19/07/2010 | 15:23:00

Lê Vượng: Gom tình yêu Hà Nội vào những bức ảnh

Nghệ sĩ Lê Vượng. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Hà Nội lúc nào cũng đẹp. Nhưng Hà Nội nay thì năng động hơn, mạnh mẽ hơn. Còn Hà Nội xưa có một phong cách kiến trúc riêng, một nét đẹp thơ mộng, trầm lắng mà hút hồn.

Tôi hẹn nghệ sĩ nhiếp ảnh lão niên Lê Vượng trong một ngày Hà Nội ấm áp nắng. Căn nhà Pháp cổ 63 Trần Quốc Toản đã cũ nhưng vấn giữ nguyên nét kiêu hãnh của một thời. Khi tôi đến, nghệ sĩ đang đọc sách qua đôi kính lão. Mái đầu bạc và nét đôn hậu trên khuôn mặt khiến tôi tưởng tượng ra hình ảnh những cụ già tốt bụng trong cổ tích…

Nghệ sĩ không có tuổi

- Bác 92 tuổi rồi, nhưng nghe các bậc nhiếp ảnh lão thành của câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội nói thì dường như bác càng ngày càng chụp ảnh đẹp hơn?

Nghệ sĩ Lê Vượng: Đối với nhà nhiếp ảnh, có nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau. Có người trung vận sáng tác nhiều, nhưng hậu vận thì không sáng tác mấy nữa. Có người thì ngược lại. Và tôi là một trong số ngược lại ấy, vì những tác phẩm có đôi chút tiếng tăm toàn là những tác phẩm được sáng tác vào lúc tôi nghỉ hưu. Có khi là do lộc của tôi là ăn về hậu vận.

- Trong tác phẩm “Nghệ thuật cải lương trên đất Bắc năm 1919-1954”, nhà nghiên cứu sân khấu Ngọc Văn có nói đến những hoạt động của Đoàn cải lương Tố Như, đã có những đóng góp đáng kể vào công tác cách mạng trong những ngày đầu Tổng khởi nghĩa? Đó chắc hẳn phải là những ngày tháng vô cùng đáng nhớ đối với bác?

Nghệ sĩ Lê Vượng: Vào những năm 1940, Đoàn Cải lương Nhật Tân Ban tại phố Hàng Bạc do một người Hoa  làm chủ đối đãi với anh em nghệ sĩ rất bạc ác. Bị bóc lột sức lao động thậm tệ, nhiều nghệ sĩ muốn bỏ nghề.

Vốn đặc biệt yêu nghệ thuật cải lương, mến mộ tài năng của các nghệ sĩ cải lương, tôi cùng anh cả Lê Thiết đã đứng ra mời anh em về thành lập đoàn hát cải lương Tố Như theo nguyên tắc cùng làm, cùng hưởng, không phân biệt giữa chủ và người làm thuê. Các vở diễn chủ yếu nêu gương sáng của các bậc anh hùng dân tộc, khêu gợi lòng yêu nước, chống ngoại xâm.

Khi thực dân Pháp quay lại chiếm nước ta một lần nữa, Đoàn cải lương Tố Như của chúng tôi cũng như toàn dân, đã đứng lên kháng khiến theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Chúng tôi tổ chức nhiều buổi biểu diễn, lấy tiền ủng hộ kháng chiến. Khi đó, chúng tôi đã rất vinh dự khi được cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước lúc bấy giờ khen ngợi.

- Từ một người đam mê cải lương, nguyên cớ nào đã đưa đẩy bác đến với nghiệp cầm máy?

Nghệ sĩ Lê Vượng: Năm tôi 18 tuổi, nhân nghỉ Hè, tôi theo người cậu đi chu du đó đây sang tận Vientian (Lào), Phnom Penh, cố đô Siem Riep đến thăm đền Angkor Thom, Angkor Wat của Campuchia... Bao cảnh đẹp tuyệt vời của những vùng đất thú vị này đã thôi thúc tôi phải mua ngay một chiếc máy ảnh và vài ba cuộn phim để ghi lại. Đó chính là “mốc son” đưa tôi đến với nghệ thuật nhiếp ảnh.

“Tôi thích vẻ đẹp bình dị của cuộc sống”

- Đồng nghiệp vẫn nói về bác với những sáng tác được nhìn với con mắt vô cùng trong trẻo?

Nghệ sĩ Lê Vượng: Điểm đáng yêu nhất và cũng là điểm chung của những người nghệ sĩ là luôn nhìn cuộc đời với con mắt đẹp, thậm chí bay bổng. Họ có được niềm vui bởi nhiều lúc quên sự đời, đi nhặt từng nét đẹp, từng ánh nắng, từng giọt sương… để đến với những cảnh quan rộng lớn hơn, để thấy nỗi buồn như không tồn tại. Cũng có những trăn trở, nỗi buồn khi ước muốn không đạt được nhưng chỉ là thoảng qua, bởi họ luôn hướng đến cái thiện, mỹ và có gia đình, bạn bè thân thiết.

- Phải chăng, đó là lý do tại sao mà những người quen biết thường nói bác là “người nghệ sĩ không già”, “tuổi tác chỉ là con số”, hay “vẫn giữ những cái nhìn trong trẻo sau mỗi cú bấm máy..” (tựa đề những bài báo đã viết về nghệ sĩ Lê Vượng)

Nghệ sĩ Lê Vượng: Tôi thích chụp những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Trong sự bình dị có một niềm hạnh phúc trường tồn. Càng đi, tôi càng thấy khỏe ra, chụp thêm được nhiều ảnh đẹp. Người nghệ sĩ thì có tuổi, nhưng đam mê và nghệ thuật là không có tuổi.

Yêu Hà Nội từ lúc sinh ra

- Bác được biết đến là một trong không nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đi nhiều nơi trên thế giới. Nói gọn lại, Hà Nội trong bác là những gì, so với những vùng đất đó?

Nghệ sĩ Lê Vượng: Là người con sinh ra và lớn lên giữa đất Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến, tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất này. Tôi yêu một nét xao động nơi ao bèo, một cổng làng rêu phong nơi thôn xóm, một mái chùa cổ kính, những mái ngối lô xô nơi 36 phố phường Hà Nội, một gốc đa nghìn tuổi của Cổ Loa xưa… Và tôi gom những cảm xúc chân thành ấy vào trong những tác phẩm như “Cội nguồn”, “Bài học lịch sử, “Nét quê hương”...

- Đã sống ở Hà Nội gần 1 thế kỷ - gần 1 đời người, ngắm nghía từng ngõ ngách của Hà Nội, nhận biết rõ những thay đổi, những cái vươn mình của thành phố, thì với bác, Hà Nội nay và xưa, khi nào đẹp hơn?

Nghệ sĩ Lê Vượng: Hà Nội lúc nào cũng đẹp. Nhưng Hà Nội nay thì năng động hơn, mạnh mẽ hơn. Còn Hà Nội xưa có một phong cách kiến trúc riêng, một nét đẹp thơ mộng, trầm lắng mà hút hồn bởi những hình ảnh, kiến trúc, bố cục và đường nét tao nhã, nhẹ nhàng.

- Cảm xúc của bác khi sắp được chứng kiến Hà Nội 1000 năm tuổi?

Nghệ sĩ Lê Vượng: Được sống vào thời khắc này, những nhà nghệ sĩ, những con người sáng tạo văn hóa - nghệ thuật chúng tôi cảm thấy đây là một niềm vui mà trước kia tưởng chừng mình không được hưởng. Nhưng giờ đây nó đến hàng ngày, hàng giờ. Những cảm hứng đó càng thôi thúc chúng tôi mong muốn sáng tạo để mong đóng góp những suy nghĩ nhỏ bé cho ngày trọng đại này.

- Xin chân thành cảm ơn bác. Chúc bác sức khỏe dồi dào để sống mãi với niềm đam mê sáng tạo.

Nghệ sĩ Lê Vượng sinh năm 1918, xuất thân từ một gia đình trí thức có truyền thống văn nghệ, người gốc Hà Nội. Chú ruột ông là họa sĩ bậc thầy Lê Phổ.

Tác phẩm “Nghệ nhân Song Hỷ thêu tranh” đã đoạt giải nhì tại triển lãm ảnh ở Liên Xô (cũ) 1972; “Ruộng bậc thang”, huy chương vàng tại Đức năm 1973; “Hội đền Hùng” đoạt giải ACCU Nhật Bản năm 1984.

Ông được phong tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Nghệ sĩ A-FIAP của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế và nhiều huy chương văn hóa nghệ thuật khác.

Giang Anh (Chinhphu.vn)

Bản để in Lưu vào bookmark