01/03/2010 | 16:42:00

Huyện Thanh Oai

Nón làng chuông là một trong 27 làng nghề ở huyện Thanh Oai đã được công nhận. (Ảnh minh họa: Internet)

Thanh Oai là huyện đồng bằng thuần nông, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hà Nội, có diện tích gần 142km2, với khoảng 161.400 người vào năm 2009.

Vị trí địa lý


Huyện Thanh Oai, phía Bắc và phía Tây Bắc giáp quận Hà Đông; phía Tây giáp huyện Chương Mỹ; phía Tây Nam giáp huyện Ứng Hòa; phía Đông Nam giáp huyện Phú Xuyên; phía Đông giáp huyện Thường Tín và phía Đông Bắc giáp huyện Thanh Trì.

Lịch sử hình thành


Năm 1831, vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội. Huyện Thanh Oai lúc đó thuộc phủ Ứng Hòa của tỉnh Hà Nội. Phủ Ứng Hòa lúc đó gồm 4 huyện là Sơn Minh, Chương Đức, Thanh Oai và Hoài An.

Năm 1888, Pháp lập ra tỉnh Hà Đông và lúc đó huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Đông.

Ngày 4/1/1955, Chính phủ ban hành Nghị định số 436-TTg giải tán quận Văn Điển do đối phương lập ra trong thời gian bị tạm chiến trả lại cho tỉnh Hà Đông để tổ chức lại hai huyện Thanh Oai và Thanh Trì.

Ngày 20/4/1961, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II thông qua Nghị quyết phê chuẩn mở rộng thành phố Hà Nội lần thứ nhất. Theo đó, sáp nhập phần lớn các xã thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông vào thành phố Hà Nội.

Ngày 17/5/1961, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 70-CP sáp nhập các xã, các thôn còn lại của huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông vào các huyện Thường Tín, Thanh Oai và thị xã Hà Đông. Theo đó, các xã Kiến Hưng, Mỹ Hưng, Cự Khê, Hữu Hòa được sáp nhập vào huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông.

Ngày 21/4/1965, tỉnh Hà Tây được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Theo đó, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây gồm 26 xã là Kim An, Cao Viên, Thanh Cao, Thanh Mai, Xuân Dương, Bích Hòa, Phương Trung, Cao Dương, Bình Minh, Kim Thư, Tam Hưng, Đỗ Động, Hồng Dương, Dân Hòa, Thanh Văn, Tân Ước, Thanh Thùy, Liên Châu, Mỹ Hưng, Cự Khê, Kiến Hưng, Hữu Hòa, Phú Lương, Phú Lãm, Biên Giang, Đồng Mai.

Ngày 15/9/1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 178-CP về việc mở rộng địa giới thị xã Hà Đông và sáp nhập xã Kiến Hưng của huyện Thanh Oai vào thị xã Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây. Sau khi điều chỉnh, huyện Thanh Oai còn 25 xã.

Ngày 27/12/1975, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V thông qua Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Theo đó, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.

Ngày 29/12/1978, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội.

Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 49-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn của Hà Nội. Theo đó, sáp nhập xã Hữu Hòa của huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình vào huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Sau khi điều chỉnh, huyện Thanh Oai còn 24 xã.

Ngày 12/8/1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Lúc này huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây.

Ngày 23/6/1994, Chính phủ ra Nghị định số 52-CP về việc điều chỉnh địa giới các huyện thuộc tỉnh Hà Tây. Theo đó, thành lập thị trấn Kim Bài thuộc huyện Thanh Oai trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của xã Kim An, Đỗ Động. Sau khi điều chỉnh, huyện Thanh Oai có 25 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Kim Bài và 24 xã.

Ngày 23/9/2003, Chính phủ ra Nghị định số 107/2003/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính và chuyển hai xã Phú Lương và Phú Lãm thuộc huyện Thanh Oai về thị xã Hà Đông quản lý. Sau khi điều chỉnh, huyện Thanh Oai còn 23 đơn vị hành chính gồm thị trấn Kim Bài và 22 xã.

Ngày 4/1/2006, Chính phủ ra Nghị định số 01/2006/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây; và sáp nhập một phần diện tích cùng nhân khẩu của thôn Phượng Bãi, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ vào xã Biên Giang, huyện Thanh Oai. Chuyển toàn bộ xã Biên Giang và Đồng Mai thuộc huyện Thanh Oai về thị xã Hà Đông quản lý. Sau khi điều chỉnh, huyện Thanh Oai còn 21 đơn vị hành chính gồm thị trấn Kim Bài và 20 xã.

Từ ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII ngày 29/5/2008. Theo đó, huyện Thanh Oai thuộc Hà Nội.

Đơn vị hành chính

Huyện Thanh Oai hiện có 21 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Kim Bài; và 20 xã là Kim An, Cao Viên, Thanh Cao, Thanh Mai, Xuân Dương, Bích Hòa, Phương Trung, Cao Dương, Bình Minh, Kim Thư, Tam Hưng, Đỗ Động, Hồng Dương, Dân Hòa, Thanh Văn, Tân Ước, Thanh Thùy, Liên Châu, Mỹ Hưng, Cự Khê.

Tình hình kinh tế-xã hội

Tổng giá trị sản xuất trong năm 2009 ước đạt gần 1.760 tỷ đồng, bằng 103,5% so với kế hoạch, tăng 10,14% so với năm 2008. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 510 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước đạt 876 tỷ đồng và giá trị các ngành dịch vụ ước đạt 373 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế của huyện năm 2009 với nông nghiệp chiếm 29%; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng chiếm 49,8% và dịch vụ chiếm 21,2%.

- Về nông nghiệp: những năm gần đây, huyện Thanh Oai luôn chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình canh tác như: lúa-cá, chuyên cá, cây ăn quả và xây dựng thành các trang trại. Đây là những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Về làng nghề: nghề thủ công truyền thống cũng là một thế mạnh của huyện Thanh Oai, với 118 làng nghề; trong đó có 27 làng nghề đã được công nhận như nón làng Chuông, quạt làng Vác, điêu khắc Thanh Thùy, sơn tượng Võ Tăng, tương Cự Đà, giò chả Ước Lễ.

- Về lao động, việc làm: năm 2009, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.480 lao động, trong đó đi xuất khẩu lao động là 30 người.

Quốc lộ 21B là huyết mạch giao thông của huyện, từ Hà Đông đi chùa Hương và sang Hà Nam, qua thị trấn Kim Bài. Quốc lộ 6 qua rìa phía Tây Bắc huyện, ngoài ra còn có tỉnh lộ 71. Phía Đông Bắc có tuyến đường sắt vành đai phía Tây Hà Nội chạy qua. Đây là điều kiện tạo thuận lợi giao thương kinh tế của huyện.

- Về giáo dục: huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh; thực hiện xóa gần 480 phòng học cấp 4, phòng học tạm; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.

- Về y tế: huyện Thanh Oai tổ chức khám bệnh cho khoảng 143.600 bệnh nhân, đạt 102,5% so với kế hoạch. Năm 2009 có hai xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, nâng tổng số xã 13/21 xã, thị trấn đạt chuẩn. Huyện đã có 17/21 trạm y tế có bác sĩ.

Các danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng

Huyện Thanh Oai có 81 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Bối Khê ở xã Tam Hưng, lễ hội Bình Đà của xã Bình Minh. Toàn huyện hiện có 122 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng như chùa Bối Khê, đình Bình Đà./.

Mỹ Hạnh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark