17/09/2009 | 10:44:00

Kinh tế Thăng Long-Hà Nội qua các thời kỳ

Thời kỳ phong kiến

Từ trước khi định đô, nằm giữa đồng bằng đông dân, lại ở các vị trí đầu mối giao thông thủy bộ nên thành Đại La đã là một vùng dân cư kinh tế phát triển. Vì vậy, khi định đô, Lý Công Uẩn đã nói đây là “chỗ tụ hội trọng yếu của bốn phương… muôn vật giàu thịnh đông vui”.

Trải qua các triều Lý, Trần, Lê (từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVIII), kinh tế Thăng Long - Hà Nội ngày một phát tiển dù có lúc nhanh, lúc chậm, lúc sôi động, lúc trì trệ. Nói chung, đây là một nền kinh tế mà thương nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, nông nghiệp chỉ đủ cung ứng phần nào nhu cầu tại chỗ.

Sử liệu cũ cho biết: Tới cuối thế kỷ XVIII, diện tích kinh thành Thăng Long không quá 3500 ha, ngoài khu hoàng thành (nơi có cung Vua và sinh hoạt triều đình) có 2 khu vực kinh tế là khu thương nghiệp và thủ công ở ven bờ sông Hồng và sông Tô và khu nông nghiệp ở phía Tây và Nam kinh thành. Sản phẩm nông nghiệp của khu này đáp ứng một phần nhu cầu lương thực, thực phẩm cho đô thị. Tuy nhiên, là một đô thị lớn nhất nước nên hoạt động công thương là chính. Các phường thủ công - thương nghiệp dần phát triển sang cả các phường nông nghiệp. Chợ búa, bến cảng liên tục được mở. Cứ xem những tên phố cổ thì ở Thăng Long các nghề dệt, nhuộm, đúc đồng, rèn sắt, đóng đồ mộc, làm hàng trang sức, đóng giày dép, tiện gỗ, bán giấy, đồ gốm sứ, chiếu, mắm, muối, mây, tre…

Cho tới trước khi Pháp xâm lược (1882), kinh tế Thăng Long - Hà Nội bên cạnh phương thức tự sản, tự tiêu là chính, còn có phương thức giao lưu các trấn, tỉnh xung quanh: cau xứ Quảng, mắm xứ Nghệ, chiếu xứ Thanh, muối Nam Định, lâm thổ sản ở các vùng núi non phía Bắc, Tây Bắc. Có cả giao lưu kinh tế. Từ thế kỷ XVI, XVII đã có người Hà Lan, người Anh, người Bồ Đào Nha tới lập thương điếm ở Thăng Long. Riêng với người Trung Hoa hoạt động buôn bán hẳn là có từ trước đó rất lâu.

Thời kỳ Pháp thuộc (1882-1945 và 1947-1954)


Từ năm 1882, Hà Nội rơi vào tay thực dân Pháp. Bộ mặt kinh tế của Hà Nội biến đổi. Tư bản Pháp đã xây dựng các xí nghiệp và công ty lớn hoặc đặt trụ sở chính ở đây, như các Công ty luyện kim và mỏ Đông Dương (1899), bông vải sợi Bắc Kỳ (1900), điện nước Đông Dương (1900)… Các nhà máy được mở ngay trong nội thành: điện, nước, sửa chữa ô tô, thuộc da, xe điện, bia, nước ngọt, diêm, thuốc lá, rượu… Các hiệu buôn lớn của Pháp cũng đua nhau mọc trên đất Hà Nội, chia nhau nắm giữ độc quyền thương mại như hãng Boy Landry, Poinsard et Veyret, Deni Frères, Liên hiệp thương mại Đông Dương LUCI…

Ngân hàng Đông Dương, một chi nhánh của Ngân hàng Pháp cũng đóng trụ sở chính tại Hà Nội. Bên cạnh các Công ty mại bản Pháp, tư sản mại bản Hoa kiều cũng giữ một vai trò khá quan trọng trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Tầng lớp tư sản người Việt cũng dần hình thành, mở hiệu buôn (nguồn hàng hoặc là nội hóa hoặc mua buôn của các mại bản Pháp và Hoa kiều), các xưởng sản xuất, dệt, thêu, đồ gỗ, đồ sơn, gốm sứ, vật liêu xây dựng…, nhưng nhìn chung đều bị tư sản Pháp và Hoa kiều chèn ép, trừ một số nhỏ vươn lên thành mại bản.

Tóm lại, suốt thời Pháp thuộc (1882-1945) công nghiệp Hà Nội què quặt, chủ yếu là phục vụ nhu cầu sinh hoạt của thực dân. Thương nghiệp bị tư sản Pháp khống chế, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Pháp. Đó là một nền kinh tế thuộc địa khá điển hình, lệ thuộc sâu sắc vào “mẫu quốc”.

Đến khoảng năm 1941, phát xít Nhật đến Hà Nội đem theo một số doanh nghiệp Nhật. Họ chủ yếu là buôn bán và nhanh chóng nắm độc quyền một số hàng như gạo, nông sản, quặng kim loại…Hoạt động của tư bản Pháp, Nhật và mại bản Việt Nam chỉ chấm dứt khi bùng nổ Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong thời Pháp tạm chiếm (1947-1954), tính chất trên không thay đổi, kinh tế có phần còn lệ thuộc sâu nặng vào kinh tế thực dân hơn nữa.

Thời kỳ khôi phục kinh tế (1955-1957)

Hà Nội được giải phóng. Thành phố đứng trước nhiều khó khăn. Về kinh tế, Hà Nội khi đó là một thành phố tiêu thụ, thương nghiệp là hoạt động kinh tế chính. Vào đầu năm 1955 chỉ có 18 xí nghiệp, (9 cũ và 9 chuyển từ vùng tự do về). Các cơ sở này ổn định và đi vào sản xuất. Năm 1957 sản lượng điện tăng 32% so với năm 1955. Xí nghiệp Nước lắp đặt thêm 28km đường ống nước. Rồi một số nhà máy mới được xây dựng. Gỗ dán Cầu Đuống, Diêm Thống Nhất, Cao su, Xà phòng… đặc biệt là nhà máy Cơ khí Hà Nội, con đầu lòng của nền công nghiệp hiện đại. Đến năm 1957 tổng số xí nghiệp quốc doanh là 45 cơ sở với trên 9000 công nhân. Các cơ sở thủ công nghiệp và công nghiệp tư doanh được Nhà nước khuyến khích cho vay vốn, bán cho nguyên liệu, máy móc, mua hàng… Năm 1957, có 13.516 hộ sản xuất thủ công với 42 nghìn người và 957 cơ sở sản xuất công nghiệp tư doanh với trên 8 nghìn công nhân. Cũng trong thời gian này, một số hợp tác xã thủ công nghiệp đã hình thành…

Về thương nghiệp, từ năm 1955 đã tổ chức lại thương nghiệp tư nhân, như thành lập các đại lý kinh tiêu hoặc vận động tiểu thương chuyển sang sản xuất. Thương nghiệp quốc doanh từng bước chiếm lĩnh thị trường. Từ ba công ty đến năm 1957 đã có mười công ty với 55 cửa hàng. Từ năm 1956 nhiều hợp tác xã mua bán ở ngoại thành được thành lập.

Về nông nghiệp, ngoại thành tiến hành cải cách ruộng đất nhanh gọn, đến đầu năm 1956 hoàn thành. Ba vạn mẫu ruộng được chia cho nông dân. Diện tích cấy trồng, năng suất và sản lượng ngày một tăng. So với năm 1954, diện tích trồng lúa tăng 126%, khoai tăng 127%, rau xanh 298%... Sản lượng lúa năm 1955 đạt 14.314% tấn/năm, năm 1956 đạt 24.000 tấn, năm 1957 do hạn hán kéo dài nên sản lượng giảm còn 11.713 tấn.

Cùng với việc khôi phục sản xuất, nông dân ngoại thành bước đầu tổ chức con đường làm ăn tập thể dưới hình thức tổ đổi công.

Thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế (1958-1960)
Trong những năm này, công nghiệp tư bản tư doanh đã phát triển. Năm 1958, Hà Nội có 499 hộ tư sản công nghiệp với hơn 5.000 công nhân, chủ yếu ở các ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Việc cải tạo công nghiệp tư sản tư doanh được tiến hành trong các năm 1958-1960. Trong các xí nghiệp công tư hợp doanh, tư liệu sản xuất và tài sản được xã hội hóa nhưng người sở hữu cũ vẫn được hưởng lợi tức cổ phần. Các nhà tư sản và gia đình được giải quyết việc làm hợp lý.

Về thương nghiệp, tư bản tư doanh có mặt tích cực góp phần phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân nhưng cũng có mặt tiêu cực như đầu cơ, tích trữ, dìm giá, nâng giá.
Đầu năm 1959 thí điểm đưa sáu hộ vào công tư hợp doanh. Đến cuối năm 1960 công việc cải tạo hoàn thành, gồm 412 hộ. Các nhà tư sản và gia đình được sắp xếp công việc trong hệ thống công tư hợp doanh đó.

Công việc hợp tác hóa thủ công nghiệp và tiểu thương cũng được tiến hành. Năm 1958 Ban vận động hợp tác thủ công nghiệp ra đời, vận động bà con tham gia hợp tác xã. Năm 1958 có 164 hợp tác xã, cuối năm 1959 có 476 hợp tác xã. Năm 1960, phần lớn ngành thủ công nghiệp đã tham gia các hình thức làm ăn tập thể, chiếm 95% số người lao động, trong đó có 900 hợp tác xã.

Đối với các tiểu thương, đến cuối năm 1958, Hà Nội đã có 815 tổ hợp tác với 8511 hộ. Đến năm 1960, thành phố mở năm đợt vận động hợp tác hóa tiểu thương, 95% bà con buôn bán được đưa vào con đường tập thể.

Về nông nghiệp, sau cải cách ruộng đất, bà con nông dân ngoại thành được hướng dẫn từng bước đi vào con đường làm ăn tập thể. Từ phong trào tổ đội công tiến lên hợp tác xã nông nghiệp. Đến cuối năm 1958, ngoại thành Hà Nội có 30 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 3, 87% số hộ nông dân. Đến năm 1960, đã có 279 hợp tác xã nông nghiệp với 19.521 hộ nông dân, đạt tỷ lệ 89% lao động và có 82% diện tích cấy trồng trong đó có 33 hợp tác xã bậc cao.

Về công nghiệp, nhiều xí nghiệp nhà máy được đổi mới trang thiết bị. Nhiều cơ sở mới được xây dựng: Dệt kim Đông Xuân, khu công nghiệp Thượng Đình v.v… Hầu hết các xí nghiệp đều hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất. Năm 1959, giá trị tổng sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng 49% so với năm 1958.

Các xí nghiệp công tư hợp doanh sau khi được sắp xếp tổ chức lại, đã góp phần đẩy mạnh sự tăng trưởng công nghiệp thủ đô. Tổng giá trị sản lượng tăng 24,6% so với năm 1958. Sang năm 1960, tiếp tục cải tiến quản lý xí nghiệp, đẩy mạnh phong trào thi đua nâng cao năng suất, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Nhà máy Diêm Thống nhất hoàn thành kế hoạch 3 năm (1958-1960) trước thời hạn sáu tháng ba ngày, đạt danh hiệu đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua ngành công nghiệp Hà Nội.

Thương nghiệp quốc doanh ngày càng giữ vai trò làm chủ thị trường. Doanh số của mậu dịch quốc doanh tăng từ 145 triệu đồng năm 1957 lên 173 triệu đồng năm 1958. Từ năm 1959, thương nghiệp quốc doanh đã mở rộng kinh doanh những mặt hàng trọng yếu như tư liệu sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng, phương tiện vận chuyển thô sơ.

Hà Nội thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965)

Năm 1961, mặc dù việc cung cấp vật tư, nguyên liệu thiếu, không kịp thời, giá trị tổng sản lượng công nghiệp quốc doanh vẫn tăng: Công nghiệp trung ương tăng 42% và công nghiệp địa phương tăng 17% so với năm 1960. Trước tình hình xuất hiện những hiện tượng lỏng lẻo trong quản lý, vi phạm kỷ luật lao động, tham ô lãng phí trong các xí nghiệp, Nhà nước chủ trương phát động cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, chống tham ô lãng phí. Năm 1962 sản xuất công nghiệp thành phố tiếp tục phát triển, giá trị tổng sản lượng tăng 32% so với năm 1961. Sản phẩm phong phú về chủng loại: Máy công cụ cắt gọt chính xác, máy chuyên dùng, máy nông - công nghiệp, giao thông vận tải, hàng tiêu dùng… Từ cuối năm 1964, Mỹ đưa chiến tranh ra miền Bắc. Mặc dù phải sơ tán, phân tán, giá trị sản lượng công nghiệp Hà Nội năm 1965 đạt 112% so với năm 1964. Một số xí nghiệp mới được xây dựng trên địa bàn thành phố: Thiết bị lạnh Hà Nội, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Phân lân Văn Điển, Dệt 8-3, Điện cơ Thống Nhất, Đại tu ô tô Cự Chính, Cơ khí Mai Động.

Về thủ công nghiệp, các hợp tác xã được củng cố, mở rộng thành quy mô. Năm 1961, sáp nhập 1367 hợp tác xã và tổ sản xuất thành 161 hợp tác xã, trong đó có 96 hợp tác xã bậc cao. Năm 1962 sáp nhập nốt trên 400 hợp tác xã thành 199 hợp tác xã, có tác dụng đẩy mạnh sản xuất. Trong khi đó, việc quản lý thợ cá thể và tổ sản xuất có tình trạng buông lỏng. Cuối năm 1963, sản xuất tiểu thủ công phát triển mạnh ở nhiều ngành nghề. Tuy vậy, một số nơi, thợ kỹ thuật bỏ ra làm cá thể. Năm 1964, sản xuất tiểu thủ công nghiệp bắt đầu giảm sút, giá trị tổng sản lượng từ 270 triệu đồng năm 1963, còn là 179 triệu đồng năm 1964 và 168 triệu đồng 1965. Có nhiều nguyên nhân, như chậm có phương hướng phát triển sản xuất cụ thể cho từng ngành, buông lỏng việc động viên giáo dục, chế độ gia công đặt hàng chậm thay đổi, đã xác định kinh tế tập thể mang tính chất xã hội chủ nghĩa nhưng trong chế độ chính sách còn có sự phân biệt giữa kinh tế tập thể với kinh tế quốc doanh…

Về nông nghiệp, từ năm 1961 ngoại thành mở rộng lần thứ nhất bao gồm bốn huyện với diện tích canh tác 36 nghìn ha, bao gồm 101 hợp tác xã nông nghiệp. Cũng từ đấy, xây dựng các nông trường nuôi lợn, bò sữa… Thành phố coi trọng công tác thủy lợi. Năm 1962 hoàn thành cống qua đê Cống Thôn, dẫn nước tưới cho trên một vạn ha lúa màu huyện Gia Lâm. Năm 1963, hoàn thành công trình thủy nông ấp Bắc - Nam Hồng đủ tưới cho hàng vạn lúa màu huyện Đông Anh. Năm 1964 khơi sâu sông Tô. Các đội thủy lợi được lập ở hầu hết các xã. Điện được đưa về ngoại thành phục vụ bơm nước chống hạn. Công cụ lao động được cải tiến: Cày 51, cào cỏ cải tiến, xe vận chuyển thô sơ, guồng tát nước… Từ năm 1961 thực hiện mở rộng quy mô hợp tác xã nông nghiệp, đưa quy mô hợp tác xã bình quân 70 hộ lên trên 100 hộ, hợp nhất hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn, quy mô toàn thôn rồi toàn xã. Năm 1963 thành phố tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Nội dung chủ yếu là giúp các hợp tác xã nông nghiệp xác định phương hướng sản xuất, lập kế hoạch, cải tiến quản lý lao động, thực hiện mức lao động, quản lý tài chính v.v…

Về thương nghiệp, thành phố chú trọng phát triển thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Mậu dịch quốc doanh nắm nguồn hàng, tăng cường quản lý thị trường.

Năm 1962 ra đời Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu thu gom các mặt hàng tạp phẩm, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến… Cuối năm 1965 thương nghiệp quốc doanh đã chiếm lĩnh 85% mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa. Mạng lưới phân phối của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán được mở rộng. Nói chung hoạt động thương nghiệp Hà Nội thời kỳ năm 1961-1965 đã tích cực góp phần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các vùng dân cư, các khu kinh tế, tăng cường quan hệ thành thị - nông thôn.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1965-1975)


Trước tình hình Mỹ chuyển sang Chiến tranh cục bộ ở miền Nam và gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiệm vụ của toàn dân Việt Nam là động viên cao độ lực lượng của cả nước, đẩy mạnh cuộc chiến tranh yêu nước, đánh bại quân xâm lược.

Trong nhiệm vụ trọng đại đó, miền Bắc là hậu phương lớn, cần phải củng cố và phát triển về mọi mặt để đủ sức chi viện đầy đủ nhất cho miền Nam. Tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội là cách tốt nhất để tăng cường lực lượng miền Bắc.

Ngay từ năm 1965, trong khi tăng cường xây dựng lực lượng chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại của địch, Hà Nội đã tích cực thực hiện chuyển hướng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất đi đôi với bảo vệ sản xuất.

Từ khi bắt đầu có chiến tranh phá hoại, nhiều xí nghiệp đã thực hiện sơ tán, nhanh chóng, chuyển hướng tổ chức sản xuất. Một số xí nghiệp bị địch tập trung đánh phá (như điện Yên Phụ, xe lửa Gia Lâm, biến thế Đông Anh, ô tô Hòa Bình…, vẫn bảo vệ tốt lực lượng công nhân và mau chóng khôi phục sản xuất. Một số xí nghiệp san sẻ thiết bị, công nhân, giúp các tỉnh xây dựng những xí nghiệp mới.
Mặc dầu đang chiến tranh, công nghiệp địa phương của thành phố vẫn phát triển. 28 xí nghiệp mới được xây dựng, hàng loạt xí nghiệp khác được cải tạo và mở rộng.

Năm 1968, công nghiệp địa phương Hà Nội đã bao gồm 96 xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, 331 hợp tác xã thủ công nghiệp. Đặc biệt, ngành cơ khí chế tạo phát triển khá mạnh, các ngành công nghiệp giao thông, chế biến thực phẩm vươn lên đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thành phố trong thời chiến.

Công nghiệp vận tải từ chỗ chỉ là một cơ sở sửa chữa, nay hình thành một hệ thống công nghiệp có khả năng sản xuất được nhiều loại phương tiện, phụ tùng thiết bị, làm ra được nhiều mặt hàng mới mà trước đó chưa làm được như ca-nô 90 – 150 mã lực, sà lan 100 tấn, xe ca, rơmoóc…

Trong nông nghiệp, qua các đợt vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất”, các hợp tác xã nông nghiệp ở ngoại thành được củng cố thêm. Tất cả các hợp tác xã đều đã lên bậc cao.

Các biện pháp kỹ thuật trong nông nghiệp được áp dụng rộng rãi, cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nông nghiệp tăng hơn trước. Việc xây dựng đồng ruộng được đẩy mạnh, đê điều được củng cố vững chắc. Mạng lưới điện đã phục vụ cho 70 xã.

Trải qua thời gian dài phấn đấu, ngoại thành đã dần dần hình thành vùng sản xuất rau và chăn nuôi, tỷ trọng sản xuất thực phẩm được nâng cao lên so với trước. Năng suất lúa ngoại thành đã đạt bình quân 5,1 tấn thóc trên một héc-ta cả năm. Hà Nội là một trong hai địa phương đạt bình quân 5 tấn trên toàn miền Bắc.

Trong những năm 1969 – 1971, Hà Nội có ba năm khôi phục và xây dựng trong điều kiện địch tạm ngừng đánh phá. Nhiệm vụ đó đã được thực hiện trong những hoàn cảnh khó khăn. Cuộc chiến tranh đã làm đảo lộn nhiều mặt của thành phố, gây nhiều thiệt hại và để lại những hậu quả nặng nề. Công cuộc khôi phục đang tiến hành thì Mỹ lại mở lại chiến tranh phá hoại, nhưng chúng đã thất bại.

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước bao nhiêu năm bị chia cắt, nay giang sơn trở về một mối. Mừng ngày hội lớn của dân tộc, mỗi người Hà Nội càng ra sức phấn đấu lao động và sáng tạo để xứng với lịch sử vừa mới sang trang.

Thời kỳ sau thống nhất tổ quốc (1975-1986)


Vượt qua những khó khăn do hậu quả chiến tranh, Hà Nội phát huy triệt để những thuận lợi rất cơ bản của thành phố: Sự nhất trí về chính trị, tinh thần và khí thế của toàn dân, có tiềm lực kinh tế và lực lượng lao động tương đối dồi dào, sự giúp đỡ và hợp tác kinh tế… Những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi. So với năm 1973, năm mở đầu của thời kỳ khôi phục kinh tế sau khi đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, năm 1976, năm mở đầu của thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện cả nước thống nhất, các ngành kinh tế của thủ đô đều có bước phát triển và mức gia tăng rõ rệt.

Hầu hết các xí nghiệp trung ương và địa phương bị địch đánh phá đã được xây dựng lại. Nhiều xí nghiệp được xây dựng mới và mở rộng. Đội ngũ lao động công nghiệp tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Năng lực sản xuất công nghiệp của các xí nghiệp trung ương tăng hơn trước, nền quản lý được khôi phục, cơ sở vật chất – kỹ thuật của địa phương được tăng cường.

Việc sản xuất những mặt hàng thiết yếu được đẩy mạnh, như hàng dệt, quần áo may sẵn, phụ tùng xe đạp, quạt điện, giày vải…cùng với một số hàng mới như vải dệt bằng sợi tổng hợp, máy khâu, đồng hồ để bàn, men bánh mỳ, màn tuyn. Sản xuất hàng tiêu dùng phát triển…

Ngành cơ khí phát triển theo hướng vừa thỏa mãn các yêu cầu về các loại công cụ thông thường như cày, bừa, cuốc, xẻng và coi trọng sản xuất cơ khí nhỏ cho các hợp tác xã nông nghiệp như máy xát gạo, tuốt lúa, bơm nước… Hà Nội đã sản xuất được một số máy công cụ, máy chuyên dùng, phương tiện vận tải phục vụ các ngành chuyên tải của thành phố như xe ca. Một số máy được sản xuất, có tác dụng nâng cao năng suất lao động như máy đột dập 100 tấn, 160 tấn…

Tiểu thủ công nghiệp khắc phục những khó khăn về nguyên liệu, thu hút thêm nhiều lao động. Năm 1976 giá trị tổng sản lượng đã tăng 35%.

Nông nghiệp ngoại thành được phát triển theo hướng chính là sản xuất thực phẩm, đã đảm bảo được phẩn lớn nhu cầu rau, đảm bảo được 40% trứng, 30% thịt heo tiêu chuẩn cung cấp cho nhân dân thành phố. Giá trị tổng sản lượng năm 1976 đạt 108% triệu đồng, tăng 24% so với năm 1973. Vùng rau chuyên canh được xây dựng theo hướng tập trung ở các huyện ngoại thành Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì. Sản lượng thịt bán cho Nhà nước năm 1976 là 8.100 tấn, tăng 59% so với năm 1973. Các xí nghiệp nuôi gà được mở rộng, năm 1976 cung cấp trên 10 triệu quả trứng và trên 500 tấn thịt. Sản lượng cá bán cho Nhà nước năm 1976 là 2.000 tấn tăng 32% so với năm 1973. Năng suất lúa liên tục đạt 5 tấn/ha. Sản lượng lương thực đạt 114.900 tấn, tăng 15% so với năm 1973, cơ sở vật chất – kỹ thuật trong nông nghiệp được tăng cường, các huyện đều có trạm máy kéo, máy bơm nước, máy bơm thuốc trừ sâu, hầu hết các hợp tác xã có điện và cơ khí nhỏ.

Thương nghiệp đã cố gắng tổ chức nắm nguồn hàng, đẩy mạnh gia công sản xuất, thu mua trao đổi, phục vụ tích cực cho đời sống, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, thu mua hàng nông sản thực phẩm tăng 32%, thu mua hàng công nghệ phẩm tăng 26,7% so với năm 1973…

Trong việc thực hiện phân công theo lao động mới, Hà Nội đưa 2.500 lao động thuộc hơn 300 hộ đi xây dựng cơ sở sản xuất mới ở Lâm Đồng trên vùng đất rộng hơn 5 vạn héc ta, với hơn 30.000 mét vuông nhà ở và một số cơ sở vật chất. Diện tích khai hoang được là 500 héc-ta. Tách một bộ phận nhân lực đi xây dựng kinh tế ở Lâm Đồng (và các vùng khác) là một trong những chiến lược rất quan trọng song song với việc xây dựng Thủ đô và đã trở thành ý thức công dân của người Hà Nội.

Năm 1977, vượt lên trên tất cả những khó khăn, các ngành kinh tế đều đạt những kết quả quan trọng.
Trong hai năm, công nghiệp địa phương đã sản xuất được một số mặt hàng mới: nước quả giải khát, nước chấm từ bột mì, các loại sơn bóng, phụ tùng đồng hồ và đồng hồ báo thức, các loại áo len xuất khẩu, một số mặt hàng thủy tinh cao cấp, máy ép dập trục 100 tấn và 160 tấn…

Khắc phục thiên tai, đặc biệt là những trận bão lụt liên tiếp xảy ra trong năm 1978, bốn huyện ngoại thành cũ vẫn được năng suất lúa 5,4 tấn/ha…Năm 1979 năng suất lúa của ngoại thành mở rộng đạt 4,6 tấn/ha, sản lượng lương thực tăng 31,1% so với năm 1978.

Vùng rau chuyên canh và một số vùng cây công nghiệp được hình thành. Ngành chăn nuôi tăng thêm số đầu lợn. Năm 1979, tổng số đàn lợn trên hai tháng tuổi của thành phố là 39 vạn con.

Năm 1979 nảy sinh những khó khăn mới về chính trị, quốc phòng. Những năm đầu của thập kỷ 80 về sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, yêu cầu đặt ra cho thủ đô Hà Nội trong những năm này là bảo đảm cung cấp năng lượng, bảo đảm nhu cầu của quốc phòng theo khả năng và nhiệm vụ được phân công, đồng thời từng bước xây dựng công nghiệp thủ đô theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước. Trước những khó khăn về vật tư, nguyên liệu, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hà Nội vẫn sản xuất được những mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng dùng nguyên liệu trong nước, phát triển những mặt hàng mới để giữ vững và phát triển sản xuất.

Về sản xuất công nghiệp, nhiệm vụ chính của Hà Nội trong thời gian 1979-1984 là xây dựng nhanh vành đai thực phẩm của thành phố để đảm bảo toàn bộ nhu cầu về rau và một phần quan trọng về thịt, cá, trứng cho thành phố. Quy hoạch lại vùng trọng điểm lúa, tập trung đầu tư đưa năng suất bình quân và sản lượng hàng năm tăng lên.

Các công trình thủy lợi mở rộng và hoàn thiện tăng thêm diện tích tưới, tiêu. Năm 1980, giải quyết nước tưới cho 4.500 héc-ta ở các vùng đã có công trình (1950 héc-ta ở các vùng rau của các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, giải quyết tiêu úng cho 3.900 héc-ta của các huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì…).

Các công tác như bảo đảm lao động, bảo đảm đời sống công dân cũng có những bước tiến mới. Hà Nội có một cách đi đúng. Đó là tận dụng lực lượng lao động trẻ, khỏe của thành phố đi các vùng kinh tế mới hoặc đi các vùng công nghiệp trọng điểm của đất nước (như vùng than Quảng Ninh).

Từ năm 1980 đến năm 1985 thành phố đã xây dựng mới, sửa chữa và mở rộng 95 xí nghiệp trung ương và địa phương. Mốt số công trình giao thông vận tải được hoàn thành và đưa vào sử dụng: cầu Đuống, cảng Phà Đen, sân bay Nội Bài, cầu Thăng Long, tuyến đường Hà Nội – Hà Đông… Về sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực năm 1982 đạt 36,8 vạn tấn là mức cao nhất kể từ năm 1975. Năm 1983, đưa năng suất bình quân hai vụ lên 5,8 tấn/ha với sản lượng quy thóc là 40 - 42 vạn tấn. Năm 1982, sản lượng đậu tương, lạc, cây thuốc đều tăng. Bên cạnh vùng thâm canh rau, vùng ngô cao sản ngoại thành bước đầu được xây dựng và chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất lương thực và thực phẩm.

Kinh tế Hà Nội thời kỳ đổi mới và mở cửa (1986 đến nay)

Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đã đề xướng đường lối đổi mới. Hà Nội và cả nước đã bước vào một thời kỳ mới đầy thử thách nhưng cũng nhiều vận hội mới. Đại hội lần thứ X của Đảng bộ thành phố Hà Nội họp từ ngày 17 đến 23/10/1986, tại Cung Văn hoá Lao động hữu nghị Việt - Xô. Đại hội đã đánh dấu sự chuyển biến quan trọng về tư tưởng chính trị của Đảng bộ theo quan điểm đổi mới của Trung ương Đảng.

Những chủ trương chính sách thoáng, cởi mở đã giúp cho nền kinh tế Hà Nội dần phát triển. Năm 1991, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI xác định cơ cấu kinh tế Hà Nội là công nghiệp - thương nghiệp, du lịch, dịch vụ - nông nghiệp. Theo hướng đó, từ năm 1992 nền kinh tế thành phố đã ngăn chặn được suy thoái, tiến trên đà ổn định và phát triển tương đối toàn diện với nhịp độ cao. Chính trị và an ninh quốc phòng tiếp tục ổn định và giữ vững. Đời sống của số đông nhân dân được cải thiện. Các nhu cầu tiêu dùng được đáp ứng, đa dạng và phong phú.

Năm 2000, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII vẫn xác định cơ cấu kinh tế như vậy, chỉ nhấn mạnh thêm là phát triển lực lượng sản xuất kết hợp chặt chẽ với xây dựng quan hệ sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Từ đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình đổi mới thủ đô là phát triển kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN. Qua thực hiện đổi mới, kinh tế thủ đô đã vượt qua khỏi khủng hoảng suy thoái trầm trọng, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân giai đoạn 1986-1990 là 7,1%; đến 2001-2005 đã tăng 11,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá từ công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ - kinh tế đối ngoại (1986-1990) chuyển thành: Công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ - nông nghiệp (1991-2000) và là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (2000-2005).

Năm 2007, khẳng định bước phát triển tương đối toàn diện của Hà Nội với thành tựu nổi bật nhất là kinh tế đạt mức tăng trưởng 12,1% (gấp 1,42 lần của cả nước - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Năm 2007, kinh tế tăng trưởng cao đồng đều trên các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp năm 2007 tăng trưởng ở mức cao và vượt so với kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 21,1% so với cùng kỳ.
Ngoài 9 khu công nghiệp đã có, thành phố đã xây dựng 4 khu công nghiệp lớn và 11 khu công nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ từng bước sắp xếp lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng đề cao vai trò tự chủ của doanh nghiệp; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, mặt hàng; tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường... công nghiệp thủ đô ngày càng phát triển. Bước đầu hình thành một số ngành công nghiệp mới (công nghiệp phần mềm, chế tạo khuôn mẫu). Nhiều doanh nghiệp đã trụ vững trong cơ chế thị trường và làm ăn có lãi.

Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh. Thị trường Hà Nội ngày càng sôi động, hàng hoá phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; giá cả thị trường ổn định. Hoạt động kinh tế đối ngoại ngày càng mở rộng. Dịch vụ du lịch, bảo hiểm, thông tin tư vấn... ngày càng giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế thủ đô. Tài chính, ngân hàng thực hiện tốt việc huy động vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Thị trường chứng khoán được hình thành.

Năm 2007 ghi nhận mức kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội đạt 4,28 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2006). Năm 2007, cũng là năm ngành dịch vụ du lịch thu được kết quả quan trọng: Lượng khách du lịch trong nước và ngoài nước tăng mạnh, ước khoảng 15% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tháng 1-2007, Hà Nội nhận danh hiệu là 1 trong 10 thành phố du lịch hấp dẫn nhất Châu á do Tạp chí Travel and Leisure (Mỹ) - một tạp chí uy tín trong lĩnh vực du lịch bình chọn.

Năm 2007, thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Diễn đàn doanh nghiệp Thủ đô các nước ASEAN, Hội chợ thương mại quốc tế Hà Nội, Tháng khuyến mãi trên địa bàn thành phố...

Lĩnh vực tài chính-tín dụng cũng đạt được sự tăng trưởng cao so với các năm trước. Giá trị tăng thêm của dịch vụ tài chính ngân hàng tăng 20,1% so với năm 2006 và là mức tăng cao nhất từ năm 2004 đến nay; tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2007 dự kiến đạt 400 nghìn tỷ đồng, tăng 64% so với tháng 12/2006.

Về sản xuất nông nghiệp: Đã triển khai đổi mới cơ chế quản lý theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, thực hiện đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao; phát triển các ngành nghề. Cơ sở hạ tầng và đời sống nông thôn ngoại thành từng bước được cải thiện.

Các thành phần kinh tế ngày càng phát triển mạnh. Các doanh nghiệp Nhà nước được đổi mới, sắp xếp lại phát huy rõ hơn vai trò chủ đạo kinh tế ngoài Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, kinh tế hợp tác xã hoạt động theo Luật có chuyển biến.

Sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội toàn diện, vững chắc đã tạo nên bộ mặt mới khang trang, hiện đại cho thành phố. Từ bốn quận nội thành trước đây, nay Hà Nội đã mở rộng ra thành chín quận nội thành. Các cửa ngõ vào Thủ đô đã mọc lên nhiều khu đô thị mới như: Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Nam Thăng Long, Mỹ Đình, Mễ Trì, Việt Hưng...

Trong vòng năm năm trở lại đây, Hà Nội đã xây dựng mới 7,4 triệu m2 nhà ở, riêng năm 2007 xây mới hơn 1,5 triệu m2 nhà ở; phấn đấu đến năm 2010, diện tích nhà ở bình quân đạt 9m2/người. Hà Nội đang triển khai hơn 80 dự án khu đô thị mới với diện tích gần 2.500 ha đất.

Cùng với phát triển đô thị mới, hệ thống giao thông cũng được quan tâm đầu tư. Cầu Thanh Trì dài nhất Đông Dương bắc qua sông Hồng được đưa vào sử dụng từ ngày 3-2-2007, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông cho cửa ngõ phía Nam Hà Nội.

Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể thủ đô đến năm 2010, hoàn thành cơ bản quy hoạch kinh tế - xã hội đến năm 2010, quy hoạch chi tiết 12 quận, huyện và một số quy hoạch ngành kỹ thuật. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước phát triển theo hướng hiện đại hoá, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng... Mạng lưới thông tin liên lạc được phát triển và hiện đại hoá; 40 khu đô thị mới đang được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại và hài hoà với bản sắc văn hoá Thăng Long./.
 

(Trung tâm Tư liệu TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark