24/06/2010 | 15:29:01

Làng chạm khắc gỗ Thiết Ứng

Mỗi pho tượng của làng Thiết Ứng có cái thần riêng và duy nhất. (Nguồn: Internet)

Cách Hà Nội hơn 20km về hướng bắc, có một làng nghề cổ chuyên làm nghề chạm khắc gỗ, mà từ bao đời nay, câu chuyện về cụ tổ nghề Phó Sần, người đã có công đầu dựng nhà cho đức Tản Viên sơn Thánh với những mảnh gỗ chạm trổ hình rồng, cá, những tàn binh bại tướng của Thủy Tinh vẫn còn lưu truyền mãi. Đó là làng Thiết Ứng, thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Không ai biết cụ Phó Sần là ai, là người như thế nào, chỉ biết rằng, cụ chính là người đầu tiên truyền bí kíp nghề nghiệp cho làng Thiết Ứng để hôm nay, người Hà Nội, cũng như khách du lịch bốn phương mới có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm chạm khảm gỗ giả cổ tinh xảo, sống động, đầy tính nghệ thuật của nghệ nhân làng Thiết Ứng.

Trong tiềm thức của những người dân Thiết Ứng, nghề chạm khắc gỗ dường như cũng song hành cùng lịch sử hình thành và phát triển của làng.

Xưa kia, những sản phẩm chạm khắc gỗ của Thiết Ứng nổi tiếng đến nỗi, chúng được trưng bày ở khắp các phố Hàng Trống, Hàng Khay và Hàng Đàn. Phố Hàng Khay bán các loại khay chén, tráp, hộp trầu, hộp đựng trang sức, còn phố Hàng Trống và phố Hàng Đàn, Hàng Quạt là nơi người thợ vừa làm vừa bán các sản phẩm sập, gụ, tủ chè, án thư, tràng kỷ, hương án, long đình...

Nhiều thợ giỏi của làng Thiết Ứng đã được triệu vào cung để tham gia trang trí, xây dựng cung điện, lăng tẩm cho các bậc vua chúa thời Nguyễn. Nhiều người trong số họ được triều đình Huế và thống sứ Bắc Ninh phong hàm Bá hộ cửu phẩm, tiêu biểu là cụ Hàm Ân, một thợ giỏi của làng đã được trưng dụng vào làm tại kinh đô Huế, sau khi công việc hoàn tất, cụ Ân được phong chức tri huyện nhưng vì muốn theo nghề, cụ đã từ chối và trở ra Hà Nội mở cửa hàng buôn bán ở phố hàng Bông.

Giờ đây, những con người ấy đã trở thành thiên cổ nhưng nghề chạm khắc gỗ cùng những bí quyết gia truyền thì vẫn còn tồn tại mãi với thời gian, như một minh chứng hùng hồn cho sức sống lâu bền của những làng nghề cổ như làng Thiết Ứng.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, bao biến động của lịch sử, làng Thiết Ứng hôm nay vẫn không lúc nào ngớt tiếng cưa, tiếng đục, tiếng chàng. Những sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng phong phú hơn. Từ những gốc tre xấu xí, xù xì, chẳng có một hình thù hấp dẫn nào, vậy mà qua bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ Thiết Ứng, lại trở thành những bức tượng có giá trị, mang vẻ đẹp mê hồn.

Để tạc đượng một pho tượng gỗ cho giống bản mẫu thì không khó nhưng để truyền được cái hồn, cái thần thái vào trong pho tượng mới là cái khó, không phải ai cũng làm được. Muốn tạo được một sản phẩm chạm khắc gỗ đẹp, có hồn, trước tiên người thợ phải chọn được loại gỗ đảm bảo độ bền, khó cong vênh hoặc rạn nứt. Thớ gỗ phải dẻo, mịn, đánh bóng mới đẹp, sau đó gỗ được xẻ, cắt, đẽo, bào theo hình dáng, kích thước định làm. Với người thợ mới bước vào nghề thì phải vẽ mẫu trên giấy bản, rồi in vào gỗ để chạm khắc.

Còn những thợ lành nghề của Thiết Ứng thì chỉ cần phác họa trong đầu các đường nét chính, sao cho đăng đối đúng kích thước và thế là các hoa văn, họa tiết như hoa, lá, rồng, phượng… cứ theo từng nhát chàng, nhát đục mà hiện dần lên như một bức tranh sống động. Mỗi đường nét, hoa văn của bức tượng đều mang được cái hồn của cảnh vật thiên nhiên và cái thư thái của con người nơi làng quê bình dị.

Ngày nay, khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao thì nhu cầu và thị hiếu về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của khách hàng cũng thay đổi. Để đáp ứng được điều đó, người thợ Thiết Ứng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo đổi mới mẫu mã, chủng loại các mặt hàng. Thiết Ứng hiện có tới hàng trăm loại ghế, hàng chục loại giường tủ và những bức tượng ở mọi tư thế nằm, ngồi tủ chè cánh phẳng… được chạm khắc lung linh. Giá cả mỗi sản phẩm cũng phụ thuộc vào từng loại gỗ và từng loại chất liệu khác nhau.

Về Thiết Ứng hôm nay, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhà nhà làm nghề chạm khắc, người người làm nghề chạm khắc. Thiết Ứng không lúc nào ngớt tiếng cưa, tiếng đục… Ai cũng hăng say thổi hồn cho những tác phẩm của mình. Những lớp nghệ nhân của làng như cụ Đồng Vân Sảng, Nguyễn Văn Kim, Đào Văn Bồi cũng ngày ngày miệt mài truyền dạy nghề cho lớp con cháu để nghề chạm khắc gỗ được lưu truyền mãi mãi.

Trải qua kinh nghiệm nhiều đời truyền lại người thợ làng vẫn làm nghề theo kiểu truyền thống, nghĩa là từ lúc chọn gỗ đến khi hoàn thành sản phẩm tuyệt nhiên họ không làm từng chi tiết, họa tiết vẫn ẩn chứa những tâm tư tình cảm riêng của người làm ra nó.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người tìm đến với những sản phẩm của Thiết Ứng. Những sản phẩm của Thiết Ứng ngày nay đã không ngừng vươn cao, vươn xa sang nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế. Có những lúc, đơn đặt hàng chuyển về Thiết Ứng nhiều đến nỗi, làng nghề không sản xuất kịp. Sản phẩm của làng không chỉ dừng lại ở việc chế tác các mẫu tượng mà đang phát triển dòng sản phẩm gỗ tiêu dùng như giường tủ, bàn ghế nội thất phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Một niềm vui lớn đến với người dân Thiết Ứng trong năm nay là ngày 26/2/2010, làng Thiết Ứng được vinh dự đón nhận Bằng công nhận Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống Hà Nội. Hy vọng rằng, đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy làng chạm khắc gỗ Thiết Ứng cũng như nhiều làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội tiếp tục phát triển và khẳng định thương hiệu của mình./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark