19/12/2012 | 16:15:00

Lụa Vạn Phúc

Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội) từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống, và nay các sản phẩm được làm từ lụa của làng đã đến với người dân trong và ngoài nước với nhiều mẫu mã đa dạng mà vẫn không mất đi nét truyền thống của một làng nghề trên đất Bắc…

Làng lụa Vạn Phúc xưa là làng Việt cổ nổi tiếng với nghề dệt lụa có từ ngàn năm nay. Đặc biệt, chiếc áo dài lụa Hà Đông duyên dáng đã quyến rũ du khách xa gần. Áo lụa Hà Đông có một sức hút lạ kỳ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề dệt lụa vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác, góp phần tạo nên một nét văn hóa rất riêng trên đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Lụa Vạn Phúc “mịn mặt, mát tay” chính là “lụa Hà Đông” đã đi vào nhiều câu ca dao được lưu truyền trong dân gian.

Nét độc đáo của lụa Vạn Phúc là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Thiếu nữ mang trên mình chiếc áo lụa Hà Đông sẽ thấy mình trẻ trung, đầy sức sống. Hoa văn trang trí trên lụa rất đa dạng như long phượng, mây bay, lưỡng long song phượng, lưỡng long song thọ, song hạc,... khiến các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động. Ngày xưa, lụa Vạn Phúc đã được lựa chọn là một trong những vật phẩm cao cấp dành cho vua chúa và quan lại.

Trong thời kì thuộc Pháp, lụa Vạn Phúc còn theo chân những người nghệ nhân tới tham dự các cuộc đấu xảo ở Marseille, Paris (Pháp)... và cũng từ đó, lụa Vạn Phúc bắt đầu được biết đến trên toàn thế giới.

Ngày nay, cùng với công nghệ dệt may tiên tiến, mẫu mã đa dạng, các sản phẩm được làm từ lụa Vạn Phúc như những chiếc khăn quàng cổ đến bộ áo dài, áo sơ mi, chiếc áo khoác khi đông sang… đều hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước.

Trải qua bao thăng trầm đổi thay, làng Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng vân lụa, thớ vải. Nghề dệt vẫn được truyền từ đời này sang đời khác, góp phần tạo nên một nét văn hóa trang phục của người dân Việt Nam./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark