19/04/2010 | 11:30:00

Làng nông Trung Lập yêu đời - mê hát chèo

Từ đầu làng Trung Lập - ngôi làng thanh bình, nằm giữa cánh đồng bát ngát thuộc xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội - đã nghe tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng hát khoan thai dìu dặt.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi công việc nhà nông đã tạm bớt bận rộn, nông dân trong làng lại tập hợp nhau lại, học hát và cất lên những giai điệu ca ngợi cuộc sống ân nghĩa thủy chung, tình yêu quê hương đất nước. Họ hát say sưa, nhiệt tình; những người đã lên chức ông, chức bà nhưng không khí trong một canh hát của họ giống như thuở mười tám đôi mươi.

Nếu nói người hát chèo trong làng được lợi gì, chắc chắn là không. Họ tham gia vì vui, vì phong trào văn nghệ và tình yêu. Người dân ngày xưa khẳng định thế, giờ vẫn chắc như đinh đóng cột. Họ không được lợi gì, mà cũng không mất công mất việc, tốn cả tiền của nhưng họ vẫn say sưa nói về kỉ niệm vui buồn của những năm đi diễn chèo.

Chèo làng Trung Lập rất có tiếng trong làng chèo Hà Nội những năm tháng ở thời hoàng kim. Họ từng phải dùng xe bò cải tiến để trở sân khấu, phục trang, đồ dùng đi khắp nơi biểu diễn; đồng thời cũng giúp bà con ở những vùng khác thành lập đoàn chèo, nhằm đẩy phong trào văn nghệ quần chúng đi lên.

Các danh hiệu, các huân, huy chương đạt được nhiều không kể siết. Đặc biệt các ông, bà Đỗ Thị Hoa, Lê Thị Phái, Lê Danh Ứng, Nguyễn Quang Liễn, Lê Tuấn Khiết đã được Nhà nước tặng huy chương vì phong trào văn hóa-nghệ thuật.

Ông Nguyễn Văn Đoàn tâm sự: trên danh nghĩa, Câu lạc bộ hát chèo của làng Trung Lập chính thức được thành lập năm 1999, vì yêu thích chứ chẳng ai có thù lao gì. Một phần ông và một số anh em muốn lưu giữ lại các vốn chèo cổ có nguy cơ bị mai một. Đất có lề, quê có thói. Kinh tế thị trường tràn vào, lớp trẻ đang vơi dần sự quan tâm đến chèo, trừ một số em say mê.

Làm sao để cho chúng không thể quên được gốc tích của mình. Năm nào các em cũng được biểu diễn ở trường vào các dịp kỉ niệm, có người hướng dẫn. Đi biểu diễn ở Trung ương, các em cũng đoạt giải rất cao. Biết được thế mạnh này, nên khi có hội thao, tỉnh đều gọi các em tham gia.

Tất cả những em bé, ông bà ngồi trong ngôi nhà ấm cúng của ông Đoàn đều cho rằng, tuy cuộc sống của họ còn nghèo, nhưng đời sống tinh thần, phong trào văn nghệ của họ cao. Có thời gian đi tập, thiếu trống, họ phải dùng xoong, bát, hòm xiểng để tập.

Bà Lê Thị Mến kể rằng, ngày đó đoàn của bà có ngày diễn quan trọng và theo lịch, chỉ hai ngày sau bà nghỉ để sinh nở, nhưng do có kế hoạch từ lâu, diễn viên không ai có thể thay thế được nên ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã cố tình đưa bà đi, khi chưa diễn, cứ để nghỉ ngơi, lúc nào diễn cứ ôm cả bụng chửa mà lên diễn. Đó là một đêm diễn thành công của đời bà với tiết mục “Mâm cỗ ế.” Và đúng hai ngày sau tôi sinh, bà Mến cho biết.

Có những thời gian diễn liên tục, các bà phải mang cả con đi lưu diễn, tập luyện. Hợp tác xã phải cử người đi trông nom con trẻ để các bà mẹ yên tâm tập luyện và biểu diễn. Nhiều đợt đi đến ba tháng trời mới trở về. Đoàn đi đến đâu, lỉnh kỉnh đồ đạc, người và xe, có cả vật nuôi như gà, vịt, chó. Sau mỗi đợt như vậy, đoàn đều có liên hoan “nhẹ” ở quê nhà, rất vui vẻ.

Gần đây nhất, đoàn có một kỷ niệm vui, đó là đêm làng tổ chức diễn ra ở Nhà văn hóa. Người dân từ các làng xung quanh đổ về rất đông, sân bãi không đủ sức chứa. Những mái nhà, mái bếp của nhiều gia đình xung quanh trở thành chỗ ngồi cho nhiều khán giả. Ngồi trên đó có thể quan sát toàn bộ sân bãi. Cũng vì thế mà có nhiều bếp bị sập mái. Chủ nhà chỉ cười rằng: không sao, vì chèo mà, mai làm lại là được!. Như vậy, đúng là người dân ở đây mê chèo, hy sinh vì chèo vào bậc nhất.

Khi hỏi về sự học hành của người hát chèo làng Trung Lập, ông Đoàn cho biết, cả làng chỉ có mỗi bà Bích Thục được học ba tháng chuyên nghiệp ở Hà Nội, còn những người khác không tham gia bất kỳ một khóa học nào. Say mê hát chèo nên những người nông dân ở đây tự dạy cho nhau.

Đất của chèo

Ông Nguyễn Văn Quản, một nhạc công kỳ cựu, người có nhiều công đóng góp cho đoàn chèo của làng từ những năm 1960 nói: “Cha ông chúng tôi thành lập đoàn chèo của làng từ những năm 1936. Ban đầu chỉ có hát cải lương, sau đó thêm môn hát tuồng; đến năm 1969, chuyển sang hát loại hình nghệ thuật chèo.

Những người khơi dậy phong trào và thành lập đoàn như các cụ Lê Đình Nguyên, Lê Trung Đàn, Nguyễn Văn Bất. Con cháu các cụ sau đó đều là diễn viên và trở thành những thế hệ kế tiếp yêu và phát triển loại hình nghệ thuật này.”

Cũng theo lời các ông, các bà trong làng Trung Lập không phải là làng khoa bảng như một số ngôi làng xung quanh. Đây là ngôi làng thuần nông và có nghề vác đất, đắp đất cho nhiều nơi để kiếm sống. Cái đói cái nghèo có thể vắt kiệt sức lực, nhưng không sao kiềm chế được tình yêu của họ đối với hát chèo. Khi chiến tranh xảy ra, người Trung Lập tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều người đã hy sinh anh dũng, ai còn sống sót, trở về, tiếp tục củng cố đoàn chèo làng. Nhiều lúc, chính họ ngày đó cũng không biết mình lấy đâu ra sự nhiệt tình đến như vậy, có đêm biểu diễn hai vở trường kịch liền.

Bây giờ phong trào phát triển mạnh trong thời văn hóa rộng mở, người dân đã sống trong no đủ, con em ở làng hiện nay có nhiều người đang công tác ở các đoàn chèo Hà Nội, Phú Thọ, Đài tiếng nói Việt Nam. Các vở diễn thành công phải kể đến như "Khói lửa Cầu Giẽ," "Sức mới vào xuân," "Sóng vỗ chân cầu" "Đất quê hương."

Yêu đời nên tiếng hát ngân lên mãi

Ngày nay, ngay cả khi cấy cày, gặt hái giữa cánh đồng, những người phụ nữ làng vẫn thường ngân lên tiếng hát. Tiếng hát yêu đời tha thiết, thể hiện tình cảm, tình yêu giữa con người với con người, sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên.

Tuy “biên chế” của đoàn chỉ có hơn 30 người chính thức, nhưng Trung Lập đã thành làng hát chèo. Nhiều cặp vợ chồng đều biết hát nên trong đời sống hàng ngày họ vẫn hát cho nhau nghe. Những em bé ngộ nghĩnh mặt mũi nhem nhuốc, nhưng hồn nhiên, mạnh bạo với những làn điệu mà người lớn dạy cho.

Nhiều người già đã mất giọng, nhưng họ còn muốn được trở lại với thời trai trẻ với những đêm diễn, vì thế nên có câu ca: “Kiếp sau nếu được làm người. Thì em xin chọn làm đời diễn viên.”

Vì ham mê, mà nhiều người được gọi với danh hiệu ngộ nghĩnh “tay cày tay đàn.” Nhiều người cả đời phục vụ cho đoàn, cho nghiệp hát, giờ tóc đã bạc, răng đã mòn, mắt kém, mà tình yêu với nghệ thuật không chịu giảm đi.

Chỉ cần thích là họ tập hợp nhau lại và hát. Có những người nhiệt huyết cao như ông Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Văn Đoàn, bà Nhuệ Phái; hay những diễn viên nhí Lê Thị Hường, Lê Thị Hài, Nguyễn Thị Huệ, chẳng bao giờ phong trào của làng xuống dốc./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark