21/04/2010 | 17:29:18

Khai mạc Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư 2010

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Từ ngày 18/4 đến ngày 21/4/2010, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) diễn ra Lễ hội Cố đô Hoa Lư 2010 nhân kỷ niệm 1042 năm Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế lập nên nước Đại Cồ Việt, và hướng tới Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Chủ đề của Lễ hội là: “Hào khí một thuở, vang vọng mãi ngàn năm”.

Nhân dịp này, Thông tin Tư liệu xin giới thiệu về Khu di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư

- Vị trí: Cố đô Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam có cách đây hơn 10 thế kỷ, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

- Đặc điểm: Từ năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế ở Hoa Lư thì kinh đô Hoa Lư tồn tại 41 năm (968 - 1009) trong đó 12 năm là triều đại nhà Đinh (Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt) và 29 năm kế tiếp là triều đại nhà Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế hiệu là Lê Đại Hành).

Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 - 10m.

Thành Ngoại rộng khoảng 140ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Đây là cung điện chính mà khu vực đền Đinh, đền Lê là trung tâm, và cũng chính là nơi vua Đinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước.

Thành Nội thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư Nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình.

Thành Nam (thành ở phía Nam, nằm đối diện và nối liền với khu Thành Ngoại) xung quanh có núi cao bao bọc, án ngữ phía Nam kinh thành, bảo vệ mặt sau, từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy.

Phía Đông kinh thành có núi Cột cờ - nơi có lá quốc kỳ Đại Cồ Việt, có ghềnh tháp - nơi Vua Đinh duyệt thủy quân, hang Tiền nơi lưu giữ tài sản quốc gia, động Thiên Tôn - tiền đồn của Hoa Lư và hang nhốt hổ, báo để xử kẻ có tội.

Đến đời vua Lê Đại Hành đã cho xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy: Điện Bách Thảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu ở phía Đông, điện Vinh Hoa ở phía Tây, điện Bồng Lai bên tả, điện Cực Lạc bên hữu, lầu Hỏa Vân và điện Trường Xuân, điện Long Lộc được lợp ngói bằng bạc.

Đến năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô.

* Đền Vua Đinh được xây theo kiểu "Nội công ngoại quốc" trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà Bái đường, Thiêu hương và Hậu cung.

Tại Bái đường có "Long Sàng" làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà Thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng thờ Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các hoàng tử. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá... trang trí tại đền đều khá tinh xảo.

* Đền Vua Lê nằm cách đền Vua Đinh chừng 500m thờ Vua Lê Đại Hành. Đền Vua Lê có có ba toà: Bái đường, Thiêu hương và Chính cung.

Tại Chính cung của đền đặt tượng Vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn). Đền Vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện.

Khu Di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền Vua Lê khoảng 200m).

Đền thờ Vua Đinh và đền thờ Vua Lê được xây dựng vào thế kỷ XVII.

hu Di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia xếp hạng đặc biệt.

Lễ hội Cố đô Hoa Lư 2010

Phần lễ:

Lễ rước lửa từ đền thờ vua Đinh tại xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, quê hương của Vua Đinh Tiên Hoàng, về Cố đô Hoa Lư.

+ Lễ rước nước từ sông Hoàng Long. Tương truyền khi vua đi đến sông có rồng vàng hiện lên chở qua sông.

+ Lễ dâng hương tưởng nhớ tại đền thờ Vua Đinh, Vua Lê và nhà bia tưởng niệm Lý Thái Tổ. Đoàn rước kiệu từ 24 địa phương trong toàn tỉnh có các vị công thần tiêu biểu của các triều đại Đinh, Lê hội tụ về nguồn tạo nên hào khí linh thiêng của lễ hội.

Phần hội:

+ Chương trình biểu diễn nghệ thuật với 4 chương thể hiện quá trình lịch sử vinh quang của 3 triều đại Đinh - Lê - Lý trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.

Chương 1: Tuổi trẻ Vua Đinh; chương 2: Thời kỳ Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thành lập nhà nước Đại Cồ Việt; chương 3: Thời đại Vua Lê Đại Hành phá Tống, bình Chiêm; chương 4: Khởi thủy của Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long- Hà Nội ngày nay.

+ Ngoài ra, còn có các hoạt động như: đấu vật, bóng chuyền, cờ tướng, cờ người, kéo co, đi cà kheo, ca nhạc của đoàn chèo, hát xẩm, ca trù, múa rối nước.../.

Ngô Trọng Bình tổng hợp (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark