23/10/2009 | 09:03:00

Lê Phụng Hiểu

Có phần đột ngột chăng khi người ta chỉ thấy Lê Phụng Hiểu lần đầu tiên cũng là lần duy nhất xuất hiện giữa kinh thành Thăng Long - dĩ nhiên là qua những trang dòng biên niên của sử cũ - vào ngày 3/3, năm Mậu Thìn (1028).

Nhưng thực sự, đó là một ngày định mệnh - đúng nghĩa - về nhiều mặt cũng như nhiều người đương thời, mà Lê Phụng Hiểu là gương mặt nổi bật nhất.

Quả là định mệnh, khi vừa hai hôm trước, ngày 1/3, xảy ra nhật thực, bầu trời Thăng Long sầm tối giữa ban ngày. Thế rồi, tin dữ theo những hồi chuông cấp báo từ trong nội điện loan đi: đấng chí tôn, vị hoàng đế sáng nghiệp nhà Lý - Thái Tổ Công Uẩn - đã băng hà!

Theo đúng Di chiếu của hoàng đế mới băng hà, quần thần Lý triều, một mặt lo liệu việc tang rất đỗi trọng thể, một mặt tiến hành công việc còn trọng đại hơn, rước mời tân vương kế nghiệp, lên ngôi báu.

Đó là hoàng trưởng tử Lý Phật Mã, từ 16 năm trước, khi vừa mới tròn một giáp tuổi, đã được sắc phong làm thái tử, vẻ vang mang tước hiệu Khai Thiên Vương. Và còn được vua cha xây riêng cho một tòa vương phủ, làm Đông cung, đặt tên là Long Đức.

Vào ngày 3/3 năm Mậu Thìn (1028) ấy, đông đảo quần thần Lý triều đã tìm đến cung Long Đức, rước mời Đông cung hoàng thái tử vâng theo di chiếu, tiến nhập hoàng cung theo cửa Tường Phù, thẳng đến tòa chính điện Càn Nguyên, thụ mệnh đăng quang.

Tuy nhiên, một cảnh tượng bất thường đã bỗng nhiên xuất hiện: xa gần quanh tòa chính điện, lố nhố những giáo gươm, cung kiếm cùng các bộ mặt lầm lũi gian giảo, đầy sát khí! Lũ thái giám mặt mày tái mét, từ chỗ nấp kín trong tòa chính điện, bây giờ mới thấy chạy ra bẩm báo: Đông Chinh Vương (Lực) đem quân riêng trong phủ đến để giết thái tử, tranh ngôi!

“Loạn Tam Vương” thế là nổ ra. Và đến đây, mới thấy sử cũ chép rõ: “Thái tử biết có biến, sai người hầu đóng hết các cửa điện, và sai vệ sĩ trong cung phòng giữ. Tiếp đấy, một loạt lời lẽ - đối thoại, bàn bạc - giữa tình thế vô cùng nghiêm trọng và khẩn cấp ấy, đã được sử cũ may mắn ghi chép được nguyên văn, từ mé trong điện Càn Nguyên:

Thái tử: -”Ta đối với anh em, không phụ bạc chút nào. Nay ba vương làm việc bất nghĩa, quên di mệnh của tiên đế, mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ sao?”.

Lý Nhân Nghĩa - vốn từ năm 1011 đã là Viên ngoại lang nay đương chức Nội thị - “Anh em với nhau, bên trong có thể hiệp đồng bàn mưu, bên ngoài có thế cùng nhau chống giặc. Nay ba vương làm phản, thì là anh em hay kẻ thù? Xin cho bọn thần đánh một trận để quyết được thua!”.

Thái tử: - “Ta lấy làm xấu hổ là tiên đế mới mất chưa quàn, mà cốt nhục đã giết nhau! Há chẳng để muôn đời cười chê sao?”.

Lý Nhân Nghĩa: - “Thần nghe rằng: Muốn mưu xa thì phải quên công gần; giữ đạo công thì phải rứt tình riêng. Đó là việc Đường Thái Tông và Chu Công Đán bất đắc dĩ phải làm. Nay điện hạ có cho Đường Thái và Chu Công là chăm mưu xa, giữ đạo công chăng? Hay là tham công gần, đắm tình riêng chăng? Điện hạ biết theo dấu cũ của Đường Thái, Chu Công, thì đời sau ca tụng công đức còn chưa rỗi, còn rỗi đâu mà chê cười”.

Lý Nhân Nghĩa (nói tiếp) - “Tiên đế cho điện hạ là người hiền, đủ để nối được chí, tài đủ để làm nổi việc, nên mới đem thiên hạ phó thác cho điện hạ. Nay giặc đến vây bứt tận cửa cung mà vẫn ẩn nhẫn như thế, thì đối với sự phó thác của tiên đế, ra làm sao đây?”.

Thái tử (vẫn giữ vai trò người chần chừ, mong tìm một hướng giải quyết khác), sau một hồi im lặng suy nghĩ - “Ta há lại chẳng biết việc làm của Đường Thái, Chu Công hay sao? Chỉ vì ta muốn che giấu tội ác của ba vương, khiến họ tự ý rút quân chịu tội, cốt để vẹn toàn tình cốt nhục thì hơn!”.

Tuy nhiên, “cây muốn lặng (nhưng) gió chẳng đừng”, trong lúc bên trong chính điện vẫn cứ bàn bạc, thì bên ngoài: “Khi ấy, phủ binh của ba vương vây bứt càng gấp” - đấy là lời sử cũ. Và: “Thái tử liệu không thể ngăn cản được, bèn nói: - “Thế đã là như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy ba vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục đứng hầu tiên đế, ngoài ra đều ủy thác cho các khanh cả”.

Bọn Nhân Nghĩa đều lạy, nói: - “Chết vì vua gặp nạn, là chức phận của bọn thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa!”.

Nói xong những lời nghĩa khí, trung trinh ấy, “bọn Nhân Nghĩa” – theo cách gọi của sử cũ - gồm những tên tuổi sau đây: Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, và - sau cùng là - Lê Phụng Hiểu, đều “mở cửa cùng ra đánh, với các vệ sĩ ở trong cung”.

Lê Phụng Hiểu, vào giai đoạn bước ngoặt của cuộc đảo chính và phản đảo chính, ngay 3/3 năm Mậu Thìn (1028) giữa kinh thành Thăng Long ấy, lúc đầu, chỉ được chép tên ở hàng cuối danh sách những người chỉ huy cầm vũ khí xung trận. Nhưng, đến thời khắc quyết định của trận đánh dẹp loạn, khi mà: “Ai cũng vui lòng xông pha, đều là một người địch với trăm người”, nhưng: “Quân đánh nhau (mãi mà) chưa phân được thua” - vẫn đều là lời sử cũ - thì chỉ còn thấy một mình tướng Lê Phụng Hiểu, với một lời nói - rõ ràng mang tính “lập ngôn” - và một hành động - biết lựa chọn chính xác - mà thôi. Đó là lúc mà sử cũ ghi nguyên văn:

“Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc, hô to lên rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua kế vị vào đâu, trên thì quên ơn tiên đế, dưới thì trái nghĩa tôi con. Vì thế, thần là Phụng Hiểu, xin đem thanh gươm này để dâng!”.

Trong lời nói lẫm liệt và độc đáo ấy, đối tượng cho hành động quyết liệt của Lê Phụng Hiểu cũng đã được xác định. Đó là Vũ Đức Vương - kẻ phản nghịch trong vai hoàng tử, nhưng non trẻ nhất và ít kinh nghiệm chiến trường nhất (vì chỉ mãi đến năm 1015, mới thấy sử cũ chép việc y được vua cha cho cầm quân đi đánh nhau (để thử thách, rèn luyện) một lần duy nhất, trong khi Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương thì  trước đấy và sau đấy đã được cử đi trận, liên tục và nhiều lần). Quả là vị võ tướng biết nổi giận đúng lúc, nhưng cũng biết chọn đúng đối tượng để ra đòn quyết định - Lê Phụng Hiểu - là một vị tướng quân có tài.

Từ đòn đột phá quyết định của Lê Phụng Hiểu, cục diện trận đánh tại chính tâm cung đình Thăng Long đã thay đổi hẳn: “Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo, chém giết không sót một mống. Chỉ có hai vương: Đông Chinh và Dực Thánh, chạy thoát được. Và thế là việc ghi chép vào sử cũ danh sách những người có công lao phản đảo chính, cũng thay đổi: tên Lê Phụng Hiểu được xếp lên trên đầu, không những thế, còn thành tên tuổi đại diện cho cả nhóm: “Bọn Phụng Hiểu”!

Hình ảnh của “bọn Phụng Hiểu” trong sử cũ, lúc này vừa thật đẹp, lại vừa được kèm thêm một lời “lập ngôn” hết sức có ý nghĩa nữa:

“Bọn Phụng Hiểu trở về, mặc chiến bào, đi vào báo tin thắng trận ở trước linh cữu Thái Tổ. Sau đấy, đến điện Càn Nguyên, báo cho thái tử biết. Thái tử úy lạo rằng: “Ta sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của tiên đế, toàn vẹn được thân thể của cha mẹ để lại, đều là nhờ sức của các khanh cả!”.

Đấy là lời ghi công chung. Còn riêng với người lập công lớn nhất, thì có cả một đoạn văn trân trọng tưởng lệ, làm tiền đề cho sự xuất hiện lời “lập ngôn” thứ hai của Lê Phụng Hiểu, khi ấy:

Thái tử: “Ta thường xem sử nhà Đường, thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau, không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều!”.

Lê Phụng Hiểu (lạy tạ hai lạy): - “Đức của điện hạ cảm động cả trời đất kẻ nào manh tâm mưu đồ gì khác, thì trời đất thần linh đều làm hết chức phận mà giết đi, bọn thần có công sức gì!”.

Dẹp loạn và lập ngôn, chỉ một lần xuất hiện ở Thăng Long, nhưng dấu ấn đóng vào trong và để lại cho lịch sử kinh kỳ của Lê Phụng Hiểu, vậy là cũng đã đủ để tên tuổi ông sống và sáng mãi, ở miền “địa linh nhân kiệt” nay./.

("Danh nhân Hà Nội"/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark