18/05/2010 | 09:31:00

Lưu Quang Vũ, thi sỹ "Trời cho" đi qua cuộc đời

Lưu Quang Vũ và bút tích của thi sĩ (Ảnh: Internet)

Sau hai ngày xuất bản tập thơ Lưu Quang Vũ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi," tối 17/5/2010 Nhà xuất bản Nhã Nam đã kết hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức buổi tọa đàm về thơ Lưu Quang Vũ tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

"Gió tình yêu thổi trên đất nước tôi" gồm hơn một trăm thi phẩm, trong đó có khoảng 20 bài thơ của Lưu Quang Vũ chưa từng được công bố. Đây có thể xem là tập thơ công phu, đầy đủ nhất cho đến thời điểm này.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ, em gái của nhà thơ Lưu Quang Vũ chia sẻ: “Anh Vũ còn quá nhiều bài chưa được công bố. Những di cảo của anh là máu thịt gắn bó với gia đình và tuổi thơ của chúng tôi. Tập thơ 'Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi' ngoài bổ sung những bài chưa công bố, chúng tôi còn cố gắng lấy lại nguyên bản của nhiều bài đã từng bị cắt gọt khi đăng tải trước đây."

Tưởng nhớ Lưu Quang Vũ, nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học nổi tiếng đã tham gia tọa đàm như Vũ Quần Phương, Anh Ngọc, Lưu Khánh Thơ, Phạm Xuân Nguyên…

Độc giả yêu thơ Lưu Quang Vũ đã đến kín hội trường của Trung tâm Văn hóa Pháp tạo nên không khí ấm áp và trang trọng.

Nhận xét về những sáng tác của Lưu Quang Vũ, nhà thơ Vũ Quần Phương kể rằng, ông hết sức ngạc nhiên khi đọc bản thảo 22 bài chưa in trong tập “Quyển sách xếp lầm trang.” Những bài này có giọng điệu khác hẳn thơ thuộc giai đoạn trước và sau của Vũ. Thi sĩ đã viết về những bế tắc của mình thật và xúc động nhất. Vũ Quần Phương nhấn mạnh, có thể coi những bài đó là điển hình kết tinh được nhiều vấn đề của thời đại.

Nhìn từ góc độ của một độc giả, nhà thơ Anh Ngọc tâm sự, ông ấn tượng và yêu mến Lưu Quang Vũ ngay từ lúc Vũ bắt đầu xuất hiện trên văn đàn. Vũ là tuýp nhà thơ truyền thống, chỉ nói về đời sống của những con người bình thường nhất mà vẫn tràn đầy chất thơ.

Lưu Quang Vũ là đại diện hiếm hoi nối liền thơ tiền chiến và Thơ Mới, cổ điển với lãng mạn. Trong thơ Vũ có sự đau xót của trái tim, đòi hỏi sự hoàn thiện, tìm đến cái tuyệt đích mà đời không có.

“Vũ đi qua cuộc đời như một thi sĩ Trời cho,” nhà thơ Anh Ngọc nhận xét.

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, người phổ nhạc cho thi phẩm “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, bày tỏ sự tri ân với nhà thơ. Ông tâm sự: “Tôi là một người hâm mộ Lưu Quang Vũ. Thơ anh từng cặp câu tươi mới, mỗi cặp câu có ý nghĩa như một bài thơ riêng biệt. Giản dị mà tài hoa.”

Nhạc sĩ kể rằng, có lần đến Nhà Hát Lớn xem công diễn vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, ông phát hiện ra Vũ đứng cách ông chưa đầy 50 cm. Nguyễn Lê Tâm quay lại ngắm Vũ và nhận thấy trong chiếc áo sơ mi trắng là cả trái tim đôn hậu của người thi sĩ ấy.

Cảm nhận trên phương diện một nhà phê bình văn học, Phạm Xuân Nguyên nhận xét rằng: “Vũ từ những câu thơ lúc hai mươi tuổi đã là một tuyên ngôn của một gã da vàng.”

Cũng theo ông Nguyên, thơ Lưu Quang Vũ tuy cay đắng, u buồn nhưng có giá trị nhân bản, đi vào thân phận đất nước, con người.

Giữa không khí xúc động của buổi tọa đàm, nhà thơ Đào Trọng Khánh, một người bạn thân của Lưu Quang Vũ đã ôn lại kỷ niệm xưa. Ông kể rằng, ông và Lưu Quang Vũ cùng nghèo, cả hai hay sang nhà một người bạn là Hải Béo để… ăn nhờ. Hải Béo có một quy định, trước khi ăn phải đọc thơ, nếu thơ hay sẽ được gọi món ngon. Lúc đó, Vũ thường là người đọc thơ đầu tiên. Dù là người thẩm định thơ khắt khe nhưng chủ nhà vẫn gật gù, ca ngợi thơ Vũ nên anh được những bữa thịnh soạn.

Trong tọa đàm, nhiều độc giả cũng đã thể hiện tình yêu của mình với Lưu Quang Vũ, các ý kiến đều cho rằng, thi sĩ là một thiên tài và thơ ông còn đẹp mãi trên văn đàn Việt Nam./.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark