01/12/2012 | 13:40:00

Lò luyện võ của thành Thăng Long xưa

Lịch sử hình thành Thăng Long là những giai đoạn xây dựng, phát triển nền kinh tế, văn hóa, giáo dục để Thăng Long trở thành “kinh đô của các bậc đế vương muôn đời” và đấu tranh chống xâm lược phương Bắc. Chính vì vậy mà các triều đại phong kiến Việt Nam xưa không chỉ chú trọng đến ôn văn mà còn quan tâm đến luyện võ.

Cùng với các di tích, danh sĩ tài hoa của vùng đất Thăng Long gắn liền với nền văn chương đỉnh cao thì những di tích, danh tướng gắn liền với nền võ học cũng đem lại một cái nhìn toàn diện về một vùng đất địa linh nhân kiệt, văn võ toàn tài.

Thời đầu nhà Lý, khi đất nước bước vào thời kỳ tương đối ổn định thì những công trình văn hóa, chùa chiền được xây dựng thể hiện một triều đại chuộng văn, chuộng đạo lý Phật. Tuy nhiên, nhà Lý cũng quan tâm đến việc tập luyện võ nghệ. Ngay từ khi vua Lý dời đô về Thăng Long đã cho xây dựng một khu vực điện Giảng Võ - nơi duy trì dạy và luyện quân sự nằm ở hai làng Giảng Võ và Hào Nam là hai trại thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Đến đời vua Lý Anh Tông đổi tên thành Giảng Võ trường.

Đến đời Trần, Giảng Võ trường chuyển đi nơi khác, đây chỉ còn là Võ Trại có dân cư sống xen lẫn. Tuy nhiên có thể nói Thăng Long thời Trần là Thăng Long chuộng võ. Năm 1253 vua Trần cho lập Giảng Võ đường, vương hầu tôn thất, quý tộc, các tướng sĩ, quân đội đến Giảng Võ đường tập luyện cưỡi ngựa, bắn cung, đấu võ, trau dồi binh pháp, và khuyến khích tất cả trai tráng trong nước đều phải tập võ. Vào những ngày lễ hội mùa xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí mà tinh thần thượng võ cũng được đề cao trong những hội thi... Nhờ thế mà khi quân Mông Cổ tràn sang nước ta, nhà Trần đã có ngay hơn 20 vạn quân để chống giặc.

Còn có một giai thoại kể rằng: lúc bấy giờ các phương hầu phần nhiều lấy sự đánh nhau bằng tay không và một mình đi ăn cướp là dũng cảm. Vũ Uy Vương (con vua Trần Thái Tông) cũng làm thế. Một hôm, Vũ Uy Vương đánh nhau tay không ở Đông Bộ Đầu, vua đi vi hành trông thấy hỏi rằng: “người béo mà trắng là ai, bắt lại đây để sai bảo”. Vũ Uy Vương nghe thấy bèn trốn mất.

Ngoài Giảng Võ Đường, nhiều nơi khác trong kinh thành Thăng Long cũng được sử dụng làm nơi luyện tập võ nghệ như bến Đông ở Hồ Tây. Sử cũ còn chép lại ngự sử đại phu Trương Đỗ cuối thế kỷ 14 là người thanh liêm, phóng khoáng, có chí lớn, khi còn nhỏ ngụ ở phường Cơ Xá – Nghi Tàm có lần đi chơi Hồ Tây xem tướng quân tập bắn, nói đùa rằng: “Nghề ấy thì có khó gì”. Tướng quân ngạc nhiên hỏi: “Mày bắn trúng được không?”. Trả lời: “Xin thử xem”. Bắn ba phát trúng cả ba…

Dưới thời Lê, mặc dù Nho giáo được đưa lên tới đỉnh cao, Nho sĩ được coi trọng với nhiều đặc ân của vua ban nhưng nhà Lê vẫn chú trọng đến việc luyện tập võ nghệ cho quân lính. Vườn Bách Thảo ngày nay từng nằm trong khu vực Giảng Võ của triều Lê trước kia. Thời vua Lê Thánh Tông, vua cho dựng một quả núi đất (mà hiện nay vẫn còn) làm một duyệt võ đài để đứng đó nhìn xem quân sĩ thao luyện. Vì thế người người xưa mới đặt tên núi ấy là Khán Sơn.

Trải qua các triều đại Lê Trung Hưng, Trịnh - Nguyễn với những cuộc phân tranh quyền lực, đất nước chìm trong những cuộc nội chiến liên miên thì việc tập trung xây dựng một đội quân võ nghệ trong cả nước đã không còn được chú trọng như trước. Dưới thời Nguyễn, trước âm mưu xâm lược của quân Pháp với những trang thiết bị vũ khí hiện đại, quân đội của triều đình nhà Nguyễn không đủ sức mạnh để đánh bại kẻ thù nhưng tinh thần võ sư của người dân Hà Nội vẫn khiến cho thực dân Pháp nể trọng.

Sau khi thành Hà Nội bị thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Một tùy tướng của Hoàng Diệu là cụ Cử Tốn - cử nhân võ triều Nguyễn - lui về ở ẩn, mở lò dạy võ ở khu vực phố Trần Quý Cáp bây giờ. Trong lòng viên tuỳ tướng của vị Tổng đốc bất khuất vẫn đau đáu một tâm nguyện khi Tổ quốc cần sẽ lại cùng môn sinh phò vua giúp nước. Giặc Pháp coi cụ như cái gai trước mắt. Chúng hãm hại làm cụ mù hai mắt. Song, những bí kíp võ công của cụ đã được lớp truyền nhân tinh hoa như Mùi Đen, Tư Côi, Lý Đen... lĩnh hội.

Để triệt hạ lò võ giàu tinh thần yêu nước này, giặc Pháp sắp sẵn mưu gian lập lôi đài treo thưởng cho võ sư ba xứ Bắc - Trung - Nam và toàn cõi Đông Dương đánh thắng thầy trò Cử Tốn sẽ được thưởng Bắc Đẩu bội tinh. Biết được âm mưu thâm độc muốn gây cảnh nồi da nấu thịt trong làng võ và để cho một số võ sư và dân chúng quên đi kẻ thù chính là giặc Pháp nhưng thầy trò cụ Cử Tốn cũng rất khó xử: không tham chiến thì quần hùng chê cười, không bảo vệ được danh dự môn phái mà thượng đài thì không tránh khỏi cảnh đầu rơi máu chảy, ân oán giang hồ.

Cụ Cử cùng các môn sinh suy nghĩ nhiều lắm, càng đến gần ngày hạn định, lòng họ càng như lửa đốt. Cuối cùng, họ cũng tìm ra cách hạn chế cảnh máu chảy mà vẫn bảo vệ được tiếng tăm cho môn võ của mình... Hồi đó Bách thú Hà Nội có con hổ cụt đuôi khét tiếng hung dữ. Hôm thi đấu, trước sự chứng kiến của các quan chức thực dân và Nam triều một đệ tử chân truyền của cụ Cử Tốn đã vào chuồng cọp đực diễn lại tích “Võ Tòng đả hổ”. Mùi Đen tay không vào chuồng cọp đực, sau một hồi ác chiến đã đánh gục cọp đực, tóm gáy, bẻ chân đưa sang chuồng cọp cái và ngược lại. Những kẻ tưởng mình có mưu sâu kế hiểm đành bất lực, quần hùng ba xứ và Đông Dương thêm kính trọng cái nhân, cái trí, cái dũng của thầy trò cụ Cử Tốn.

Mặc dù Thăng Long – Hà Nội còn lưu giữ được một số di tích, danh thắng tiêu biểu gắn liền với nền văn chương đỉnh cao của vùng đất kinh kỳ nhưng những di tích minh chứng cho một Thăng Long – Hà Nội chuộng võ hầu như không còn tìm thấy. Thế nhưng, tinh thần thượng võ của các danh tướng, võ sư vùng đất kinh kỳ vẫn còn là dấu ấn khó phai trong lịch sử vùng đất ngàn năm văn hiến.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark