25/05/2010 | 15:26:00

Làng nghề Lược sừng Thụy Ứng

Một số sản phẩm của làng nghề Thụy Ứng. (Nguồn: Internet)

Từ hàng trăm năm nay, trên khắp đất nước Việt Nam, làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội tự hào là nơi làm ra những chiếc lược sừng vừa bền, vừa tiện dụng.

Không chỉ là làng nghề độc đáo, với bàn tay tài hoa, ngày nay, người dân Thụy Ứng còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ chất liệu sừng trâu, bò để xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Không phải vô cớ mà người làng Thụy Ứng được mệnh danh là những người "thổi hồn vào sừng."

Làm sừng cũng lắm công phu

"Lược sừng Thụy Ứng chàng ơi
Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua"

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Bình tự hào cho biết, theo sách về những làng nghề trên đất nước Việt Nam, cả nước có hai làng nghề làm lược là làng nghề lược sừng Thụy Ứng và làng nghề làm lược bang xương, tre (lược bí) Trầm Vạc, tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, đến hôm nay, làng nghề lược bí Trầm Vạc hầu như đã mai một hết. Duy chỉ còn làng nghề lược sừng Thụy Ứng vẫn tồn tại và phát triển.

Theo những gì mà xã Hòa Bình ghi chép lại, lược sừng Thụy Ứng có từ thời vua Lê Trung Tông, niên hiệu Thuận Bình (1548-1556).

Bài viết về các vị tổ nghề của tác giả Hùng Minh (tạp chí Dân tộc học số 1-1991) có giới thiệu sơ lược về ông tổ nghề, và khoảng thời gian xuất hiện nghề lược sừng ở Thụy Ứng như sau: có hai anh em là cháu tiến sĩ Trần Đắc, người làng Thụy Ứng. Không rõ người anh hay người em đã dạy cho dân nghề làm lược.

Mặc dù không rõ tên tuổi ông tổ dạy nghề, nhưng dân làng đã làm bức ảnh chân dung ông tổ nghề bằng khảm trai ốc, lồng trong giá gương để thờ tại tam bảo chùa làng. Đến năm 1932, dân làng khởi công xây dựng ba gian nhà ngói để rước ông tổ nghề về thờ tại hậu cung.

Ngoài tiền sảnh có bức đại tự "Dân tiền giác", nghĩa là người biết trước dân, và bức hoành phi bốn chữ "Sở đầu Thánh nhân", tức vị thánh khởi đầu.

Trong câu chuyện vui, ông Nguyễn Văn Đang, Phó Chủ tịch xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, cười nói trâu bò thịt xong, những sản phẩm còn lại đều được người làng Thụy Ứng tận dụng hết.

Ngoài sừng, móng là nguyên liệu chính để chế tác các sản phẩm mỹ nghệ, da được thuộc, xương thì nghiền làm thức ăn gia súc, lông đuôi được dùng làm bàn chải, mùn sừng là loại phân bón hữu cơ tốt.

Đến thăm các xưởng sản xuất nhỏ trong các hộ gia đình ở Thụy Ứng mới thấy công đoạn chế tác sừng cũng lắm công phu. Sừng, móng tươi được thu mua từ các nơi về, phơi khoảng một tuần cho khô.

Trước khi chế tác thành đồ mỹ nghệ, nguyên liệu thô phải luộc trong dầu sôi cho mềm rồi đưa vào máy ép thủy lực, cán thành những miếng sừng mỏng.

Ngày trước, khi chưa có máy ép, những người thợ phải dùng vồ gỗ nặng vài chục cân đập cho phẳng, vừa tốn sức, năng suất lại thấp.

Công đoạn luộc, ép sừng rất độc hại. Người thợ phải trực tiếp ngồi bên nồi dầu sôi bỏng rát mặt, mùi dầu cộng với mùi hôi của móng trâu, bò nồng nặc.

Muốn có nguyên liệu ưng ý, phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ. Tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, pha, cắt cho phù hợp. Sừng trâu non uốn khỏi tay lại cong vênh ngay.

Anh Nguyễn Văn Thiêm, một thợ lâu năm bảo, để có được một chiếc lược sừng, phải trải qua ít nhất 30 công đoạn, từ luộc, ép đến giéo thành khuôn, cắt răng, chà lát, đánh bóng.

Kinh nghiệm làm lược, nếu làm thớ ngang, lược dễ gãy, làm thớ dọc thì lược sẽ bền đẹp. Lược màu trắng, làm từ sừng trâu trắng có giá hơn lược đen. Lược làm từ sừng cũng có giá trị hơn lược làm từ móng. Nhưng phải là người Thụy Ứng mới phân biệt được đâu là chất sừng từ móng, đâu là chất sừng thuộc cặp sừng.

Đưa ra một miếng nguyên liệu phôi thành phẩm, anh Thiêm chỉ cho chúng tôi xem rồi giải thích: "Khi ép ra, phần có màu trắng là đế móng, phần trên móng có màu đen. Những chiếc lược sừng làm từ móng thường có hai màu là vì vậy."

Gặp "đại gia" làng nghề

Vào thăm nhà anh Nguyễn Văn Sử, một "đại gia" của làng nghề Thụy Ứng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những sản phẩm tinh xảo từ sừng.

Anh Sử hồ hởi cho biết, gia đình từng được Sở Văn hóa thông tin Hà Nội lựa chọn làm đại diện các làng nghề làm đồ mỹ nghệ tại Hà Nội tham gia hội chợ thương mại các làng nghề tại Bằng Tường, Trung Quốc.

Số hàng mang đi tham dự hội chợ trong mấy ngày đã hết veo. Điều mừng hơn là sau hội chợ, anh nhận được rất nhiều đơn hàng từ các công ty nước ngoài, mở ra cơ hội làm ăn mới cho gia đình.

Nhưng để trở thành "đại gia" như ngày hôm nay, với anh Sử là cả quãng đường truân chuyên. Khởi đầu chỉ là một người bán hàng rong, những chiếc lược sừng được anh Sử mang đi các tỉnh trong Nam ngoài Bắc bán dạo.

Hồi đó, sản phẩm từ sừng của Thụy Ứng chỉ dừng lại ở mặt hàng lược chải đầu, những chiếc lược giản dị, chưa trạm trổ hoa văn cầu kỳ, thẩm mỹ như bây giờ.

Thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm làng nghề độc đáo được người nước ngoài hết sức ưa chuộng. Là người đi đây đi đó, nắm bắt được nhu cầu này, anh Sử đã về làng, mở rộng quy mô sản xuất theo thị hiếu của khách. Không chỉ có lược, một loạt những sản phẩm khác từ sừng được chế tác.

Khi Trung tâm thương mại Tràng Tiền hoàn thiện, anh Sử đã mạnh dạn thuê một gian hàng để giới thiệu sản phẩm của mình. Đến nay, gia đình anh cung cấp sản phẩm làm từ sừng cho trung tâm thương mại, du lịch tại Hà Nội và các tỉnh.

Nguồn sừng trong nước không đủ sản xuất, anh Sử còn nhập sừng nguyên liệu từ Lào, Thái Lan, Campuchia và các nước châu Phi, có cả sừng linh dương.

Chỉ cho chúng tôi xem những cặp sừng trâu, bò châu Phi có kích thước lớn, anh Sử cho biết sừng thô mua chỉ vài chục nghìn/kg, nhưng qua bàn tay tài hoa của những người thợ làng nghề Thụy Ứng, những cặp sừng có trị giá lên đến hàng chục triệu. Điều quan trọng là bí quyết chế tác.

Những sản phẩm mỹ nghệ từ sừng được các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ đặc biệt ưa chuộng do được làm hoàn toàn thủ công.

Quyết tâm mang sản phẩm làng nghề đi khắp thế giới, anh Sử đang nung nấu xây dựng một thương hiệu riêng cho mình bằng việc đầu tư cho hai con trai theo học chuyên ngành ngoại ngữ và quản trị kinh doanh.

Anh bảo: "Mình có tuổi rồi, lại không có điều kiện học hành tử tế, mà muốn đưa sản phẩm của làng nghề ra nước ngoài bắt buộc phải có kiến thức chứ không đơn giản như trước."

Nhưng "đại gia" như anh Sử ở Thụy Ứng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những gia đình còn lại, do vốn có hạn, lại không nhanh nhạy, tháo vát tìm hiểu thị trường, không đủ kỹ thuật chỉ dừng lại ở việc sản xuất thô, cung ứng nguyên liệu cho các gia đình sản xuất lớn.

Nỗi buồn thương hiệu

Có một thời gian, lược nhựa đã lấn át thị trường, khiến nghề làm lược sừng của dân làng Thụy Ứng lao đao. Nhiều hộ chuyển sang nghề thuộc da trâu, bò. Lợi đâu chưa thấy, nhưng mối hại ô nhiễm môi trường thì đã quá rõ.

Mùi hôi thối nồng nặc đầu làng cuối xóm, ruồi nhặng vo ve ngày đêm khiến Thụy Ứng bị đưa vào danh sách "đen" về các làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Chính người dân không chịu nổi đã tự bỏ nghề.

Hiện nay, chỉ còn chưa đầy chục hộ ở khu vực đầu làng vẫn duy trì. Sự ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn tới du lịch làng nghề bởi khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài một đi không trở lại.

Rồi chuyện thành lập Hội làng nghề không thành do một bộ phận người dân không mấy mặn mà. Thế nên cho đến nay, lược Thụy Ứng mặc dù đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên chính đất làng nghề.

Rời Thụy Ứng, trở về Hà Nội 36 phố phường nhộn nhịp, qua phố Hàng Lược, thấy buồn vì chẳng có cửa hàng bán lược nào như Hà Nội kinh kỳ thuở xưa.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì trước kia, cứ theo tên gọi thì phố này là nơi tập trung buôn bán mặt hàng lược chải đầu. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngày nay, phố Hàng Lược kinh doanh đủ các mặt hàng và trở thành chợ hoa Tết.

Hoài niệm về phố Hàng Lược, chợt nghĩ: "Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Một phố làng nghề, tái hiện và giới thiệu những sản phẩm các làng nghề Hà Nội, trong đó có lược sừng Thụy Ứng, đó chẳng phải là một nét đẹp độc đáo hay sao?"./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark