25/03/2010 | 15:39:59

Lễ hội tôn vinh “gia đình văn hóa” từ… 500 năm trước

Người dân hai bên đường trải chiếu để đoàn rước đi qua.

Lễ hội ở đình Vòng, đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, diễn ra hôm 16/3 vừa qua (tức 1/2 âm lịch) là một lễ hội tôn vinh  “Gia đình văn hóa” (nói theo danh hiệu hiện đại) rất đặc biệt, theo đúng phong tục từ 500 năm trước của các cụ ngày xưa.

1. Chuyện gắn biển “Gia đình văn hóa” ở các nhà dân thời gian qua ở một số địa phương đã khiến nhiều người thắc mắc, lên tiếng và cho rằng việc gắn biển tràn lan như vậy là không thực chất, mang tính hình thức, phô trương, lãng phí. Văn bản mới được đưa ra tuần qua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định không được phép gắn biển “Gia đình văn hóa."

Điều đó đặt ra câu hỏi, cần phải tổ chức “tôn vinh” các gia đình văn hóa như thế nào cho thực sự “văn hóa?”

Theo quy chế hiện hành quy định: “Đối với gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa ba năm liên tục, được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trao giấy chứng nhận ba năm đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa” (hai năm đầu sẽ được ghi vào “sổ vàng”). Với quy định này có thể thấy việc treo bằng công nhận “Gia đình văn hóa” trong mỗi gia đình là một hình thức tôn vinh trang trọng, tiết kiệm.

Tuy vậy, vừa qua tôi đã được đi dự một lễ hội tôn vinh “Gia đình văn hóa” rất đặc biệt, theo đúng phong tục của người xưa, cũng tiến hành ba năm một lần với hình thức mang đậm tính tâm linh.

2. Theo sử ghi lại, vào khoảng trước năm 1522, đình Vòng được xây dựng tại đất Kẻ Mọc, nằm sát kinh thành Thăng Long xưa (nay thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân). Nơi đây được coi là đất lành, có nhiều tiến sĩ, cử nhân, danh nhân. Đình Vòng không chỉ thờ hai vị tướng (Thành hoàng làng) mà có một điểm đặc biệt là cho phép các dòng họ thờ bài vị của cha mẹ, tổ tông.

Chính vì vậy người dân Kẻ Mọc rất coi trọng việc tôn vinh những gia đình có truyền thống học hành, kính trên nhường dưới, kinh tế khá giả, cuộc sống hạnh phúc. Đó là cơ sở để họ tổ chức một lễ hội không đâu có: Tôn vinh “gia đình văn hóa” (nói theo ngôn ngữ hiện đại).

Theo đó, cứ ba năm một lần, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, đình làng lại được mở ra để tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh gia đình tiêu biểu nhất từng làng thuộc đất Kẻ Mọc. Gia đình này ngoài việc đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn phức tạp trên còn phải nhận được sự bầu chọn của đông đảo người dân trong làng. Như vậy, sẽ chỉ có một gia đình thực sự xứng đáng với danh hiệu này và sẽ được đón nhận lộc của Thành hoàng làng.

Theo thứ tự, kiệu của Thành hoàng làng sẽ đến gia đình văn hóa thuộc làng thứ nhất làm lễ, sau đó lần lượt đến gia đình tiêu biểu của các làng còn lại. Thường sẽ chỉ có năm gia đình thuộc năm làng của đất Kẻ Mọc có được vinh dự này. Hình thức này không chỉ có ý nghĩa tôn vinh gia đình văn hóa mà có có ý nghĩa nhắc nhở những gia đình khác phải học hỏi, phấn đấu để có thể nhận được vinh dự này vào các lễ hội tới.

Những gia đình nhận được vinh dự đó cũng không chỉ đơn giản nhận ơn của Thành hoàng làng là xong. Trước tiên họ phải làm lễ cảm tạ tại đình làng, đồng thời phải tán lộc cho người dân cùng làng bằng cách đem lộc đó tới đình, thắp hương và chia cho tất cả mọi người. Trên đường đi, trẻ em thường được đưa qua gầm kiệu để mau ăn chóng lớn. Còn người lớn lại thắp hương, gửi lộc với hi vọng có nhiều may mắn, đặc biệt là có được vinh dự như gia đình đã được lựa chọn.

Một nghi lễ lấy lộc đặc biệt cũng được diễn ra trong quá trình rước kiệu Thành hoàng làng từ “Gia đình văn hóa” về lại đình Vòng. Đó là khi kiệu đi qua gia đình nào, người của gia đình đó sẽ đem chiếu mới ra trải trước nhà để cả đoàn rước đi qua. Họ coi đó là cách lấy lộc rơi, lộc vãi và sẽ đem chiếu đó về để dùng với mong muốn có lộc cả năm.

Như vậy, một gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa” không chỉ cần có một thời gian dài phấn đấu, giữ gìn sự yên ấm trong gia đình mà còn phải tiếp tục sống có trách nhiệm, xứng đáng với những gì được Thành hoàng làng trao cho trong ít nhất là ba năm tiếp theo. Đó là luật bất thành văn nhưng cơ bản nó giúp cho người dân đất Kẻ Mọc luôn sống trong yên bình và hạnh phúc.

3. Năm nay, gia đình cụ Trương Cảnh Lâm đã được chọn là gia đình tiêu biểu trong ba năm của cụm 4 (ngoài gia đình cụ, năm nay còn hai gia đình nữa cũng được chọn). Cụ cùng gia đình đã đến tế lễ tại làng và cảm tạ Thành hoàng làng đã phù hộ cho gia đình được hạnh phúc, con cháu làm ăn tấn tới.

Dĩ nhiên, danh hiệu “gia đình tiêu biểu” theo phong tục truyền thống ở đình Vòng không hoàn toàn trùng khớp với các tiêu chuẩn của danh hiệu “Gia đình văn hóa” của ngày nay. Nó gồm nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn (cả làng trong ba năm chỉ bầu chọn ra dăm ba gia đình tiêu biểu), và cách thức tổ chức cũng mang đậm yếu tố tín ngưỡng, truyền thống. Tuy vậy, việc gắn tôn vinh gia đình với các nghi lễ nơi đình làng, với phong tục truyền thống... cũng là một gợi ý tốt cho việc tôn vinh các gia đình văn hóa ngày nay.

Từ lễ hội đình Vòng nói trên cũng cho thấy việc công nhận “Gia đình văn hóa” ngày nay là vô cùng cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất là sự tôn vinh phải đúng người, đúng tiêu chuẩn, được cả cộng đồng thừa nhận. Và rồi sau đó, chính những gia đình được công nhận này cũng luôn phải có ý thức “giữ gìn” danh hiệu được trao trước sự giám sát của cả cộng đồng./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark