16/01/2010 | 18:00:00

Hội thảo khoa học quốc tế tôn vinh hát Xoan Phú Thọ

Trình diễn hát Xoan của phường Xoan Phượng Lâu, Việt Trì. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Ngày 16/1, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về hát Xoan Phú Thọ - sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ.

Hội thảo đồng thời cũng là bước xác định cơ sở khoa học cho việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Dưới sự chủ trì của giáo sư-tiến sĩ nhạc học Trần Quang Hải (quốc tịch Pháp), 32 nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu, quản lý đã trình bày tham luận tập trung vào 3 vấn đề chính gồm khẳng định giá trị khoa học và nghệ thuật của hát Xoan Phú Thọ, sức lan tỏa của hát Xoan Phú Thọ trong đời sống cộng đồng; nguy cơ mai một và thất truyền của hát Xoan nếu không được cộng đồng tham gia bảo vệ khôi phục; vai trò của hát Xoan với ý nghĩa là hát thờ trong tín ngưỡng nghi lễ và lễ hội Hùng Vương.

Tại hội thảo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã đưa ra khái niệm mới về vùng văn hóa hát Xoan, nhấn mạnh đến sức lan tỏa rộng lớn về mặt không gian của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Xoan đã vượt sông Lô đến với Đức Bác, Tử Du, Hoàng Thượng, vượt sông Thao đến với Hương Nộn.

Hát Xoan đã phủ sóng một vùng rộng lớn không một dân ca nào từ sông Đà, sông Hồng tới sông Mã có thể so sánh. Như vậy, Xoan đã tạo được mặt bằng ca hát dân gian của mình tạo nên một vùng văn hóa có tên "vùng văn hóa hát Xoan".

Theo ông Trần Quang Hải, đây là một khái niệm mới rất đáng được xem xét và vận dụng khi xây dựng hồ sơ về hát Xoan để trình UNESCO.

Một số nhà khoa học nước ngoài như Giáo sư Yves (Pháp), Giáo sư Sheen Pea Cheol (Hàn Quốc), Giáo sư Busakon Binson (Thái Lan), Giáo sư Trần Quang Hải kiến nghị bảo tồn hát Xoan trước hết phải đưa vào chương trình giảng dạy cho thanh thiếu niên trong nhà trường bởi trên thực tế rất ít bạn trẻ được hỏi biết về Xoan và hát Xoan.

Các giáo sư đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tham gia vào cuộc của chính quyền Trung ương, địa phương trong việc quảng bá hát Xoan đến đông đảo người dân để họ thấm nhuần và tự hào về giá trị của loại hình di sản này.

Giáo sư Tryono Bramanito (Indonesia) đã đưa ra 4 điểm độc đáo nhất của hát Xoan đó là lời hát trau chuốt gắn liền với múa, tính lôgíc của hát Xoan trong bối cảnh văn hóa lịch sử Việt Nam, tính xác thực của nó dù đã được truyền khẩu từ đời này sang đời khác.

Bởi vậy, theo ông để bảo tồn hát Xoan cần nhấn mạnh đến các giá trị phi vật thể đáp ứng được các tiêu chí như độc đáo ở lời ca, giai điệu, làn điệu, tính trung thực... của nó.

Tiến sĩ Panikos Giorgondes (đảo Síp) đã giới thiệu mô hình lưu trữ âm nhạc trên mạng - một xu hướng thế giới. Đây là điều quan trọng trong việc giao lưu trao đổi tạo nên mạng lưới giúp mọi người trên thế giới tiếp cận phổ biến rộng rãi với hát Xoan./.

Hương Thu (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark