22/07/2016 | 15:55:00

Kỷ niệm Ngày Thương binh-liệt sỹ: Năng động tìm hướng làm giàu

Trở về với cuộc sống đời thường khi trên mình mang nhiều vết thương chiến tranh, những năm qua, nhiều thương, bệnh binh trên địa bàn Thủ đô luôn phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế” để giúp đỡ đồng đội, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Thương binh Đặng Minh Tuân ở xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, năm nay 63 tuổi nhưng tác phong của ông vẫn rất nhanh nhẹn, dứt khoát, trong ông luôn toát ra khí chất của người lính Cụ Hồ.

Tròn 17 tuổi, Đặng Minh Tuân tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và trận đánh 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị, Đặng Minh Tuân cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu vì độc lập dân tộc.

Xuất ngũ trở về địa phương, tuy mang trong mình nhiều thương tật nhưng ông Tuân luôn tích cực tham gia công tác xã hội và làm kinh tế.

Ông Đặng Minh Tuân luôn trăn trở rằng: Những người đồng đội của mình đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương, họ vẫn phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh như bao người khác.

Với suy nghĩ như vậy, năm 1997, ông Tuân xin chính quyền địa phương mở Hợp tác xã Thương binh và người tàn tật 3-2 Hà Tây (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương binh và người tàn tật 3-2 Hà Nội), với rất nhiều ngành nghề như vận tải thương mại, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho các đối tượng chính sách, sản xuất kinh doanh đồ mộc gia dụng, gia công cơ khí, dịch vụ tin học...

Xuất phát chỉ với 12 người, cơ sở vật chất thiếu thốn, đến nay Công ty của ông Tuân đã đào tạo và giúp đỡ hàng trăm người có công ăn việc làm ổn định.

Đặc biệt, ông còn chủ động nhận đào tạo và giới thiệu việc làm cho con em liệt sỹ, gia đình chính sách, đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Là thương binh hạng 2/4, nhiễm chất độc hóa học hạng 3/4, nhưng nhờ có ý chí và nghị lực “thép”, ông Đặng Minh Tuân là một tấm gương sáng “thương binh tàn nhưng không phế” như lời Bác Hồ dạy.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Quang Hải, một trong những tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi của huyện Thanh Trì, chúng tôi mới cảm nhận được được ý chí và nghị lực của người cựu chiến binh này.

Là thương binh hạng 4/4, sau những năm chiến đấu ở chiến trường, khi xuất ngũ trở về địa phương, ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội, luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, được bà con và chính quyền tin tưởng.

Hiện thương binh Nguyễn Quang Hải đang là Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ vận tải tổng hợp thương binh 10/10 Thanh Trì.

Năm 2003, Hợp tác xã ra đời với mục đích tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho thương bệnh binh, con em gia đình chính sách. Những ngày đầu thành lập, Hợp tác xã do ông làm chủ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ sự cần cù lao động, năng động tìm hướng phát triển kinh tế, đến nay Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ vận tải tổng hợp thương binh 10/10 Thanh Trì đã có số vốn lên tới gần 30 tỷ đồng.

Hợp tác xã đang đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trên mảnh đất 3.250 mét vuông nhằm phát triển thêm các hoạt động kinh doanh dịch vụ như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nhà hàng phục vụ sự kiện... với tổng vốn đầu tư lên tới 20 tỷ đồng.

Chia sẻ về những năm tháng chiến đấu khốc liệt ở chiến trường, thương binh Nguyễn Quang Hải bùi ngùi: Năm 1977, thi đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, Nguyễn Quang Hải đã tạm rời xa trường học, bạn bè đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, ông cùng đồng đội anh dũng chiến đấu và nhiều lần bị thương.

Ông nhớ lại: Trong một lần bị thương nặng tại chiến trường, ông Hải được người đồng đội là Nguyễn Văn Huy (quê Thanh Hóa) cõng trên lưng, vượt qua 12 km đường rừng vào ban đêm để đến nơi cấp cứu. Hơn 10 năm nay, ông vẫn đi tìm tin tức người đồng đội đã cứu mình nhưng chưa có kết quả.

Dù đã ngoài 60 tuổi, ông Nguyễn Quang Hải luôn khắc sâu một tâm nguyện, còn sức khỏe, ông còn tiếp tục làm việc, cống hiến để giúp đỡ được nhiều đồng đội hơn nữa.

Với nghị lực của người lính Cụ Hồ, thương binh Đặng Minh Tuân và Nguyễn Quang Hải là những điển hình tiên tiến trong phong trào thương binh làm kinh tế giỏi trên địa bàn Thủ đô, để mọi người học tập và làm theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark