa đón khách về dự hội vào ăn uống. Dân làng Thổ Hà quan niệm rằng, gia đình nào vào ngày hội càng đón được nhiều khách thì chứng tỏ càng ăn nên làm ra, khỏe mạnh, hạnh phúc.

Hội làng Thổ Hà là dịp để tôn vinh và tỏ lòng biết ơn Thành hoàng làng Thổ Hà và vị Sư tổ của nghề gốm là ông Đào Trí Tiến. Đây là nét đẹp trong văn hóa của người Kinh Bắc, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị thuộc về văn hóa Việt./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark